Doanh nhân Trần Phương Ngọc Thảo - ái nữ xuất chúng nhà PNJ

15:44 06/05/2021

Doanh nhân Trần Phương Ngọc Thảo nổi tiếng không phải vì là con của hai đại gia lẫy lừng trong ngành tài chính ngân hàng, mà bởi thành tích học tập vượt trội, kể từ khi còn là học sinh THCS.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo. Ảnh: PT
Bà Trần Phương Ngọc Thảo. Ảnh: PT.

Doanh nhân Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của đại gia Trần Phương Bình và nữ tướng Cao Ngọc Dung – bà chủ Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Du học tại New Zealand từ tháng 7/1999, khi vừa tốt nghiệp lớp 9, Thảo tạo ấn tượng với bạn bè, thầy cô khi đăng ký theo học học kỳ hai của lớp 10. Sau đó đang học lớp 11, cô lại đăng ký học dồn lớp 12. Vì vậy thay vì trải qua 3 năm học THPT như người khác, cô chỉ mất một nửa thời gian là một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu vào lớp 10 đến khi tốt nghiệp lớp 12.

Thảo đứng thứ 7 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand nên được tuyển thẳng vào Đại học Oxford Anh danh giá. Sau đó cô tốt nghiệp đại học với thành tích loại ưu và lọt top 5 trong trường. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các Giáo sư Đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard.

Trần Phương Ngọc Thảo từng khiến nhiều sinh viên Việt đang học tập ở nước ngoài tự hào khi được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu Tiến sĩ: Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, London Economic School và Oxford (Anh). Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Ngọc Thảo.

Thời điểm năm 2004-2005, khi còn học tại Mỹ, Trần Phương Ngọc Thảo được cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Boston gọi là thủ lĩnh, vì không chỉ có thành tích học tập tốt mà còn là một trong những người khởi xướng và vận hành các nhóm thiện Nam ở vùng Boston.

Nhận xét về Thảo, một sinh viên thuộc Hội thanh niên, sinh viên Việt, làm việc ở Mỹ cho biết, cô gái này từng là thần tượng của hầu hết du học sinh tại đây, bởi học hành giỏi giang và sự năng động trong các hoạt động cộng đồng, từ thiện. Cô cũng là một trong những sinh viên Việt có thành tích học tập tốt nhất trong cộng đồng những thanh niên đang theo học tại Mỹ. 

Bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung. Nguồn ảnh: Internet
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung. Nguồn ảnh: Internet.

Dù học tập tại Mỹ nhưng hè nào cũng vậy, Thảo về Việt Nam thực tập. Năm 2005, khi đang học dở bằng Tiến sĩ, Ngọc Thảo đã khởi động dự án thu hút người trẻ cho ngân hàng nơi cha mình là Tổng Giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT.

Trần Phương Ngọc Thảo từng giảng dạy ở Đại học Kinh tế TP.HCM, làm quản lý ở Ngân hàng Đông Á và ANZ (Úc). Hiện tại, cô đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số hóa tại công ty của mẹ.

Tháng 3/2020, cô đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu của công ty trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 23/4/2020 thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Với mức giá 52.600 đồng/cổ phiếu (tính tới đầu giờ sáng 23/3), ái nữ Ngọc Thảo có thể phải bỏ ra trên 100 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.

Trước khi thực hiện giao dịch, Ngọc Thảo nắm giữ 4,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,1%. Nếu thực hiện giao dịch mua thành công như đăng ký, cô sẽ nắm 3% vốn, tương đương 6,7 triệu cổ phần.

Tháng 6/2020, Ngọc Thảo ứng cử và được bầu vào HĐQT của công ty nhiệm kỳ 2020-2025. “Tôi từng có vài cơ hội làm quan sát viên, đóng vai trò tư vấn trong một số phiên họp nên phần nào hiểu cách làm việc của HĐQT. Mọi người rất hoà hợp, không phân biệt thế hệ 5x, 6x, 7x hay 8x như tôi. Nhờ đó, tôi cũng không áp lực vấn đề tuổi tác khi trúng cử mà chỉ lo rằng kinh nghiệm và hiểu biết về đặc thù ngành kinh doanh trang sức, thời trang cao cấp chưa bằng mọi người.

Công ty sở hữu lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính mạnh và thị phần đa số nhưng cũng vì thế sẽ có quán tính lớn làm chậm mọi sự chuyển đổi. Tôi nghĩ mình có thể mang đến tư duy mới, cách làm mới và tác phong gần giống với startup nhất để bù đắp khuyết điểm này, tạo ra sự linh hoạt cho bộ máy vận hành”, ái nữ họ Trần chia sẻ sau khi được bầu vào HĐQT.

Trước thông tin cho rằng việc thăng tiến nhanh tại công ty là một bước trong tiến trình “mẹ truyền con nối”, Trần Phương Ngọc Thảo khẳng định: “Nếu là mẹ truyền con nối thì đáng lẽ việc tôi về công ty phải xảy ra từ ba năm trước. Tôi gia nhập công ty từ tháng 11/2019 với vị trí đầu tiên là Trợ lý Tổng Giám đốc, sau đó chuyên trách tham mưu, thực hiện và quản lý việc thực thi quá trình chuyển đổi số. Tôi vào công ty vì cho rằng đây thời điểm thích hợp, hơn nữa cũng là môi trường thích hợp cho mình thực hiện những ước mơ lớn hơn”.

 TH