Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng, vị đại gia đứng sau hệ sinh thái Apec làm gì để giá trị tài sản đã tăng rất nhanh?

10:34 14/05/2022

Năm 2021 là một năm thành công với ông Nguyễn Đỗ Lăng, vị đại gia đứng sau hệ sinh thái Apec với giá trị tài sản tăng rất nhanh. Hiện nay, ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng nằm trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, Apec còn từng có dự định hướng tới một công ty khác vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng, vị đại gia đứng sau hệ sinh thái Apec Group

Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng, sinh năm 1974, trình độ học vấn là thạc sỹ kinh tế Đại học Trento (Ý). Ông từng có thời gian giữ chức Giám đốc điều hành Prometeo Italia vào giai đoạn từ 1998-2000. Sau đó, ông Lăng trở thành Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn quốc tế Cát Tường – CIC từ năm 2000-2006.

Từ năm 2006-06/2020, ông Lăng là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Securities, mã: APS); Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã: API). Từ tháng 06/2020 đến nay, ông là thành viên HĐQT của  APS, API và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ).

Ông Nguyễn Đỗ Lăng là một doanh nhân nổi danh trong hơn 1 thập kỷ qua. Ông được biết đến đầu tiên với tư cách Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS). Năm 2010, dư luận xôn xao trước tin đồn ông bị khởi tố. Tuy nhiên, đây chỉ hiểu lầm khi ông vướng vào một vụ án liên quan Lý Thị Trúc Quỳnh.

Sau đó, ông Lăng ít được nhắc đến. Thị trường chỉ tập trung vào những tên tuổi “nóng” hơn như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC,...

Thế nhưng, trong hai năm gần đây, thị trường chứng khoán đã và đang chứng kiến nhiều doanh nhân nổi lên nhờ có trong tay hệ sinh thái nhiều công ty đa dạng ngành nghề. Và đặc biệt hơn cả, cổ phiếu trong các hệ sinh thái đó đều có tốc độ tăng phi mã với các cổ phiếu API, APS, IDJ, CSC,...

Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu APS để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 13,1% vốn) lên 11,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 14,2% vốn). Phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh, được thực hiện từ ngày 11/5 đến ngày 27/5.

Ông Lăng mua vào cổ phiếu của chứng khoán APEC trong bối cảnh cổ phiếu này đã giảm 60,3% kể từ đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu APS giảm sàn còn 15.600 đồng/đơn vị.

Thông tin thêm về APS, từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm 2021, cổ phiếu này đã tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tương đương mức tăng 14 lần trong chưa đầy 1 năm.

Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHCĐ diễn ra vào ngày 16/11/2021.

Apec Group là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái này gồm có 3 công ty trụ cột chính: CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ).

Năm ngoái, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này đã có một năm thăng hoa với những mã tăng gần 13 lần.  Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể lý giải được động lực tăng trưởng của nhóm này. Tổng lợi nhuận của 3 công ty trong Tập đoàn đạt gần 1.300 tỷ, APEC chính thức bước vào câu lạc bộ 1.000 tỷ. Năm 2021 được xem là năm thành công nhất trong lịch sử 15 năm phát triển của Tập đoàn APEC khi các công ty trụ cột đồng loạt tăng trưởng ấn tượng.

Vào tháng 11/2021, Tập đoàn Apec đã tổ chức buổi tọa đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam”. Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Đỗ Lăng đã chia sẻ rằng một trong những nhu cầu của con người là nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay khả năng sở hữu một ngôi nhà cho người có thu nhập thấp là một điều hết sức khó khăn.

Theo đó, đơn vị này đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ tiêu chuẩn 5 sao cho người lao động có thu nhập thấp trên cả nước.

Để thực hiện kế hoạch này, tập đoàn Apec đã thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam (A Happy City – AHC) với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch huy động thêm vốn từ các tổ chức ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư quốc tế… và sẽ tăng vốn lên để phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư.

Hải Anh (t/h)