Doanh nhân Mai Hữu Tín - nhà đầu tư "mát tay" trên thương trường

17:12 02/05/2021

Có thể nói, trong giới đầu tư của Việt Nam, ông Mai Hữu Tín là một trong những nhà đầu tư ‘mát tay’ nhất. Hầu hết những thương vụ đầu tư hoặc M&A đình đám của ông đều thành công.

Doanh nhâm Mai Hữu Tín. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhâm Mai Hữu Tín. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhâm Mai Hữu Tín sinh năm 1969 tại Bình Duơng. Ngay từ khi còn là một cậu học sinh lớp 12 doanh nhân Mai Hữu Tín đã giành được chức vô địch Vivinam toàn quốc. Sau khi học xong trung học phổ thông, ông thi đỗ vào trường Đại học Ngoại Ngữ. Khi mới là sinh viên năm hai của trường này, ông Mai Hữu Tín là người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650 ông trở thành phiên dịch viên tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé.

Sau đó, từ công việc phiên dịch, ông Mai Hữu Tín tiếp tục làm cho một vài công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam. Đến năm 1998, khi ông 29 tuổi, ông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư U&I với số vốn có được 200 triệu đồng. Đến năm 2004, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ Quản trị kinh doanh ở Mỹ.

Sau gần 20 năm điều hành với cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I hiện nay công ty do ông điều hành đã phát triển lên tới 39 công ty thành viên và liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp. Gần đây ông cũng đang đầu tư thêm lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể thành lập ty trồng hoa lan, sáng lập thương hiệu UniFarm.

Nhìn lại chặng đường phát triển của ông Mai Hữu Tín có thể thấy rằng, với tài năng và sự nhìn nhận của mình ông Tín đã trở thành một doanh nhân gắn liền với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Đó là chủ sở hữu của doanh nghiệp Toàn Mỹ - doanh nghiệp cung cấp bồn nước inox đầu tiên tại Việt Nam; Unicons, một công ty xây dựng lớn, hay Unifarm với trang trại nông nghiệp công nghệ cao rộng 500 ha. Hay Công ty Cổ phần truyền thông Trí Việt do chính Công ty U&I đầu tư và thực hiện phát triển kênh HTV3 - một kênh giải trí dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, ông còn là người nổi tiếng với thương vụ “giải cứu”. Thương vụ M&A nổi tiếng đầu tiên của ông Mai Hữu Tín chính là mua lại Công ty sản xuất bồn nước Toàn Mỹ năm 2007. Nhờ khả năng quản lý của ông Tín và các cộng sự, Tập đoàn U&I đã đưa Toàn Mỹ đi lên, trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tại khu vực miền Nam. Năm 2017, tức 10 năm sau, ông Tín đã bán lại Toàn Mỹ cho Tập đoàn Sơn Hà. Mặc dù, giá trị của thương vụ không được tiết lộ, nhưng chắc chắn U&I đã thu được nhiều lợi nhuận từ vụ đầu tư này.

Một thương vụ khác được ghi nhận là mua lại Giấy Sài Gòn năm 2013. Ông Tín nhớ lại: "Câu chuyện của Giấy Sài Gòn đơn giản chỉ là thiếu vốn. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, năm 2007, Giấy Sài Gòn rơi vào thời kỳ khó khăn khi suy thoái kinh tế ập đến, các nhà đầu tư rút vốn. Năm 2011, đối tác Daio Paper Nhật Bản cũng muốn thoái lui do khó khăn tài chính từ tập đoàn mẹ.

Cùng với đó là chi phí lãi vay đến thời điểm đáo hạn, khi lãi suất ngân hàng lên đến 20%/năm. Năm 2013, tôi mua lại toàn bộ cổ phần và nợ của Daio Paper, với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng mệnh giá. Khi cấp đủ vốn, Giấy Sài Gòn lại hoạt động bình thường, vì đã có sẵn chiến lược đầu tư nền tảng công nghệ rất bài bản, tầm nhìn xa...

Năm 2018, Tập đoàn đa ngành của Nhật Bản – Sojitz đã bỏ ra 91,2 triệu USD để mua 90% cổ phần của Giấy Sài Gòn, theo đó, định giá của doanh nghiệp này vào khoảng 101,3 triệu USD, tương đương 2.320 tỷ đồng. Với mức giá này, rõ ràng khoảng đầu tư của ông Tín đã có lời tốt.

Thương vụ M&A nổi nhất cũng như "liều" nhất của ông Tín và U&I có lẽ là thu gom Gỗ Trường Thành (TTF). Như lời thú nhận của ông Tín, thì doanh nghiệp này cái gì cũng thiếu: từ vốn, nhân sự lẫn kỹ thuật.

Được mệnh danh là nhà đầu tư "mát tay" trên thương trường, ông Tín cho rằng: "Thực ra tôi không phải là mát tay, mà tôi quan niệm rằng nếu bạn sống chết với một công ty thì công ty đó sẽ mang gene của bạn. Ngược lại bạn cũng mang gene công ty đó. Một công ty chung một bộ gene thì chính là văn hoá công ty. Như vậy, nếu gene đó là gene trội thì công ty sẽ hoạt động tốt và tăng trưởng".

Ngoài những thành tích trên, ông Mai Hữu Tín còn là một trong số ít những người Việt Nam đầu tiên được chọn tham gia học bổng Eisenhower của Mỹ năm 2013, ông cũng giành giải thưởng Doanh nhân ASEAN 2007, đảm nhận nhiều chức vụ khác như Đại biểu Quốc hội khóa XII; khoá XIII, chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV,...

 TH