Doanh nhân Phạm Ngọc Anh Tùng: Khởi nghiệp không dành cho số đông, chỉ dành cho người phù hợp

09:38 09/08/2021

Với những thành tích nổi bật trong kinh doanh khởi nghiệp, Phạm Ngọc Anh Tùng đã vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Năm 2021 Phạm Ngọc Anh Tùng và Foodmap sẽ là đại diện của Việt Nam tại vòng chung kết Blue Venture Award thế giới.

Phạm Ngọc Anh Tùng sinh ra ở Huế, một thành phố gắn liền với du lịch, nhưng phần lớn người dân đều làm nông, nên từ nhỏ, Tùng đã có niềm yêu thích đặc biệt với lĩnh vực này. Đang theo học năm thứ ba, Khoa Điện tử - Tự động hoá, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Phạm Ngọc Anh Tùng đã rời ghế nhà trường, đầu quân vào vị trí Giám đốc công nghệ ở Hanel Techcom (Hà Nội). Nhưng cho đến thời điểm công tác ngoài Hà Nội, Tùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm gì và tiếp cận nông nghiệp như thế nào.

Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap. Nguồn: Internet
Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap. Nguồn: Internet.

Cơ hội bắt đầu rõ ràng hơn khi anh được chọn vào vị trí Giám đốc Nông trại trà và cà phê Cầu Đất Farm, thuộc sở hữu của Seedcom. Trong 3 năm ở Cầu Đất Farm, Tùng có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, giúp anh hiểu sâu hơn các nghiệp vụ cần thiết để hình thành một hệ thống quản trị tổng thể.

Cùng thời điểm đó, Tùng được đi tham quan mô hình nông nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… và nhận ra rằng, các công ty nông nghiệp thế hệ mới đều làm việc trên một nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Meicai (Trung Quốc) là một doanh nghiệp nông nghiệp thế hệ mới (thành lập năm 2014), nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng quan tâm, gọi được 1,5 tỷ USD đầu tư.

Nhưng càng dấn thân sâu vào ngành nông nghiệp, Tùng càng chứng kiến nhiều hơn những đợt “được mùa mất giá” của nông sản Việt Nam. “Dù quy mô lớn hay nhỏ, nghề nông vẫn quá rủi ro vì đầu ra hạn chế và cuối cùng chỉ người nông dân phải gánh chịu”, Tùng nói.

Tuy nhiên, ước mơ của Anh Tùng là xây dựng một công ty về công nghệ, Cầu Đất Farm có vẻ chưa đủ rộng để Tùng thực hiện được ước mơ của mình. Thêm vào đó, trong suốt những năm tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, câu hỏi mà chàng trai trẻ nhận được nhiều nhất từ gia đình, bạn bè là mua cái này có tốt không, có phun thuốc không và mua ở đâu là tin cậy. Đó cũng là câu hỏi phổ biến nhất của những người tiêu dùng hiện nay về thực phẩm.

Để trả lời những câu hỏi đó, tháng 12/2018 sàn thương mại điện tử dành cho nông sản mang tên Foodmap được Phạm Ngọc Anh Tùng khai sinh từ một văn phòng nhỏ do người bạn cho mượn.

“Khởi nghiệp không dành cho số đông, chỉ dành cho người phù hợp. Hành trình của Foodmap từ lúc khởi đầu đến lúc gọi vốn thành công (năm 2020 với số tiền 500.000 USD từ Quỹ Wavemaker Partners, Singapore) là một chuỗi ngày thực sự thử thách. Có những lúc mình phải đi làm bên ngoài gần 6 tháng để đủ nguồn lực nuôi công ty phát triển”, Phạm Ngọc Anh Tùng kể về những ngày đầu khởi nghiệp với Foodmap. 

Phạm Ngọc Anh Tùng – nhà sáng lập FoodMap, đang từng bước góp phần đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử. Nguồn: Internet
Phạm Ngọc Anh Tùng – nhà sáng lập FoodMap, đang từng bước góp phần đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử. Nguồn: Internet.

Theo Anh Tùng, việc xây dựng một sàn thương mại điện tử kết nối người mua - người bán thật sự rất khó, phải giải quyết được bài toán “con gà quả trứng”. Nghĩa là người dùng phải nhiều thì nhà cung cấp mới tham gia sàn, khi đó mới có nhiều sản phẩm, còn đối với người dùng, họ lên sàn ngoài việc mua sắm tiện lợi còn đòi hỏi mặt hàng phải đa dạng, nhiều nhà cung cấp. Làm thế nào để giải quyết được cả hai vấn đề cốt lõi trong một cuỗi cung ứng với nguồn lực vô cùng giới hạn mà vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, chính là điều mà anh trăn trở nhất.

Dưới góc nhìn của Phạm Ngọc Anh Tùng, nông dân Việt Nam khó trăm bề nhưng cái khó lớn nhất vẫn là cần đầu ra ổn định với giá hợp lí. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lí. Đây là nhu cầu phổ biến tất yếu, nên không có lí do gì mà nhà sản xuất chất lượng lại không bán được hàng. Vấn đề là cần một phương pháp mới, linh hoạt và sáng tạo.

Foodmap xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh của những người trẻ tuổi đam mê nông nghiệp, gần gũi với người nông dân và mong muốn là cầu nối giữa người nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng thông qua mô hình phân phối mới có áp dụng công nghệ.

Quan điểm của  Phạm Ngọc Anh Tùng và các thành viên của Foodmap là không có giải cứu nông sản. Foodmap và nhà sản xuất, người nông dân cùng mang lại những giá trị cho nhau và cùng nhau xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Foodmap đã làm việc với hơn 500 nhà sản xuất, kết nối hơn 2.000 hộ nông dân từ 40 tỉnh thành khắp cả nước. Các mặt hàng chủ yếu tập trung vào nông sản tươi, trái cây, đặc sản và các mặt hàng thân thiện với môi trường và người sử dụng.

“Mỗi chiến dịch được khởi động từ Foodmap phải trải qua khoảng thời gian dài khảo sát và làm việc với nhà sản xuất trước khi bắt đầu. Ví dụ để đưa trái sầu riêng vào giỏ hàng cung cấp của Foodmap, đội ngũ cùng nhà vườn đã làm việc liên tục với nhau 3 tháng từ khi cây mới trổ bông, ra quả non cho đến khi trái chín và vận chuyển về kho của Foodmap.

Foodmap không chỉ bao tiêu vườn mà còn mua với giá cao hơn so với thị trường bởi vì nông dân xứng đáng với công sức họ bỏ ra khi làm những sản phẩm chất lượng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi người tiêu dùng hiểu được những giá trị mà người nông dân, nhà sản xuất tử tế mang lại, họ sẽ ủng hộ, sẵn sàng chi trả, thậm chí mua trước trả hàng sau”, Phạm  Ngọc Anh Tùng chia sẻ về cách mà mình và các cộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản.

Gia Bảo (tổng hợp)