Doanh nhân Nguyễn Hữu Long và giấc mơ viết tên cà phê Việt lên bản đồ cà phê thế giới

08:33 04/10/2021

Nguyễn Hữu Long - người sáng lập thương hiệu Shin Coffee là một người yêu và đam mê cà phê đến nỗi "có thể sống chết với cà phê". Người viết nên câu chuyện của SHIN Cà phê là nhà sáng lập Nguyễn Hữu Long, với giấc mơ xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản có chất lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, in đậm thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới. Và giấc mơ đó đang trở thành sự thật.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Nguyễn Hữu Long sinh năm 1982 quê ở Hà Tĩnh, cha mẹ chia tay khi anh mới 1 tuổi. Nhà nghèo, một mình mẹ không đủ sức nuôi 4 đứa con ăn học nên Long chỉ được đến trường “cho biết cái chữ”. Lam lũ theo mẹ ra đồng, về nhà giữ em..., cuộc sống đói nghèo của gia đình Long cứ kéo dài.

Khi lên 12 tuổi, Long được mẹ cho theo người cô họ lên Gia Lai phụ làm rẫy cà phê. Ngày ngày ra rẫy cần mẫn làm những công việc của một nông dân để có tiền gửi về phụ mẹ nuôi em, Long bắt đầu tiếp cận niềm đam mê cả đời mình. Được vài năm, người cô bảo Long qua phụ nuôi ong mật ở rẫy cà phê của người quen gần đó. “Một mình đối diện núi rừng và những chú ong, em buồn tủi lắm nhưng không có cách nào khác vì mình nghèo, học hành không tới đâu” - Long nhớ lại. Đến năm 17 tuổi, Long được một người bác đưa lên TP HCM phụ bán nước đá. Chỉ được vài tháng, công việc không suôn sẻ, Long phải đi phục vụ cho một nhà hàng hải sản ở quận 10...

Ngay từ khi còn bé anh đã say mê cà phê, có duyên với cây cà phê có lẽ ngay từ lúc phải nghỉ học xa nhà theo người dì làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi 3 người em. Cứ lăn lóc như vậy nhiều năm, trải qua nhiều nghề kiếm sống và đối mặt với nhiều biến cố, đến năm 2000 khi tham vọng làm giàu được hun đúc thành ý chí khởi nghiệp anh đã hùn vốn với người bạn để rang xay và đi bỏ mối cà phê.

"Thất bại là tất yếu vì chúng tôi có quá ít kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu và gần như tất cả các kỹ năng cần thiết để làm kinh doanh", Long nhớ lại.

Sau lần thất bại đầu tiên, anh vào đại học, tranh thủ làm thêm nghề phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống. Nhờ chịu khó tích luỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ. Năm 2009, Long lại nung nấu ý định khởi nghiệp, lần này là mở quán cà phê Bonsai. Khách hàng rất thích thú với ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm nghệ thuật từ cây cảnh, nhưng anh đã sớm nhượng lại quán cà phê đầu tiên này do mặt bằng nhỏ, không có nhiều tiềm năng phát triển. Ngay sau đó, anh cùng một người bạn mở một quán cà phê Bonsai khác với quy mô lớn hơn, song thất bại lại gõ cửa lần thứ hai.

Nguyên nhân chính là vì có quá nhiều khác biệt trong cách làm việc mà không được giải quyết bởi hai người vẫn để tình cảm bạn bè xen vào. Long mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc. Kết quả của những lần khởi nghiệp ấy là anh trắng tay, mất cả căn nhà. Anh chả còn cách nào khác là phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn tốt nhất là đi xuất khẩu lao động. Đó là vào thời điểm năm 2010.

Với vốn tiếng Nhật và sự động viên của vị cha nuôi người Nhật, Nguyễn Hữu Long quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật. Công việc không thú vị nhưng giúp anh có thu nhập. Thời gian sống ở Nhật giúp anh được tiếp cận với văn hoá và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu của nước Nhật và anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo. Rút kinh nghiệm từ hai thất bại trước đó, anh dành tới 5 năm để chuẩn bị cho lần khởi nghiệp thứ ba.

Ngoài công việc chính làm nhân viên kiểm soát chất lượng cho một nhà máy sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Toyota, Long tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê. Anh tham gia bất cứ khoá học, hội thảo nào liên quan tới cà phê nào nếu có thể. 

Doanh nhân Nguyễn Hữu Long. Nguồn: Internet
Doanh nhân Nguyễn Hữu Long. Nguồn: Internet.

"Thậm chí có những lúc tôi phải "trốn việc" rồi tìm cách làm bù ngoài giờ hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Trong suốt thời gian ấy, tôi cũng dành dụm tiền kiếm được để mua các mẫu cà phê từ khắp nơi trên thế giới để về nghiên cứu và thử nghiệm. Tôi đặc biệt hứng thú và đi sâu vào đánh giá chất lượng cà phê và tham gia những khoá huấn và đào tạo chuyên gia được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ".

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Hữu Long được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu về cà phê tại Nhật Bản mời về làm quản lý chất lượng. Công việc này giúp anh có cơ hội được kết nối với các công ty và các chuyên gia cà phê hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế của anh, đặc biệt là sau này khi anh quay trở lại khởi nghiệp ở Việt Nam.  

Bốn năm sống, làm việc và học hỏi về cà phê tại Nhật Bản đã giúp Nguyễn Hữu Long tích luỹ được một số vốn và quan trọng hơn, rất nhiều kiến thức hữu ích để cuối năm 2015 anh quay về Việt Nam khởi nghiệp lần thứ 3, lần này là với thương hiệu hoàn toàn mới mang tên Shin Cà Phê. Tham gia ngành cà phê giúp Long hiểu rõ những điểm yếu cố hữu đang tồn tại của ngành cà phê trong nước. Điển hình như việc người ta cho vào cà phê rất nhiều hoá chất, ngô (bắp), bơ và đậu nành để cà phê khi rang có mùi thơm và đánh lừa vị giác của người dùng. Theo người sáng lập Shin Cà Phê, cuộc chiến với các loại cà phê tẩm, trộn chất lượng thấp chiếm đa số trên thị trường luôn diễn ra gay gắt nhưng Shin quyết tâm phải thay đổi thói quen uống cà phê của đa số người dân bằng loại cà phê rang xay chất lượng cao.

Sau một thời gian tập trung phát triển Shin Cà Phê, hiện nay vùng nguyên liệu trồng cà phê mà Công ty Shin Cà Phê đang kiểm soát có diện tích khoảng hơn 1.000 ha đối với loại hạt Robusta tại Gia Lai và khoảng 100 ha hạt Arabica tại vùng Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng. Với cơ cấu cung cấp cà phê ra thị trường của Shin hiện nay thì tỉ lệ Robusta chiếm hơn 80% tổng sản lượng với khoảng 500 tấn/năm, còn lại là Arabica. 

SHIN Cà phê là doanh nghiệp đầu tiên bắt tay người nông dân trồng cà phê sạch, chất lượng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, có thêm nhiều doanh nghiệp đi theo con đường này. Long nhận thấy, để đi đến cùng mục tiêu đã đặt ra là sản xuất những sản phẩm chất lượng cao và vươn ra thế giới, SHIN Cà phê phải có sự “chống lưng” của những ông lớn.

Kể từ khi nhận được đầu tư của The PAN Group, SHIN Cà phê đã mở rộng được nhiều thị trường mới. Hơn 150.000 điểm bán hàng trên cả nước và thị trường xuất khẩu tới hàng chục quốc gia của The PAN Group sẽ chắp cánh cho giấc mơ của nhà sáng lập SHIN Cà phê.

Hơn nữa, The PAN Group sở hữu kinh nghiệm phong phú về phát triển vùng nguyên liệu, quy trình lựa chọn giống, canh tác, sẽ giúp SHIN Cà phê mở rộng vùng nguyên liệu. Khả năng kết hợp năng lực phát triển sản phẩm của Tập đoàn với mô hình công ty loại nhỏ cũng là lợi thế rất lớn cho SHIN Cà phê...

Trong 300 hội nghị, hoạt động khác nhau diễn ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, sản phẩm của The PAN Group là một trong những thương hiệu đại diện của Việt Nam được giới thiệu tại 3 hội nghị quan trọng, gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các cấp liên quan; Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Cũng tại các sự kiện quan trọng đó, cà phê SHIN - thương hiệu cà phê đặc sản của The PAN Group được chọn làm quà tặng của Chính phủ gửi tới lãnh đạo các quốc gia về tham dự sự kiện tại Việt Nam.

My An (tổng hợp)