Doanh nhân Mitchell Phạm: từ vốn đầu tư ban đầu 4.000 NZD thành leader công nghệ ở New Zealand

09:05 26/07/2021

Doanh nhân Mitchell Phạm không chỉ dành được nhiều thành tựu kinh tế tại đất nước New Zealand, doanh nhân Mitchell Phạm còn giữ vai trò lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực và là cầu nối quan trọng, thúc đẩy sự phát triển công nghệ xanh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Nỗ lực không ngừng nghỉ trên đất khách

Sang New Zealand năm 1985 với cái tên Việt là Phạm Đăng Khoa. Khi đặt tên mới là Mitchell Phạm, ba mẹ ông đã gửi theo mong muốn con của mình sau này sẽ thành đạt về học vấn cũng như trong cuộc đời. Mitchell nghĩ mình nay đã thực hiện được phần nào tâm nguyện của đấng sinh thành. Thậm chí, tham vọng làm chủ ngay trên xứ người đã được anh thực hiện từ những ngày còn làm bồi bàn, phụ bán trong một nhà hàng ở New Zealand để kiếm tiền đi học. Mitchell kể, một lần, ông chủ nhà hàng người Việt đã khuyên anh rằng, ở xứ người, nếu làm việc để kiếm đủ sống thì chẳng có gì để nói. Chỉ khi nào làm chủ được ở đây mới chứng minh cho người bản xứ biết được khả năng của người Việt Nam là như thế nào. “Câu nói ngày nào đã trở thành động lực không nhỏ cho hành trình của tôi. Và tôi nghĩ, hãy cảm ơn những người đã cho bạn lời khuyên để tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cuộc đời”, Mitchell bộc bạch.

Doanh nhân Mitchell Phạm. Nguồn: Internet
Doanh nhân Mitchell Phạm. Nguồn: Internet.

Chứng kiến sự thành công của Mitchell Pham, ít ai biết rằng ông từng trải qua quãng thời gian đầy gian khó. Sang New Zealand từ năm 13 tuổi, Mitchell Pham không may bị thất lạc người thân trong khoảng 5 năm. Hai bên sau đó bắt đầu kết nối với nhau bằng các lá thư. Và phải mất 30 năm, người đàn ông gốc Việt mới được đoàn tụ với gia đình tại Auckland. “Đối với tôi gia đình quan trọng hơn mọi thứ, kể cả tiền bạc“, Mitchell Pham chia sẻ.

Khi chuyển tới Auckland, Mitchell Pham đối mặt với một loạt thách thức mới, từ việc hòa nhập với nền văn hóa khác biệt, thích nghi với khí hậu cho tới việc tiếp nhận một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới, định cư ở đây chưa bao giờ là điều dễ dàng.

“Tôi mất tới 10 năm để thích nghi và hòa nhập với mảnh đất New Zealand này. Một khi bạn hoàn toàn làm chủ và lại có tính hài hước trong một nền văn hóa cụ thể, bạn sẽ hòa nhập với nền văn hóa đó rất nhanh”, Mitchell Pham nói với Thespinoff.

Tại trường đại học, Mitchell Pham kết bạn với rất nhiều người và 4 trong số đó đã có tác động tích cực tới người đàn ông gốc Việt. Năm 1993, ông tốt nghiệp Đại học Auckland chuyên ngành công nghệ thông tin. Cùng năm đó, nhóm bạn 5 người quyết định hợp tác kinh doanh và thành lập công ty đầu tiên Augen Software Group với vốn đầu tư ban đầu 4.000 NZD (1 NZD tương đương 14.500 đồng), họ vừa làm vừa học. Mitchell kể rằng, khi thành lập, cả 5 người đều chân ướt chân ráo bước vào kinh doanh, tài sản lớn nhất là niềm đam mê cùng quyết tâm phải làm bằng được một sản phẩm công nghệ thông tin.

“Đam mê công việc nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi không lường trước được những thử thách. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt của nó. Nếu nhìn trước được những khó khăn có lẽ chúng tôi đã không chọn làm công việc ấy”, người đàn ông gốc Việt chia sẻ.

Bốn năm sau, năm 1997, Mitchell hoàn tất cao học ngành công nghệ thông tin và bắt đầu hoạch định chiến lược để phát triển Augen mạnh hơn nữa, trong đó, chú trọng mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Với tư cách Chủ tịch Augen, năm 1997, lần đầu tiên anh trở về để “quan sát” nền kinh tế, thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời điểm đó châu Á đang bị khủng hoảng tài chính trầm trọng nên Mitchell đành từ bỏ ý định, nhưng vẫn liên doanh hoặc mở văn phòng đại diện tại Malaysia, Việt Nam, Singapore.

Năm 2000, các thành viên của Augen Software bắt đầu tách ra hoạt động độc lập. Mitchell Pham ở lại duy trì mọi hoạt động và tiếp tục phát triển công ty, với doanh thu mỗi năm khoảng 10 triệu USD.

Với sự lớn mạnh không ngừng của Augen Software trong khoảng thời gian sau đó, Mitchell Pham được biết đến với vai trò vị Chủ tịch tập đoàn trẻ tuổi nhất trong lịch sử ngành công nghệ cao ở New Zealand.

Song song đó, Mitchell mở thêm một số công ty con tại New Zealand, chuyên kinh doanh phần mềm và làm dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực thể thao, phần mềm giao dịch tài chính cho ngân hàng. Sau này, 6 công ty anh quyết định bán, đóng cửa và tạm ngưng hoạt động chính là những công ty được mở thêm trong những năm 2001-2004.

Mitchell kể, mãi đến năm 2005 anh mới quay lại để mở Công ty Augen Vietnam, sản xuất và gia công phần mềm với văn phòng đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TP.HCM). 

Chủ tịch Mitchell Pham (phải) của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen. Nguồn: Internet
Chủ tịch Mitchell Pham (phải) của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen. Nguồn: Internet.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, Augen có doanh thu mỗi năm dưới 10 triệu USD. Hiện tại, dù cho biết là thấp hơn trước một chút nhưng Mitchell lại từ chối đưa ra con số doanh thu cụ thể, cũng như tổng giá trị hợp đồng bán các công ty con. “Chúng tôi có một quy định là không đưa những thông tin tài chính liên quan đến khách hàng ra bên ngoài”, Mitchell nhấn mạnh. Việc bán bớt những công ty tốn nhiều chi phí vận hành nhưng hoạt động không hiệu quả là cách xử lý khủng hoảng tốt nhất. Tuy nhiên, theo Mitchell, không phải chủ doanh nghiệp lớn nào vào thời điểm đó cũng đủ tỉnh táo để quyết đoán được.

Sau khi hoàn tất kế hoạch bán, đóng cửa và tạm ngưng hoạt động một số công ty con, Augen tập trung năng lực vào dịch vụ chăm sóc khách hàng, thu hồi nợ và quản lý tài chính chặt chẽ hơn. “Augen lúc này tuy nhỏ hơn nhưng phát triển tập trung và có nền tảng vững hơn. Chúng tôi đang thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển mới cho giai đoạn 2010-2020”, Mitchell cho biết.

Năm 2016, người đàn ông gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp công nghệ New Zealand (NZTech).

Khát vọng phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam

Sau hơn nhều năm sinh sống và lập nghiệp nơi đất khách, doanh nhân Mitchell Phạm đã giành được những thành công "đáng nể". Trong quá trình hoạt động, anh thường xuyên làm việc và đi lại giữa hai nước Việt Nam và New Zealand.

Ông mong muốn trở thành cầu nối liên kết thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nổi tiếng của xứ sở kiwi.“Việt Nam được biết đến là quốc gia có thị trường công nghệ thông tin đang bùng nổ, kèm theo đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực hành động ưu tiên cho lĩnh vực này. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand có kinh nghiệm, mạng lưới hoạt động phủ khắp, chắc chắn sự hợp tác, đầu tư tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới” - Mitchell Phạm nhiệt tình chia sẻ

Bước đi đột phá đầu tiên của vị giám đốc Augen Software tại Việt Nam là thành lập Trung tâm Kiwi Connection tại TP.HCM, một trong những công ty con của Augen Software Group.

Sau một thời gian hoạt động, Augen Việt Nam đã đạt doanh thu cao và cũng là nơi đặt trụ sở của Kiwi Connection. Mitchell Phạm nhận định: “Augen Software sẽ cùng Kiwi Connection tạo nên cửa ngõ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao New Zealand đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung".

Trong năm mới 2017 này, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các ứng dụng công nghệ cao sẽ lên ngôi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là sự kiện thúc đẩy ngành công nghệ Việt Nam nói riêng và công nghệ Đông Nam Á nói chung. 

Tiếp bước cho chiến lược phát triển đó, cuối tháng 11/2016, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp công nghệ New Zealand đã dẫn 6 lãnh đạo trẻ của các doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand sang thăm, tìm hiểu và trao đổi với các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, nhằm tạo kết nối cho những mục tiêu đầu tư lâu dài sau này.

Chuyến thăm đã có kết quả tốt đẹp với nhiều dự án hợp tác công nghệ trong tương lai. Dự kiến, sau sự kiện này, anh sẽ tổ chức thêm hai phái đoàn, đưa khoảng 70 lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại New Zealand sang Việt Nam, tạo cơ hội giao lưu hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh các hoạt động trên thương trường, Mitchell Phạm còn dành nhiều thời gian cho những hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa. Điển hình trong đó là việc thành lập Refugee Family Trust năm 2011 – một tổ chức tìm kiếm người thân cho những trẻ em bị thất lạc.

Sau hơn 5 năm hình thành và phát triển, Refugee Family Trust đã giúp cho hơn 100 trẻ em trên thế giới đoàn tụ cùng gia đình. Nói về tổ chức này, anh Mitchell cho biết: “Tận sâu trong tâm khảm, tôi vẫn luôn mong muốn kiếm tìm những người thân đã bị thất lạc”.

Dù quãng thời gian lập nghiệp khó khăn và trắc trở nhưng người đàn ông gốc Việt vẫn đều đặn 3 lần/tuần tìm về nơi ly tán để kiếm tìm tung tích những người thân yêu. Chính từ niềm mong mỏi của bản thân, anh đã thành lập nên tổ chức nhân đạo ý nghĩa này. Ông không muốn những đứa trẻ đáng thương phải sống xa rời tình yêu thương của gia đình và bơ vơ trên những mảnh đất xa lạ, giống như anh cách đây hơn 30 năm.

 TH