Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang "cô gái vàng" trong giới startup

11:47 12/04/2021

Nhắc đến Lê Diệp Kiều Trang không thể bỏ qua cột mốc cô cùng chồng sáng lập Misfit và startup này sau đó bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD năm 2015. Với thương vụ này, Kiều Trang được cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ưu ái gọi là "cô gái vàng" trong giới startup.

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang (tên thường gọi là Christy Le) sinh năm 1980 tại TP Hồ Chí Minh, là một nhân vật có tiếng trong giới công nghệ Việt Nam. Bố của Lê Diệp Kiều Trang là ông Lê Văn Trí, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina)

Từ nhỏ, Kiều Trang đã có tính cách mạnh mẽ, tự lập. Có lẽ vì gia đình đều hoạt động kinh doanh nên cô sớm cũng có niềm đam mê kinh doanh, hăng say làm việc. Nhờ vào tính cách, định hướng rõ ràng và có sự hỗ trợ của gia đình, cô luôn có thành tích học tập đáng nể.

Khi ngồi trên ghế nhà trường trong những năm học trung học, cô đã có thể gặp gỡ các doanh nhân và có thể phiên dịch với vốn tiếng Anh, tiếng Trung vượt trội. Năm lớp 9, cô được đặt cách học đại học tại chức tiếng Anh của ĐH Nguyễn Tất Thành. Sau đó Kiều Trang đổ thủ khoa cả đầu vào và đầu ra trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Còn đáng nể hơn khi cô nhận được học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và giành học bổng ĐH Oxford (Anh), Học viện Công nghệ Massachusetts. Sau khi hoàn tất chuyên ngành kinh tế và quản trị, Lê Diệp Kiều Trang tiếp tục học và đạt được thủ khoa thạc sĩ kinh doanh tại Mỹ. 

Dù học trong nước hay nước ngoài, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, Lê Diệp Kiều Trang luôn giành được vị trí xuất sắc, chính vì thế cô được giới start up Việt Nam ưu ái gọi là “cô gái vàng”.

Kết thúc việc học ở trường, Kiều Trang chính thức làm việc cho HSBC 3 năm. Rồi tiếp tục sang Mỹ định cư và học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Một lần nữa Lê Diệp Kiều Trang lại rinh về tấm bằng thủ khoa năm 2011 và được tuyển thẳng vào McKinsey - Một trong những công ty tư vấn tài chính hàng đầu của Mỹ.

Đến 01/2014, Lê Diệp Kiều Trang từ bỏ chiếc ghế chuyên viên tư vấn tài chính để về hỗ trợ mảnh nhân sự và tài chính cho Misfit Wearables - Công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên chế tạo các thiết bị y tế và dụng cụ thể dục do chồng cô đồng sáng lập kiêm CEO. 

Đến cuối năm 2015, Misfit Wearables được bán lại cho Fossil Group, Kiều Trang cũng chuyển sang giữ vị trí Tổng Giám đốc Fossil Việt Nam. Tuy nhiên đến 09/03/2017 thì cô và chồng cũng bất ngờ rời khỏi Fossil. Lại một điểm mốc chói lọi khi Lê Diệp Kiều Trang chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc Facebook Việt Nam trong năm 2018, khi đó cô làm việc tại Singapore. 

Đến 04/2019 thì Kiều Trang lại bén duyên với Go-Viet và nắm giữ vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng gắn bó, cô đã quyết định từ chức để lại nhiều tiếc nuối cho ban lãnh đạo Go-Viet.

Đi một vòng rồi cũng về làm startup

Sau thành công này, Kiều Trang lại đi làm thuê cho các công ty toàn cầu. Cô giữ vị trí Giám đốc Điều hành Fossil Việt Nam, Phó Giám đốc Điều hành Fossil Group rồi trở thành Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook trước khi làm Tổng Giám đốc Go-Viet. Nhưng thời gian ở Facebook lẫn Go-Viet đều khá ngắn ngủi. Sau đó cô lại về làm startup.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Kiều Trang giờ là Đồng sáng lập của Alabaster, chuyên rót tiền vào các giải pháp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu. Alabaster đã có hơn 30 khoản đầu tư giai đoạn đầu vào các lĩnh vực như khoa học vật liệu, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.

Cô cũng là Chủ tịch Harrison.ai, Công ty Australia phát triển phần mềm tự động phân tích các hình ảnh X-quang và cung cấp cho các bác sĩ hỗ trợ quyết định theo thời gian thực. Cô cũng đang tạm thời là Giám đốc tài chính tại Arevo, công ty in 3D tự động hóa dùng cấu trúc polyme gia cố bằng sợi carbon (CFRP).

Nói về sự khác biệt khi đảm nhiệm vị trí CEO startup do mình sáng lập (Entrepreneur) và khi được tuyển dụng về làm CEO của một doanh nghiệp lớn (Excutive).

Theo cô, nếu nhìn qua mọi người đều nghĩ CEO startup và CEO doanh nghiệp lớn rất giống nhau. Họ đều là những người đứng đầu một công ty.

“Người đứng đầu Coca-Cola gọi là CEO, người đứng đầu một startup cũng gọi là CEO. Họ đều là người dẫn dắt công ty, chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, về những tác động với xã hội của doanh nghiệp. Họ cũng là người phải chịu trách nhiệm với khách hàng, nhân viên và những người liên quan đến công ty đó”, Kiều Trang nói.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Alabaster cho rằng con đường đến vị trí CEO của một tập đoàn lớn như Coca-Cola sẽ rất khác con đường đến vị trí điều hành của một startup.

“Khi làm Excutive, bạn gia nhập một công ty với đội ngũ có sẵn, có các phòng ban và người đứng đầu các bộ phận. Nó giống như bạn bước lên một con thuyền, đảm nhận vị trí thuyền trưởng và các đội trưởng đã được sắp xếp đội hình đâu ra đấy”, cô lấy ví dụ.

“Ngược lại khi bạn làm Entrepreneur, con thuyền đó có thể chỉ có mình bạn, hoặc may mắn hơn có thêm co-founder. Các bạn sẽ là những người xếp các viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đó dần lớn lên sẽ có thêm các nhân viên và phòng ban khác”, cựu CEO Go-Viet nói thêm.

Theo Kiều Trang, thử thách của Entrepreneur là sẽ phải tự tìm hướng đi cho “con tàu” của mình và xây dựng công ty phát triển từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó, Excutive phải biết cách “lái một con tàu lớn”. Vì vậy, “bài toán mà Entrepreneur và Excutive phải giải quyết sẽ rất khác nhau”.

“Một con tàu nhỏ rất dễ rung lắc, gặp sóng lớn là chòng chành. Là Entrepreneur cũng vậy, công ty của bạn sẽ có những thời điểm rất khó khăn, đi lên đi xuống rất nhiều. Các bạn có thể thử nghiệm một sản phẩm mới, bỏ vào đó rất nhiều tiền và công sức những cuối cùng thất bại. Muốn làm lại sản phẩm bạn phải đi gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư và đội ngũ...”, Trang nói.

“Có thể 6 tháng trước sản phẩm của bạn không là gì cả, nhưng số user có thể tăng lên một thành phố hay một quốc gia rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng có thể là 100 hay 1.000 lần, đặc biệt với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao”, cựu CEO Go-Viet nói về khả năng tăng trưởng của một startup.

Khác với startup, doanh nghiệp lớn đòi hỏi sự ổn định cao, “người lái thuyền không thể lạng qua lạng lại vì không an toàn và những người trên tàu cũng không thể thích nghi”.

“Với startup có thể chỉ ảnh hưởng đến 10 người, nhưng với những doanh nghiệp lớn, đằng sau bạn là hàng trăm con người và rất nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, “cách lái” phải khác, mục tiêu hướng đến không phải là mức tăng trưởng 100 hay 1.000 lần vì định giá của nó có thể đã là vài trăm, vài tỷ USD”, bà Trang giải thích.

TH