Doanh nhân Hoàng Việt Anh - thế hệ cao thủ “đời thứ hai” của ngành phần mềm FPT

16:32 01/05/2021

Được đánh giá là thế hệ cao thủ “đời thứ hai” của ngành phần mềm FPT. Năm 1998, lần đầu tiên FPT tổ chức thi Trạng nguyên và Doanh nhân Hoàng Việt Anh đã ghi tên mình trên bảng Vàng giải thưởng. Còn chú rùa có gắn tên ông Hoàng Việt Anh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng FPT...

Doanh nhân Hoàng Việt Anh. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Hoàng Việt Anh. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Hoàng Việt Anh sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996.

“Tháng 10/1993, khi còn là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nghe bạn bè bảo làm việc ở FPT có máy tính, được thực tập thỏa sức và chơi game miễn phí, thế là tôi liền nộp đơn xin việc” - ông Hoàng Việt Anh từng chia sẻ như vậy về quyết định gia nhập FPT.

Ông Hoàng Việt Anh được đánh giá là thế hệ cao thủ “đời thứ hai” của ngành phần mềm FPT. Năm 1998, lần đầu tiên FPT tổ chức thi Trạng nguyên và vị CEO sinh năm 1975 này đã ghi tên mình trên bảng Vàng giải thưởng. Còn chú rùa có gắn tên ông Hoàng Việt Anh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng FPT. 

Năm 1999, khi FPT tiến vào “kỷ nguyên” xuất khẩu phần mềm bằng làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, chàng tân binh với 3 năm kinh nghiệm Hoàng Việt Anh xung phong nhảy vào “biển lửa” để thử sức và cũng bởi “nghe nói làm xuất khẩu phần mềm được đi đây đi đó”.

Trong giai đoạn 2004-2006, với ý tưởng từng được xem là điên rồ: “Cung cấp dịch vụ và triển khai chuyển đổi ứng dựng trên các nền tảng khác nhau sang nền tảng Microsoft”, ông Hoàng Việt Anh cùng đồng nghiệp đã tạo ra một thành tích mới cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT. Lần đầu tiên, FPT làm tổng thầu tại thị trường nước ngoài với dự án cho khách hàng Petronas tại Malaysia trị giá 6,5 triệu USD. Dự án đã thành công xuất sắc với sự tham gia của gần 350 người trong khoảng gần 2 năm. Đồng thời, đẩy doanh số của Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1, phụ trách các thị trường nói tiếng Anh và một phần Nhật Bản), lên mức 37% toàn FPT Software. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Là một trong những thành viên tham gia xây dựng và phát triển FPT Software từ những ngày đầu thành lập, CEO Hoàng Việt Anh đã đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại công ty này như: giám đốc FPT Software Asia Pacific; giám đốc FSU1; phó tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành FPT Software rồi tổng giám đốc FPT Software (8/2015). Tháng 3/2018, ông được bổ nhiệm chức tổng giám đốc FPT Telecom (FOX). Từ tháng 2/2021, ông Việt Anh được bầu giữ chức chủ tịch FPT Digital.

FPT Digital trở thành công ty thành viên thứ 9 của Tập đoàn FPT. Việc thành lập Công ty TNHH FPT Digital nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ chuyển đổi số mà FPT cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp từ khâu tư vấn lộ trình đến triển khai, cung cấp các giải pháp số.

Công ty FPT Digital được thành lập dựa trên đơn vị tiền thân là Ban tư vấn chuyển đổi số trực thuộc Tập đoàn FPT, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số trong nội bộ FPT và cho khách hàng bên ngoài. FPT kỳ vọng, việc thành lập Công ty FPT Digital sẽ thúc đẩy doanh thu trong lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số, tạo đà phát triển mảng dịch vụ tư vấn công nghệ của FPT nói chung trong tương lai.

Ông Hoàng Việt Anh cho rằng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain... sẽ là mũi nhọn để phát triển. Covid-19 được lãnh đạo FPT đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng, CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020-2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD năm 2023. Năm ngoái, doanh thu từ mảng chuyển đổi số của FPT tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt 3.219 tỷ đồng.

FPT hiện là đối tác chiến lược tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trong các lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, hàng không, thủy sản, logistic… như Mobifone, Minh Phú, Thiên Long, Vietnam Airlines, DPDgroup….

Giữ được tăng trưởng cao từ mảng này, FPT đã gây dựng được thương hiệu phần mềm Made by FPT, akaBot vào top 6 nền tảng RPA phổ biến thế giới, top 30 nền tảng RPA tại Nhật. Hệ sinh thái chuyển đổi số của tập đoàn này có 77 nền tảng, mang về hơn 500 tỷ đồng, tăng 51% so với 2020, thúc đẩy tăng trưởng biên lợi nhuận trong dài hạn.

Nhắc đến những quyết định thời trai trẻ của mình đã gắn mình với nghiệp phần mềm, ông Hoàng Việt Anh nghiệm ra rằng, chỉ “máu” thôi chưa đủ mà cần phải có niềm đam mê với nghề. Ông khẳng định, sau gần 30 năm gắn bó, tình yêu của ông với FPT vẫn là đầu tiên và duy nhất: “Tôi vẫn thấy còn nhiều lửa đam mê và nhiệt huyết trong công việc hiện tại”.

Không chỉ tràn đầy đam mê và nhiệt huyết, Phó tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital còn nhìn thấy nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, mang năng lực trí tuệ Việt Nam ra thế giới. Và đây cũng chính là nguồn năng lượng nuôi sống ngọn lửa đam mê trong ông.

TH