Doanh nhân Vưu Khải Thành và câu chuyện xây dựng hương hiệu 'nâng niu bàn chân Việt'

11:09 30/03/2021

Bitis dần trở thành thương hiệu "vang bóng một thời" khi chỉ còn được quan tâm bởi tầng lớp cha chú đã có thói quen tiêu dùng sản phẩm này từ thời bao cấp khó khăn...Cái kết tưởng như đã định rằng Biti’s cũng sẽ bị “chìm nghỉm” trước cơn sóng toàn cầu giống Giày Thượng Đình. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, Biti’s bỗng trở lại hùng hậu với sản phẩm giày thể thao được giới trẻ đón nhận khá nhiều, đó là Biti’s Hunter.

Vợ chồng chủ tịch Vưu Khải Thành
Vợ chồng chủ tịch Vưu Khải Thành. (Nguồn ảnh: Internet)
Khởi đầu Biti’s với số vốn 200 triệu đồng
Chủ tịch Vưu Khải Thành sinh ngày 26/1/1950 là người gốc Hoa. Năm 1982, ông Vưu Khải Thành cùng vợ khởi đầu Biti’s với số vốn 200 triệu đồng, với 15 nhân công và những chiếc máy rỉ sét năng suất thấp, để sản xuất các loại dép cao su xuất khẩu, thị trường chủ yếu là Liên Xô và các nước Đông Âu.
Thời điểm đó, Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành nằm tại đường Bình Tiên, quận 6, TP.HCM. Phải đến năm 1986, 2 tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu. Cái tên Biti's là viết tắt của cái tên Bình Tiên này.

Nhưng mọi việc chỉ suôn sẻ đến cuối thập niên 1980. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Biti’s cũng mất luôn thị trường chính.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, mặt hàng dép xốp cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Giày dép Thái Lan, Trung Quốc làm bằng chất liệu mới, đẹp, nhẹ và tiện lợi hơn dép cao su đã trở thành mặt hàng thời thượng tại Việt Nam khi đó.

Xuất khẩu bết bát, bán trong nước cũng không xong, vợ chồng ông vẫn không bỏ cuộc và quyết định “công du” Đài Loan vào năm 1989, với hy vọng tìm cơ hội mới.

Thắng lớn tại Trung Quốc, đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và ghi dấu ấn bằng thông điệp quảng cáo nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”. Thời đó, những chiếc sandal rất bền của Biti’s đã nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu với thế hệ 8X và 9X đời đầu. Còn riêng sản phẩm dép xốp, đã có lúc mỗi gia đình Việt Nam có 1 đôi.

“Mọi hy vọng và nỗ lực đều không bị phụ”, bà Lai Khiêm, vợ ông Thành cho biết. Đến Đài Loan, họ đã nhìn thấy một loại dép xốp đặc biệt làm bằng chất liệu hạt nhựa EVA, có thể cạnh tranh được với dép xốp đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi đó, và họ nắm ngay cơ hội này. Vợ chồng Vưu Khải Thành ngày đêm tìm hiểu công nghệ EVA và dành tiền mua dây chuyền sản xuất mang về Việt Nam. 

Ba năm sau khi phát triển sản phẩm này, công ty của gia đình họ Vưu trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành giày dép được xuất khẩu chính thức vào thị trường Trung Quốc. Theo bà, Trung Quốc, một thị trường đông dân, có thói quen sử dụng hàng tiêu dùng tương đồng với Việt Nam.

Ông Khải Thành đã chọn Tây Nam Trung Quốc là địa bàn để phát triển doanh nghiệp. Đây là khu vực giáp với Việt Nam, dân số hơn 420 triệu người với thị trường giày dép bị bõ ngỏ.

Ông nhận thấy các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ mải mê xuất khẩu mà quên mất các thị trường rộng lớn của họ. Thế là, trong khi giày dép Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam bằng chiêu bài giá rẻ thì Biti’s nghĩ đến chuyện ngược lại: chinh phục thị trường đối thủ bằng các sản phẩm chất lượng tốt, có giá phải chăng.

Kết quả là sau nhiều năm phát triển, đến nay, doanh thu của Biti’s tại thị trường Tây Nam đã chiếm tới 80% tổng doanh thu của Biti’s trên toàn Trung Quốc.

Năm 2006, ông Khải Thành tiếp tục đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế ở biên giới Lào Cai với tổng vốn 40 triệu USD, nằm cách cửa khẩu 50m, để mua nguyên liệu và sau đó, sản xuất giày dép và bán qua biên giới.

Trên tổng thể, Biti’s đã mở rộng chuỗi trung gian phân phối ở Trung Quốc lên 30 đơn vị với gần 500 đại lý bán lẻ, tiêu thụ hơn 2 triệu đôi/năm, tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm khoảng 30%.

Thắng ở thị trường Trung Quốc, ông Khải Thành tiếp tục xuất hàng sang Campuchia và Lào, những thị trường hấp dẫn trong khối Đông Dương. Và ông đã xây dựng ở 2 nước này được hơn 1.000 điểm bán lẻ.

Vợ chồng ông cũng nỗ lực đưa hàng vào các nước Đông Âu và Trung Đông. Thành công của ông Khải Thành lúc ban đầu đã giúp Biti’s nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) của các đối tác Tây Âu, điều mà ít doanh nghiệp Việt Nam thời đó có được. 

(Nguồn ảnh: cafebiz)
Biti’s miệt mài "nâng niu bàn chân Việt" cho đến giai đoạn đầu của thời kỳ những năm 2000, khi một nền kinh tế đổi mới xuất hiện đã khiến những đôi chân Việt bắt đầu tìm tới các sản phẩm giày Nike hay Adidas. Và như một lẽ tự nhiên, Biti’s “thất thế”. Tâm lý sính ngoại là một phần, nhưng chủ yếu là giày Adidas và Nike chất lượng đã được toàn thế giới công nhận, mẫu mã đẹp và thời trang hơn nhiều.

Hành trình lột xác Biti's

Bitis dần trở thành thương hiệu "vang bóng một thời" khi chỉ còn được quan tâm bởi tầng lớp cha chú đã có thói quen tiêu dùng sản phẩm này từ thời bao cấp khó khăn. Với mẫu mã không đa dạng và hấp dẫn giới trẻ, Biti's trở nên "nhỏ bé" trước những ông lớn quốc tế vượt tầm. Theo đó, bất lợi bủa vây tứ phía, và cái tên Biti’s dần bị quên lãng. 
Cái kết tưởng như đã định rằng Biti’s cũng sẽ bị “chìm nghỉm” trước cơn sóng toàn cầu giống Giày Thượng Đình. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, Biti’s bỗng trở lại hùng hậu với sản phẩm giày thể thao được giới trẻ đón nhận khá nhiều, đó là Biti’s Hunter.
Từ “Nâng niu bàn chân Việt”, Biti’s phiên bản 2016 trở lại rầm rộ cùng chiến dịch mới “Đi để trở về”. Hãng này cũng đã chuẩn bị cho mình một chiến lược PR cực hùng hậu khi đưa ra ý tưởng mang những đôi giày vào MV ca nhạc của 2 nam ca sĩ đình đám là Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn. Riêng về Sơn Tùng, chẳng ai có thể phủ nhận được sức hút cũng như độ phủ sóng của nam ca sĩ này. Và tất nhiên đôi giày “lạc quẻ” trong MV mới nhất của nam ca sĩ ngay lập tức tạo nên một cơn bão dữ dội, khiến người hâm mộ lùng sục mua bằng được.
Sau hiệu ứng “giày Sơn Tùng” và “giày Soobin”, các cửa hàng Biti’s “cháy hàng”, thậm chí cung cấp không đủ với lượng tiêu thụ khủng của người mua hàng. Thậm chí, Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD.
Được biết người đứng sau ý tưởng này không phải doanh nhân Vưu Khải Thành mà là con gái của ông Vưu Lệ Quyên đề xướng sau khi hoàn tất việc học ở Canada vào năm 2004. Với tư duy mới mẻ và vốn kiến thức tiếp thu được từ nước ngoài, ái nữ nhà Biti's đã đem tới hàng loạt những cải cách lớn như sử dụng mô hình cửa hàng tiếp thị thay vì bán hàng qua kênh đại lý, áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.
Với sự thay đổi hình ảnh theo hướng trẻ trung hơn, Biti’s đã tạo tiếng vang lớn. Nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại nhập, việc duy trì phong độ với Biti’s sẽ không phải điều dễ dàng. Hiện ái nữ Vưu Lê Quyên của vị chủ tịch đang nắm giữ chức vụ CEO của Bitis và sẵn sàng cùng cha đưa Bitis vượt qua nhiều sóng gió trước mắt.
Dù có thay đổi lột xác bao nhiêu lần thì Biti’s vẫn luôn có một yếu tố không đổi đó là doanh nghiệp mang đậm màu sắc của công ty gia đình. Vị trí chủ tịch Hội đồng thành viên vẫn luôn là ông Vưu Khải Thành, người nắm giữ lớn nhất tại Biti's với hơn 162 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách cổ đông lớn là bà Lai Khiêm, vợ ông Vưu Khải Thành với vốn góp 141 tỷ đồng. 3 người con của ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm là Vưu Lệ Quyên, Vưu Lệ Minh và Vưu Tuấn Kiệt sở hữu tổng cộng 76,5 tỷ đồng. Như vậy, gia đình ông Vưu Khải Thành nắm gần 380 tỷ tại Biti's, tỷ lệ sở hữu gần 87%.
 TH