Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và triết lí "từ bi - trí tuệ" trong kinh doanh

15:33 19/08/2021

Là doanh nhân từ tay trắng đi lên, vất vả, bầm giập để tạo dựng được một thương hiệu Intracom vững mạnh, ông Nguyễn Thanh Việt thấu hiểu những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp. Để lựa chọn một doanh nghiệp trẻ cần giúp đỡ, ông luôn nhìn vào cách mà họ cùng nhau làm việc, hiệu quả và mục đích hướng tới của doanh nghiệp. Ông luôn ưu tiên những doanh nghiệp hướng tới mục đích vì xã hội, vì con người và cộng đồng...

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1963, sinh ra tại vùng núi Hương Sơn nghèo khó của tỉnh Hà Tĩnh. Tại mảnh đất khắc nghiệt đầy nắng, gió, bão lũ của miền Trung, ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã phải chân lấm tay bùn. Vì doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam này đã phải nấu cơm, chăn nuôi, làm nông. Để có thể kiếm tiền ăn học, cũng như phụ giúp gia đình kiếm từ khi còn bé. Gia đình của Shark Việt có truyền thống cách mạng. Đặc biệt ông lớn lên trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, thời bao cấp. Có lẽ vì vậy mà nhân sinh quan cũng như giá trị sống của ông có nhiều phần khác xa với mọi người.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt. Nguồn: Internet
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt. Nguồn: Internet.

“Giữa sa mạc hoa vẫn nở, vậy sao quê mình nghèo như thế mình vẫn không làm cho hoa nở được?”. Đây là câu hỏi ông tự đặt ra khi so sánh mảnh đất đầy nắng gió miền Trung với đất nước Israel có tới 90% diện tích là sa mạc khô cằn. 

Có lẽ điều này đã thôi thúc Nguyễn Thanh Việt phải phấn đấu, cố gắng, chiến thắng thiên nhiên, giúp cho quê hương mình làm giàu.

Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông đã nộp đơn thi đại học vào 3 trường nổi tiếng. Đó chính là: Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân và An Ninh. Thế nhưng ông lại quyết định đi theo định hướng của cha mình, học Đại học Thủy Lợi Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi, ông Nguyễn Thanh Việt đã về công tác tại Tổng công ty Sông Đà. Khi ấy, ông còn là chàng trai 22 tuổi đầy nhiệt huyết. Sau đó, ông tham gia công trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Với ông đây là quãng thời gian gian khổ nhưng đem lại những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu. 

Chia sẻ trong chương trình, ông cho biết những kinh nghiệm mà ông học được tại đây chính là những kiến thức cốt lõi giúp ông đi đến được thành công. Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian giúp ông cảm nhận rõ nhất về “tình người”. Đó là tình người giữa người lao động với người lao động, giữa người chỉ huy với người lao động.

Kết thúc công việc tại thủy điện Hòa Bình, shark Việt tiếp tục làm việc tại công trình thủy điện Yaly trong 2 năm. Khi ra Hà Nội tiếp tục học tập và công tác năm 1992, ông đã được gặp những người trong thế hệ đi trước và học được rất nhiều điều...

Đến năm 2001, Nguyễn Thanh Việt đã cộng tác với một người. Sau đó sáng lập Handico – Công ty đầu tư và phát triển Hà Nội.

Thế nhưng sự nghiệp của Shark Việt thực sự đánh dấu mốc khi đến năm 2002. Thời điểm này, ông quyết định tách ra, thành lập một công ty riêng cho mình. Và công ty đó là Intracom – Công ty đầu tư hạ tầng và giao thông.

Đây là một công ty chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực bất động sản, xây dựng, y tế,…. Và từ đó xuất hiện biệt danh Nguyễn Thanh Việt Intracom.

Ông là người theo Đạo Phật. Vì thế ông luôn có quan niệm giá trị sống cũng như nhân sinh quan khác biệt với người khác. Vì vậy phương thức hoạt động của Intracom từ khi thành lập là “Từ bi – Trí tuệ”. Trong chiến lược phát triển, Intracom và Phương Đông luôn nêu cao tinh thần doanh nghiệp vì cộng đồng: tích cực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó và người dân tại các vùng dự án, tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho cộng đồng…

Tới năm 2006, Công ty của ông đã tiến hành cổ phần hoá. Và đây chính là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp thành công của Nguyễn Thanh Việt.

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet.

Đối với Shark Việt, việc đến chậm với Phật pháp chính là điều tiếc nuối nhất trong đời. Đối với ông tâm linh và tôn giáo chính là những thứ giúp ta vượt qua được hết những khó khăn trong cuộc sống. Ông đã giác ngộ được: “Ung dung trong ràng buộc, tự tại trong đau khổ chính là suy nghĩ của người ngộ đạo. Người khác thấy khổ mà mình không thấy khổ, người khác thấy không vui mà mình thấy vui mới là thấm nhuần tư tưởng bát nhã, mình mới sống được với những khó khăn của cuộc sống. Đạo Phật là thứ tinh túy quý giá hơn cả của cải vật chất mà ta xem là đáng mơ ước trong cuộc sống”.

Trước đây, ông Nguyễn Thanh Việt cũng là một người của công việc, mong muốn thể hiện bản thân và quyết tâm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, ông cảm thấy đau khổ khi không đạt được mục đích và không hài lòng với bản thân. Tuy nhiên, khi giác ngộ Phật pháp ông nhận thấy chỉ cần cố gắng làm tốt, suy nghĩ tỉnh táo còn việc có thành công hay không lại không dựa vào bản thân mình. 

Không chỉ giữ riêng lý thuyết Phật pháp cho riêng mình, ông còn áp dụng vào cả văn hóa của Intracom để xây dựng những giá trị cốt lõi riêng biệt. Ông lan tỏa cho mọi người suy nghĩ phật tại tâm và mọi người đều phải biết mục tiêu cuối cùng của mình là gì. Tại Intracom, con đường kinh doanh và con đường của mỗi người là con đường gột bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi của mình. 

Theo ông, công ty là sự phối hợp của nhiều người và tất cả mỏi người đều cùng phải nhìn về một hướng. Con đường chúng ta cùng đi là con đường bỏ cái tự thân thì công ty mới lớn mạnh được. Mọi người cần bỏ qua những khuyết điểm và nhìn vào những ưu điểm thì mới đạt được mục tiêu chung. Và để làm được điều này thì mỗi người đều cần tự mình giác ngộ được triết lý Phật pháp. 

Ngoài ra, ông cũng luôn áp dụng lý thuyết lục hòa trong đạo Phật để quản lý công ty: Sống cùng nhau, tranh luận nhưng không tranh cãi, các ý nghĩ đều hòa thuận, cùng chia sẻ khó khăn, cùng nhau giúp đỡ, thưởng theo sức đóng góp.

Với doanh nhân, đây chính là phương pháp hiệu quả để quản lý công ty. Ông Việt cho rằng việc khen thưởng cấp dưới, nói lời dễ nghe, thấu cảm và cùng chia sẻ là những yếu tố mà người lãnh đạo cần có để có thể xây dựng một doanh nghiệp lâu bền.

Phật pháp là những gì quý giá hơn cả vàng và kim cương nhưng cũng dễ làm giả. Lý thuyết và triết lý của đạo Phật rất hay cho nên nhiều người muốn lợi dụng để chuộc lợi. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của đạo Phật không phải là của cải vật chất mà là giá trị tinh thần trong nhận thức của mỗi người. 

Hiện nay, ông vẫn luôn trăn trở sứ mệnh phục vụ và sự đóng góp của mình cho xã hội. Ông cũng lan tỏa tinh thần lạc quan và hướng Phật của mình đến với mọi người: “Nếu chưa biết đến đạo Phật thì đang lãng phí cuộc đời của chính mình. Còn khi biết mà không ứng dụng thì cả đời không bao giờ thành công”.

Gia Minh (tổng hợp)