Doanh nhân Đặng Thị Thanh Vân, Nhà sáng lập kiêm CEO Savvycom- người phụ nữ không ngừng theo đuổi ước mơ của mình

23:55 09/03/2022

Đặng Thị Thanh Vân là một trong số ít nữ doanh nhân trẻ Việt Nam đạt được thành công trong ngành CNTT. Chị đã thực sự trở thành một hình mẫu cho sự thành công của phụ nữ - người vượt lên trên nhận thức của xã hội về phụ nữ và không ngừng theo đuổi ước mơ của mình.

Đặng Thị Thanh Vân (sinh năm 1980) là CEO của Savvycom – một công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, chị còn là Phó Chủ tịch Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance) (2016-nay). Năm 2017, chị vinh dự được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 15 Nhà lãnh đạo toàn cầu đáng chú ý.

Đặng Thị Thanh Vân là một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những người đam mê công nghệ thông tin, sẵn sàng hội nhập quốc tế và chinh phục thị trường với một loạt những dấu ấn nổi bật như:

Năm 2019: Diễn giả tại Sự kiện “Phụ nữ lãnh đạo: Một quan điểm đa văn hóa”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Phòng Thương mại các nước Bắc Âu (Nordcham) đồng tổ chức. Năm 2018 là Diễn giả về chủ đề “Đổi mới công nghệ và Phụ nữ lãnh đạo” tại Hội nghị Thượng đỉnh EIS diễn ra tại Melbourne, Úc. 2017: Doanh nhân nữ tiêu biểu khu vực ASEAN. Cũng trong năm này, câu chuyện khởi nghiệp chia sẻ của Đặng Thị Thanh Vân tại sự kiện TEDxBadinh đã tạo động lực cho nhiều người. 2016: Doanh nhân trẻ Thủ đô tiêu biểu và Top 100 doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc. 2013: Doanh nhân nữ tiêu biểu khu vực Mê-kông.

Bà Đặng Thị Thanh Vân cùng ban lãnh đạo Savvycom.
DN Đặng Thị Thanh Vân cùng ban lãnh đạo Savvycom.

"Tôi đến với công nghệ thông tin như một lẽ phải có"

Chị từng tâm sự: "Savvycom là công ty khởi nghiệp đầu tiên của tôi và mấy người bạn. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Úc trở về và đi nhiều nước châu Âu và Mỹ, tôi luôn mang trong mình một mơ ước sao cho Việt Nam có được môi trường, hạ tầng, kinh tế, giáo dục, dân sinh, uy tín ngang tầm quốc tế, đặc biệt là các bạn học CNTT như tôi có đầy đủ kỹ năng và sự tự tin hội nhập thị trường quốc tế. Savvycom được ra đời vào một thời điểm không thể khác hơn với mong muốn mang đến một dịch vụ CNTT uy tín tại Việt Nam. 

Chúng tôi khởi nghiệp với một số vốn ít ỏi và 4 kỹ sư CNTT mang trong mình khát khao cháy bỏng vượt qua mọi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, công nghệ để có thể mang sản phẩm của mình ứng dụng trên thị trường quốc tế, đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi cùng xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ cho Bưu điện ở Đức, Singapore rồi mở rộng sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu khác ở các lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, Viễn thông, Nhà hàng, Du lịch. Đến nay chúng tôi là một đội ngũ gồm hơn 50 kỹ sư tốt nghiệp từ Việt Nam, Mỹ, Đức, Úc và Singapore làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, hiện đại và luôn phát triển".

Ngoài ra, việc thành lập Savvycom còn vì một mục đích là mong muốn được làm cầu nối cho những nhân sự công nghệ thông tin ở Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ.

"Tôi nhận thấy, nguồn lực trẻ về công nghệ thông tin của Việt Nam lớn, với tư duy tốt, chuyên môn giỏi nhưng họ thiếu đi kinh nghiệm, kỹ năng, thiếu đi góc nhìn mới. Đặc biệt, người Việt nói chung giỏi làm ra những mảnh ghép nhỏ mà thiếu những người đi đầu để ghép các mảnh ghép nhỏ ấy thành bức tranh lớn.

Đó chính là điều tôi trăn trở khi thành lập Savvycom, với sứ mệnh “nâng tầm nguồn lực nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam”.

Tìm thấy cơ trong nguy

Savvycom được thành lập năm 2009, khi thế giới vừa bước ra từ cuộc khủng hoảng tài chính. Đến nay, Covid-19 là cuộc khủng hoảng thứ hai mà Công ty trải qua. Qua hai “cơn bão”, có lẽ điều thấu hiểu rõ nhất là câu nói “trong nguy có cơ”. Câu nói này rất thực tế chứ không chỉ là lý thuyết.

Khi Savvycom thành lập, các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải nói là “chết như rạ”, để lại một khoảng trống trong ngành công nghệ. Những doanh nghiệp còn trụ lại được như FPT, Misa… sau đó phát triển mạnh mẽ. Đặng Thị Thanh Vân cũng nhận thấy được đây là cơ hội để mình bứt khỏi những thứ “lờ nhờ”, vươn mình bứt phá.

Đến đại dịch Covid-19, tháng 5/2020, Savvycom bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh vì thị trường chủ yếu ở nước ngoài. Khách hàng không có khả năng thanh toán, giảm hợp đồng… Đỉnh điểm, có lúc chị Đặng Thị Thanh Vân thấy như “không nhìn ra được tương lai”. Trong giai đoạn ấy, đội ngũ Savvycom họp lại với nhau để đi đến kết luận “đây chính là cơ hội”. Thị trường lắng xuống, Savvycom dồn lực để kiện toàn lại bộ máy, xây dựng lại quy trình làm việc. Nói cách khác, khi cộng đồng doanh nghiệp đang “ngủ đông” thì đội ngũ Savvycom làm việc ngày đêm.

Thời gian đầu tiên khi dịch bùng phát, ngành công nghệ thông tin cũng rơi vào thế khó. Bởi lúc ấy, cả thế giới còn đang “ngơ ngác” chưa hiểu chuyện gì xảy ra nên nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí về công nghệ cũng như tạm ngừng các dự án mới. Trong lúc khó khăn ấy, chị Vân tâm niệm phải giữ được cái đầu lạnh, nếu để nỗi sợ hãi xen vào, quyết định đưa ra sẽ bị ảnh hưởng và có thể sẽ là những quyết định sai. 

Ảnh minh họa
Chị Đặng Thị Thanh Vân tại Công ty (Ảnh chụp năm 2016)

Giữ tâm thế bình tĩnh, việc đầu tiênchị làm là quan sát. Quan sát xem điều gì đang xảy ra trên thế giới, đang xảy ra với những khách hàng của mình, bởi thị trường của Savvycom chủ yếu nằm ở nước ngoài. Tiếp theo đó là tích cực trao đổi thông tin với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, để tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Đối với đội ngũ trong công ty, chị tăng cường truyền thông nội bộ, thiết lập kênh trực tuyến để chia sẻ định hướng, chiến lược, đồng thời linh hoạt điều chỉnh quy trình để thích nghi với những thay đổi.

"Việc tôi ưu tiên đầu tiên là bảo toàn lực lượng, bảo vệ “nồi cơm” cho nhân viên. Tiếp sau đó là sẻ chia với nhau những giá trị về sự cảm thông, cùng đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài công ty" - chị Vân cho biết.

Bước qua giai đoạn khó khăn, nhu cầu công nghệ thông tin bỗng bùng nổ. Thói quen mua sắm, kinh doanh, họp hành, học tập đều bị thay đổi bởi Covid-19. Ví dụ trước đây nhiều khách hàng đều muốn gặp mặt, trao đổi trực tiếp, đến giờ mới chấp nhận làm việc qua mạng internet. Cùng với chủ trương, chính sách rất quyết tâm của Nhà nước, Savvycom xác định 5 năm tới, ngành công nghệ thông tin sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn đối với ngành công nghệ thông tin.

"Có thể nói, tăng trưởng hay không, lột xác hay không phụ thuộc vào 5 năm này. Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để bước vào “cuộc chiến” mới, với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp top 10 khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu phần mềm"- chị Vân nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Savvycom đang chuẩn bị nguồn lực, từ quy tụ nhân sự, đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) và chuẩn bị về cả tài chính. Riêng về nhân sự, Savvycom xây dựng riêng trung tâm đào tạo thay vì tuyển ngang.

"Có một điều tôi vẫn luôn trăn trở là thế giới nhiều khi còn không nghĩ Việt Nam có năng lực làm về công nghệ thông tin. Việc này, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đang dần khẳng định mình. Savvycom cũng vậy, trải qua hành trình hơn 10 năm, đến nay khách hàng của Savvycom đến từ hơn 20 nước, trải khắp 4 châu lục. Chúng tôi cũng có những khách hàng tin tưởng, đồng hành từ những ngày đầu thành lập tới tận bây giờ. Thành tựu của Savvycom chính là minh chứng cho thấy tiềm năng của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam. Tôi mong muốn làm sao đưa thương hiệu Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin thế giới".

Khi so sánh bản lĩnh nữ lãnh đạo trong thương trường so với nam giới, chị Vân cho rằng, thương trường không hẳn là một nơi quá khốc liệt và sự mềm mỏng, nhân hậu của người phụ nữ cũng không phải là không thích hợp với thương trường. Mềm mỏng không đồng nghĩa với yếu đuối, nhân hậu không nhất thiết phải là nhu nhược, và dẫu có lạnh lùng cũng không thể thiếu đi được chữ tình.

"Trong công việc, tôi tin và luôn nhắc nhở đội ngũ của mình rằng “lạt mềm buộc chặt”. Tức là dù bất cứ tình huống nào cũng cần duy trì thái độ bình tĩnh, mềm mỏng, tuy nhiên vẫn giữ nguyên tắc, ví dụ như có điều nào không thể nhượng bộ thì quyết không nhượng bộ. Điều này cũng phù hợp với một triết lý khác trong kinh doanh mà tôi luôn cho rằng “quyết định tuyệt vời nhất là quyết định đưa ra để các bên cùng có lợi” - chị Vân chia sẻ.

Hải An (t/h)