Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải và ước mơ Alphanam trở thành ‘Samsung của Việt Nam’

09:11 26/04/2021

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, được biết đến là một doanh nhân kín tiếng, không xuất hiện nhiều trước truyền thông, đặc biệt sau giai đoạn Alphanam hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

  

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. Nguồn ảnh: Internet
Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. Nguồn ảnh: Internet.

Khởi nghiệp là quãng thời gian thuận lợi nhất

Ông Nguyễn Tuấn Hải khởi nghiệp kinh doanh sau thời gian phục vụ trong quân đội năm 1987. Trong 8 năm, ông kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc và khách sạn. Phần lớn doanh nhân khởi nghiệp đều gian nan và khó khăn nhưng ông chủ Alphanam cho biết, ngày đầu khởi nghiệp của ông là quãng thời gian thuận lợi nhất. Số vốn đầu tư ban đầu của vị doanh nhân này là 20.000 USD.

Năm 1995, Công ty TNHH Alphanam được thành lập với hoạt động ban đầu là sản xuất tủ điện. Sau đó, công ty dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, hiện tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau gồm bất động sản, công nghiệp, thương mại với quy mô vốn gần 100 triệu USD. ALP sau khi cổ phần hóa và niêm yết đã dần mua lại cổ phần và trở thành công ty được sở hữu phần lớn bởi gia đình ông Hải.

Chỉ bốn năm sau khi lập công ty vào năm 1995 với số vốn điều lệ tăng hơn 200 lần và số nhân sự cũng tăng theo con số hàng nghìn, Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đã giành giải thưởng Sao Đỏ danh giá trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời và cùng thế hệ doanh nhân trẻ thời điểm đó tạo bàn đạp cho doanh nghiệp tư nhân nở rộ và bứt phá.

Việc tiếp xúc với những doanh nhân đàn anh, đàn chị như ông Vũ Văn Tiền, bà Cao Thị Ngọc Dung đã khiến ông Hải mở rộng tư duy và đồng thời tác động đến triết lý kinh doanh của Alphanam những năm về sau. Khi nhiều doanh nhân coi câu nói “một vốn bốn lời” của ông Vũ Văn Tiền chỉ là một lời hô hào thì ông Hải lại đặt đó làm mục tiêu quyết tâm phấn đấu.

Chính phủ kêu gọi công nghiệp hoá, Alphanam tập trung vào sản xuất, xây lắp các khu công nghiệp từ Bắc vào Nam. Đảng kêu gọi làm sao có hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu để không tốn ngoại tệ thì ông Hải định hướng nhóm sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, dần mở rộng sang sản xuất thang máy, sơn, rồi đầu tư tài chính, đồng thời tiến ra nước ngoài và mở rộng phạm vi thị trường.

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp gia đình nhưng những ngày đầu khởi sự kinh doanh, ông Nguyễn Tuấn Hải không hề có ý định sẽ duy trì mô hình này qua nhiều thế hệ.

Khi đã có chút thành công, ông Hải nghĩ rằng phải chuyển doanh nghiệp sang công ty đại chúng bởi đây là một hình thức phù hợp để gia tăng nguồn vốn cho những việc to lớn hơn, quản trị công ty bền vững, minh bạch và đa chiều hơn và cũng là một cách để gia tăng nhận diện hình ảnh trên thương trường. Vì vậy, Alphanam đã lên sàn chứng khoán vào năm 2001 với việc chính thức thành lập Công ty CP Alphanam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Hải làm Chủ tịch HĐQT.

“Alphanam phát hành cổ phần cho cán bộ công nhân viên, tìm kiếm đối tác, hoàn thiện hệ thống. Tôi bảo anh em mài dao 5 năm nữa rồi xuống núi mài thương hiệu ra tiền”, ông Hải kể lại trong một sự kiện gần đây của câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ.

Thật vậy, sự tăng trưởng của Alphanam diễn ra nhanh chóng. Năm 1995 vốn điều lệ của Alphanam là 1 tỷ đồng, thời điểm ông Hải nhận giải sao đỏ năm 1999 thì vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và đến 2006 là 250 tỷ đồng. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Từ một công ty gia đình, Alphanam trở thành công ty đại chúng và niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa năm 2007. Có thời điểm, giá trị cổ phiếu Alphanam tăng lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu và đưa ông Hải trở thành một trong 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Những con số này khiến ông Hải nhận định: “Có thể nói là tăng với tốc độ Thánh Gióng”.

Chủ tịch Alphanam chia sẻ, khi doanh nghiệp phát triển quá nhanh thì những ước mơ và tham vọng lớn được hình thành trong ông. Đó là tham vọng về một ngày nào đó Alphanam cũng là Samsung.

Alphanam từng đứng bên bờ phá sản

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết, một trong những biến cố lớn nhất của tập đoàn chính là sự kiện "hòm công tơ gây chấn động" giai đoạn 1999-2000. Lúc đó, Alphanam chỉ mới ở giai đoạn đầu, được thành lập khoảng 5 năm.

Theo ông Hải, các sản phẩm cơ điện của công ty giai đoạn này có chất lượng sản phẩm không thua kém nước ngoài nhưng cuối cùng lại bị "đánh bật" trước các nhà thầu nước ngoài. "20 năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn đầy cảm xúc nghìn cân treo sợi tóc, hàng trăm nhân viên bị mất việc, công ty đứng trên bờ đóng cửa", ông Nguyễn Tuấn Hải nhớ lại.

Chủ tịch Alphanam cho biết thêm, vì biến cố này, ông đã rời nhà ra đi nhưng sau đó suy nghĩ lại và trở về, quyết định vượt sóng gió bằng chính nội lực mà công ty đang có.

Thời điểm đó, ông nhận được lời khuyên rằng nếu sống được trong lòng dân thì lúc nào cũng sống được, đặc biệt nếu bị dồn vào chân tường thì sức mạnh càng vô biên.

Ông Hải cho rằng, ý chí, lòng tự trọng và tự hào dân tộc chính là yếu tố quyết định giúp Alphanam vượt qua biến cố. "Sau đó, chúng tôi mỗi năm xây 1 nhà máy tỏa đi các tỉnh thành như Đà Nẵng, TP.HCM", ông nói.

10 năm tiếp theo, một cột mốc quan trọng khác với Alphanam chính là việc niêm yết lên sàn chứng khoán nhưng rồi sau đó lại quyết định xuống sàn.

Ông cho hay, thời điểm đó, ông cũng muốn được như các doanh nghiệp lớn trong ngành, chẳng hạn như Tập đoàn REE. Bám mục tiêu này, Alphanam niêm yết lên sàn và trở thành một trong những doanh nghiệp đắt đỏ trên sàn chứng khoán. Chính ông cũng từng vào top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt năm 2012. 

Ông Nguyễn Tuấn Hải đã chuyển giao việc điều hành cho hai người con: Nguyễn Nhật Minh và Nguyễn Ngọc Mỹ. Nguồn ảnh: Internet
Ông Nguyễn Tuấn Hải đã chuyển giao việc điều hành cho hai người con: Nguyễn Nhật Minh và Nguyễn Ngọc Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

"Lúc đó, tôi nghĩ như vậy là thành công nhưng 10 năm sau, một ngày các con tôi trở về thì như thế nào. Gia đình tôi có nhiều buổi họp quyết định thay đổi mục tiêu không còn là công ty đại chúng", ông Hải nói.

Cũng vì điều này, ông chủ Alphanam đã thay đổi quan điểm đời mình là phải làm được điều gì cho xã hội chuyển thành các ngành nghề, lĩnh vực của tập đoàn phải thích ứng khả năng của các con.

Vì vậy, Alphanam đã thay đổi từ nhà thầu cơ điện chuyển sang đa ngành và hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện tập đoàn này có hơn 40 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

F2 Alphanam và biến cố Covid-19

"Covid-19 xảy ra đúng lúc Alphanam bàn giao cho thế hệ các con, tôi chỉ tham gia khoảng 20% ở tập đoàn", Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết.

Theo ông, trước bối cảnh Covid-19, nếu phân tích tình tình, nhìn chung những người thuộc thế hệ ông chọn cách phòng thủ. Nhưng với người trẻ, thế hệ đang điều hành trực tiếp Alphanam lại không nghĩ như vậy. Do đó, Alphanam quyết định thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng thủ, vừa tấn công.

"Điều kỳ diệu đã xảy ra. Covid-19 nhưng tăng trưởng Alphanma và một số công ty lên 400%. Bình thường cũng có thể khiến ngủ quên trên chiến thắng, còn bình thường mới thì rất hay" - doanh nhân nói.

Ông cũng cho rằng Covid-19 nhìn ở góc độ khác thì cũng tạo cơ hội, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi. Và trong tình huống này, mô hình công ty gia đình giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn so với mô hình doanh nghiệp đại chúng.

Một điều ông Nguyễn Tuấn Hải rút ra từ đại dịch là không phải chỉ những lúc bị dồn vào chân tường mới ứng phó, mà đôi khi phải tạo những tình huống "có biến" để thúc sự đổi mới, vận hành của doanh nghiệp.

Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Alphanam. Bởi ông cho rằng cấp độ ứng biến cao nhất của một doanh nghiệp không phải là chỉ để thích ứng hay vươn lên mà đỉnh cao phải là ứng biến một cách chủ động để phát triển bền vững hơn.

TH