Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn và những thương vụ "nhớ đời" khi lập nghiệp

09:13 31/03/2021

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Trường Sơn đã từng bước đưa Tập đoàn Bảo Sơn trở thành một tập đoàn lớn với 16 công ty thành viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ du lịch, khách sạn, bất động sản đến y tế và giáo dục...

Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn
Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn. (Nguồn ảnh: Internet)
Sinh ra tại Nghệ An giữa nạn đói lịch sử năm Ất Dậu (1945) cái nghèo, cứ quẩn quanh, bám chặt gia đình ông Trường Sơn. Đã thế, khi mới 6 tháng tuổi, cha ông lại qua đời. Mẹ của Sơn một nách cắp hai đứa con thơ dại, nên cái nghèo, cái khó được thể nhân lên. Hồi đó, nhà chẳng có lấy mảnh ruộng cắm dùi nên mẹ ông phải đi cấy thuê từ 3 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Vậy mà vẫn không đủ ngô, khoai, gạo cho cả nhà no bụng mỗi ngày. Năm ông Sơn 10 tuổi, ông phải học mót qua người anh ruột vì mẹ không đủ tiền cùng lúc cho hai anh em đi học. Năm 14 tuổi, ông đã học hết chương trình lớp 7. Nhờ đỗ đạt cao nên Sơn được ra Hà Nội học trường Trung cao cấp Cơ điện. Đó là bước ngoặt quan trọng, tiền đề trong bước đường trở thành doanh nhân của Nguyễn Trường Sơn.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cao cấp Cơ điện, ông Sơn được điều về công tác ở Nhà máy Chế tạo biến thế. Năm 1967, được Nhà nước và ngành Điện lực cử đi học tại Bulgaria với nghề thiết kế chế tạo máy biến thế. Sau 5 năm tu nghiệp, về nước với tấm bằng loại ưu “kỹ sư thực hành điện tự động hóa”, ông tiếp tục được trở lại Nhà máy chế tạo Biến thế. Tuổi trẻ luôn sẵn bầu nhiệt huyết ngoài sự say mê, ông còn sáng tạo khoa học. Tình nguyện tham gia vào Đại đội tự vệ Cảm tử Thủ đô, ông đã nhiều lần trực tiếp đối mặt, bất chấp hiểm nguy, đã trực tiếp chiến đấu ác liệt nhiều trận đánh máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội. Ông luôn giữ ngôi quán quân về những sáng kiến kinh nghiệm ở nhà máy. Trong đó có “sáng chế máy phay cổ góp phát điện” đưa năng suất lao động lên 4, 5 lần. Vừa công tác, ông vừa học tại chức Đại học Bách khoa Hà Nội với bằng kỹ sư thứ 2. Đây tiếp tục là bước ngoặt chắp cánh cho Nguyễn Trường Sơn trở thành doanh nhân.
Năm 1981, ông về công tác tại Công ty Vật tư Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tại đây, lần lượt đảm nhiệm các cương vị rồi ông được điều về nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may (Bộ Công nghiệp nhẹ). Tháng 10/1991, khi Luật Công ty ra đời, ngày 16/10 năm ấy, ông xin phép Bộ Công nghiệp nhẹ, UBND TP Hà Nội chuyển đổi Công ty Xuất nhập khẩu và dịch vụ may ra ngoài, thành lập công ty liên doanh (đó là công ty Nhà nước đầu tiên và duy nhất ngày ấy ở Hà Nội) thành Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm. Đây là bước ngoặt thứ 3, tạo tiền đề cho doanh nhân Nguyễn Trường Sơn gây dựng Tập đoàn Bảo Sơn hùng mạnh như hiện tại.

Khởi nghiệp từ Công ty TNHH dịch vụ đầu tư & du lịch Nghi Tàm (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn - Tập đoàn Bảo Sơn) năm 1992, ông Sơn đã từng bước đưa công ty này trở thành tập đoàn đa ngành lớn.

Tiếp đó năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.

Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Bảo Sơn liên tiếp đặt chân vào các lĩnh vực kinh doanh mới, không chỉ đầu tư bất động sản, xây dựng các khu đô thị, "hệ sinh thái" của ông Sơn còn mở rộng sang y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...

Tuy nhiên, quãng thời gian mới khởi nghiệp là thời gian ông Sơn đã có những kỷ niệm không bao giờ quên được với những 'thương vụ nhớ đời' của ông mà ông vẫn nói rằng "lắm rắc rối và tai ương".

Thương vụ gặp rắc rồi đầu tiên của ông đó là vào năm 1985, khi ấy ông đang là Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm, đúng lúc gặp vụ đổi hạt nhựa PE, PVC của Cộng hòa dân chủ Đức để lấy 200 tấn cà phê Robusta của Việt Nam theo Hiệp định ngoài Nghị định thư. Hồi ấy, để tạo công ăn việc làm cho ngành thủ công nghiệp Hà Nội, cũng như tạo nguồn vốn trong kinh doanh thì đây là một quyết định táo bạo của ông.

Và trong 1 năm thực hiện thương vụ này với các thủ tục giấy tờ, ông Sơn đã gặp biết bao "phong ba bão táp" từ dư luận với những lời đồn thổi, đặt ra những câu hỏi ngờ vực về ông, thậm chí có người còn cho rằng, ông Sơn móc ngoặt với các đối tác để trục lợi.... Lúc đó, ông Sơn tưởng rơi vào tuyệt vọng, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các lãnh đạo Bộ, ngành, Nguyễn Trường Sơn đã xuất được 200 tấn cà phê nhưng không phải sang Đức mà sang Liên Xô và đem về hơn 20.000 tấn phân đạm. Nhờ thương vụ này mà tiếng tăm lẫn những thị phi của ông Nguyễn Trường Sơn nổi tiếng cả hai miền Nam, Bắc.

Thương vụ thứ 2 của ông cũng gặp rắc rối không kém thương vụ trước, đó là thương vụ xuất khẩu 150.000 chiếc áo thêu sang Ba Lan để đổi lấy 80.000 mét vải giả da và mấy nghìn cái phích nước. Thương vụ này cũng lấy đi của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông đã phải đứng trước những cuộc thanh tra, kiểm tra để tìm sai phạm. Và với bản lĩnh của mình, vượt lên sự bủa vây của dư luận, ông đã chứng minh được sự trong sạch của bản thân.

Một thương vụ nữa diễn ra sau đó cũng đem lại cho ông nhiều nỗi buồn và sự hao tổn công sức. Đó là khi bản hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ sang Hungary, đổi lại là sản phẩm đèn leon của nước bạn với tổng giá trị hợp đồng lên tới 1 triệu USD. Thời đó, số tiền trên là rất lớn. Để thực hiện hợp đồng này, công ty của ông phải kết hợp với 1 công ty may khá có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hợp tác này đã gặp rắc rối khi thực hiện giao hàng lần thứ hai gặp đúng thời điểm mà Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, trong đó có Hungary khiến cho đối tác không chịu thanh toán tiền cho công ty ông. Rắc rối này 1 lần nữa khiến ông phải hứng chịu "bão táp mưa sa" buộc ông Sơn phải đứng ra chèo chống để vượt qua.

Đấy cũng là bài học xương máu mà ông đã phải trả giá. Rất may mà sau những va đập ấy, ông chợt nhận ra con đường trở thành một doanh nhân không chỉ là hoa hồng như người đời tưởng mà có quá nhiều chông gai...

TH