Doanh nhân Nguyễn Thu Phong: Song hành cùng thế hệ nhân sự kế tiếp bằng niềm vui "sứ mệnh truyền nghề"

09:38 12/04/2021

Nhưng ít ai biết rằng, sau những thành công về chuyên môn, cũng như tiếng tăm một thời của “đứa con” Nhà Vui, ông Nguyễn Thu Phong, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà Vui đã từng nếm không ít “vị đắng”. Vài năm gần đây, ông gần như “ẩn cư”, ít xuất hiện trên truyền thông và thương trường.

Doanh nhân Nguyễn Thu Phong – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nhà Vui. Nguồn ảnh: Internet.
Doanh nhân Nguyễn Thu Phong – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nhà Vui. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Nguyễn Thu Phong là Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà Vui vốn là một gương mặt thân thuộc. Ông chính là đội trưởng SV 96 năm nào, Thủ khoa Trường đại học Kiến trúc TP.HCM khóa 1992-1997 và nhiều năm giữ các vị trí điều hành trong những tổ chức hội kiến trúc, đoàn thể và doanh nghiệp.

Vào năm 2000, khi còn là giảng viên Trường đại học Kiến trúc TPHCM, kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thu Phong khi đó chứng kiến khá nhiều người thân, bạn bè ăn không ngon, ngủ không yên trước việc làm sao xây dựng được căn nhà ưng ý với giá thành phù hợp.

Trong khi đó, những đồng nghiệp của ông mải miết chạy theo việc thiết kế những công trình lớn, mảng thiết kế nhà ở gần như bị bỏ quên. Chính vì thế, ông quyết định làm người tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng nhà ở.

Ông cho biết, như bao người trẻ khác thường có mộng lớn khi khởi nghiệp, bản thân đã đặt mục tiêu có hệ thống trải khắp 63 tỉnh thành, là thương hiệu dịch vụ phổ thông về xây dựng, làm đẹp nhà ở. Thời đỉnh điểm, ông đạt được 1/3 giấc mơ, với 23 chi nhánh. Và có lúc tốc độ tăng trưởng của công ty trên 50% mỗi năm.

Công ty TNHH Nhà Vui ra đời trong năm đó. “Tôi lấy tên công ty như vậy với mong muốn khách hàng luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp khi ở trong ngôi nhà của mình” – ông Nguyễn Thu Phong chia sẻ.

Buổi ban đầu, công ty chỉ có vài thành viên, nguồn vốn hạn hẹp nên mọi tư vấn, tiếp cận khách hàng đều thông qua website nhavui.com. Giai đoạn này thương mại điện tử là một khái niệm còn khá xa lạ tại Việt Nam, chọn hướng đi này Nhà Vui trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng trên cả nước áp dụng hình thức kinh doanh mới.

Việc xuất hiện một nhóm kiến trúc sư trẻ nhiệt tình tư vấn khách hàng đã tạo được tiếng vang và khách hàng bắt đầu tìm đến Nhà Vui. Những hợp đồng thiết kế đầu tiên chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/căn nhà hoặc thiết kế một ngôi nhà 5 tầng chỉ với giá 10 triệu đồng. Công việc kinh doanh trong những năm 2000-2003 của Nhà Vui phát triển nhanh vì dường như không có đối thủ cạnh tranh. Định hướng đúng và mang tính khác biệt đó đã giúp ông nhanh chóng có được thành công.

Khoảng năm 2004, 2005 Nhà Vui bắt đầu bị chảy máu chất xám, có thời điểm 50% nhân viên ra ngoài thành lập công ty riêng, trở thành đối thủ của Nhà Vui. Cạnh tranh là quy luật tất yếu, nhưng cạnh tranh không lành mạnh chính là điều khiến ông Phong đau đầu. Đưa ra mức giá thấp hơn là cách mà không ít đối thủ của Nhà Vui tiến hành. 

hưng ít ai biết rằng, sau những thành công về chuyên môn, cũng như tiếng tăm một thời của “đứa con” Nhà Vui, ông Nguyễn Thu Phong, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà Vui đã từng nếm không ít “vị đắng”. Nguồn ảnh: Internet
hưng ít ai biết rằng, sau những thành công về chuyên môn, cũng như tiếng tăm một thời của “đứa con” Nhà Vui, ông Nguyễn Thu Phong, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhà Vui đã từng nếm không ít “vị đắng”. Nguồn ảnh: Internet.

Để giữ người và tồn tại, phát triển trước các đối thủ vốn là “người một nhà”, Nguyễn Thu Phong phải vắt óc tìm hướng đi mới. Nhà Vui đã mở các chi nhánh, văn phòng giao dịch, đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất và giao khoán cho các giám đốc chi nhánh việc trả lương. Với mô hình này, các kiến trúc sư thấy mình là chủ, được kinh doanh độc lập, có nhân viên phụ việc và không chịu áp lực quá lớn về lỗ lãi, lại có khách hàng từ Nhà Vui nên yên tâm gắn bó với công ty.

Tuy nhiên khó khăn khác lại ập đến. Ngoài những chi nhánh tại Hà Nội, TPHCM, những chi nhánh Nhà Vui tại các tỉnh, thành phố khác đều lỗ. Suy thoái kinh tế, chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên tăng trong khi số người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền cho việc thuê kiến trúc sư không nhiều, nên doanh thu tại nhiều văn phòng bị ảnh hưởng.

Đến 2010, công ty có trong tay nhiều dự án trên cả nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã khiến các đối tác Đan Mạch phá sản tại Châu Âu, làm đổ vỡ hệ thống với liên doanh của Nhà Vui. Cùng lúc, hệ thống Nhà Vui Center – trung tâm thiết kế xây dựng, ngành chính của công ty, gặp khủng hoảng nội bộ do thất thoát lũng đoạn.

“Chúng tôi đổ vỡ hệ thống năm 2011 và phải quyết định quay về ngành kinh doanh chính là dịch vụ kiến trúc xây dựng nhà ở”, ông Phong nói và cho biết những khách hàng tin yêu từ ngày đầu là cứu tinh giúp ông gượng dậy.

“Những năm sau, tôi phải điều chỉnh giấc mơ của mình, khiêm tốn và hiện thực hơn. Tôi khá buồn khi không tận dụng được những lợi thế từng có”, ông tâm sự. Tên tuổi Nhà Vui dần trầm lắng, khi chứng kiến hàng loạt gương mặt mới trong ngành kiến trúc nổi lên, đón đầu cơn sóng bùng nổ của bất động sản.

Việc thu hẹp hoạt động của hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch là một trong những phương án được lãnh đạo Nhà Vui tính tới. Ông Nguyễn Thu Phong thêm một lần đau đầu tìm mô hình mới. Năm 2011, Nhà Vui tập trung kiến trúc sư, nhóm chuyên gia, các bộ phận thiết kế, thi công… vào tòa nhà chung của Nhà Vui để phục vụ nhu cầu trọn gói của khách hàng; bao gồm thiết kế, thi công nhà, cung cấp vật liệu thiết bị, trang trí nội thất…

Nhờ những đổi mới trong mô hình hoạt động, Nhà Vui một lần nữa đã vượt qua nhiều thời điểm khó khăn. Nhà Vui không chỉ thiết kế nhà ở, tức làm xác nhà, mà còn mang đến cho khách hàng một phong cách, môi trường sống hoàn thiện. “Thực tế, trước đây chúng tôi đã phung phí chính nguồn tài nguyên khách hàng khi không cung cấp được dịch vụ trọn gói”, ông Nguyễn Thu Phong thẳng thắn thừa nhận.

Tuy nhiên, năm ngoái, khi công cuộc chuyển mình đang diễn ra, Covid-19 đã ập đến. Ông Phong thừa nhận bản thân và công ty bị lúng túng vì dịch. Giai đoạn tháng 3-4, khi thực hiện giãn cách xã hội, các dự án cũ vẫn tiếp diễn, đội ngũ nhân viên chủ động làm việc từ xa linh hoạt, vẫn tăng ca để đáp ứng tiến độ.

Nhưng đến tháng 5-6, nhu cầu xây dựng nhà ở mới và trang trí nội thất của người dân giảm rõ rệt. Sau đó, tình hình cạnh tranh về giá thiết kế, thi công diễn ra khốc liệt khiến công ty gặp khó. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Vui nói rằng, công ty một lần nữa vượt qua được nhờ các khách hàng truyền thống “chống lưng” và tín nhiệm của các chủ dự án bất động sản lớn.

Nhìn lại năm đại dịch, doanh nhân Nguyễn Thu Phong cho biết đã đúc kết được cho mình sự linh hoạt trong tổ chức công việc; đoàn kết và đối thoại nội bộ, khách hàng để tìm hướng khắc phục khó khăn. Ngoài ra, công ty ông chuyển đổi các cấu trúc sản phẩm phù hợp và điều chỉnh kế hoạch chi phí tiết kiệm nhất.

Sống sót qua năm Covid-19 ngay khi vừa vực dậy không lâu, Nhà Vui đón sinh nhật 20 của mình trong tâm thế “biết người, biết ta”. Ông Phong nói rằng, trong 10 năm đầu, giai đoạn 2000-2010, Nhà Vui “thật sự là công ty kiến trúc nhà ở lớn tại Việt Nam” với độ phủ về lượng chi nhánh, công trình và nhân sự…

Ông cũng cho rằng trong nghề kiến trúc, các kiến trúc sư quốc tế đều thành danh sau 40 tuổi. Vì vậy, vừa hết tuổi kiến trúc sư trẻ, ông quay về nghề vừa đẹp vừa hạnh phúc khi thấy các tác phẩm của mình được khách hàng đón nhận. “Tôi trân trọng những điều này và đi chậm, song hành cùng thế hệ nhân sự kế tiếp bằng niềm vui ‘sứ mệnh truyền nghề”‘, ông nói.

Nay Nhà Vui không còn vị thế đó, nhưng vẫn tin rằng mình là công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt trong các công trình đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh. Vốn kinh nghiệm của công ty này đến nay hơn 7.000 công trình thuộc đủ thể loại và trải dài khắp đất nước...

TH