Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số bền vững. Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 (năm 2030 là 150) doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 (năm 2030 là 15) doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm.

Liên quan đến việc triển khai các giải pháp, khắc phục khó khăn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đạt hiệu quả cao và bền vững, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thanh Hóa:

Ông Đỗ Hữu Quyết: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững hơn. Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp khó hơn khối cơ quan nhà nước rất nhiều. Trước hết là “rào cản” về quan điểm, nhận thức. Không hiếm trường hợp chủ doanh nghiệp ngộ nhận và coi chuyển đổi số như “chiếc đũa thần” có thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả kinh doanh. Thậm chí, một số doanh nghiệp cho rằng chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào trang thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn là có thể hoàn thành chuyển đổi số và chờ kết quả.

Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành Trung ương, các Tập đoàn viễn thông - Công nghệ thông tin tổ chức hội nghị, tập huấn hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Tại đây, chủ doanh nghiệp được tư vấn, giới thiệu mô hình chuyển đổi số theo các loại hình doanh nghiệp khác nhau giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, định hình và xây dựng các mô hình chuyển đổi số phù hợp.

Tham gia những buổi tập huấn này các doanh nghiệp thấy rằng, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thay thế giấy tờ, giảm chi phí nhân lực, tiết kiệm thời gian mà còn thay đổi tư duy đội ngũ lãnh đạo, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nếu lãnh đạo không đi đầu, làm gương trong việc chuyển đổi số, sử dụng các công cụ số trong quản lý, điều hành thì rất khó để yêu cầu bộ máy bên dưới triển khai.

Ngoài ra, Sở TT&TT còn xây dựng chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh, thiết lập kênh Zalo về chuyển đổi số. Các hình thức này nhằm tăng cường chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của các doanh nghiệp về chuyển đổi số để truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội. Từ đó phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; Giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành khác nhau.

Ông Đỗ Hữu Quyết: Sau khi có Quyết định của Bộ TT&TT ngày 26/3/2021 về chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở TT&TT đã ban hành văn bản gửi đến các hiệp hội, hội và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để lựa chọn các nội dung thực hiện phù hợp với tình hình của từng doanh nghiệp.

Bộ TT&TT công bố 50 nền tảng trong đó có 16 nền tảng số phổ biến phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những nền tảng này đáp ứng đầy đủ các bộ giải pháp về công nghệ số giúp doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu, mô hình chuyển đổi số của mình để lựa chọn, ứng dụng một cách hiệu quả và bền vững. Sở TT&TT tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận, nghiên cứu bộ công cụ chuyển đổi số, các nền tảng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Bộ TT&TT công nhận và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử.

Ngày 6/4/2023, Sở TT&TT có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tài khoản, tự đánh giá mức độ chuyển đổi số trên Cổng thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đây là căn cứ để Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đưa ra giải pháp sử dụng các nền tảng số phù hợp cho doanh nghiệp.

Tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm trong các cơ quan Nhà nước; Đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.

Ông Đỗ Hữu Quyết: Nghị quyết số 214, ngày 13/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2026 có 3 chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số là: Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho các doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa dành nguồn kinh phí gần 2,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho doanh nghiệp.

Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa sẽ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước. Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn thương mại và công nghiệp chi nhánh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các bước để được hỗ trợ theo quy định.

Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp được tiếp cận nhanh và sớm nhất, là cầu nối để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có các nền tảng, giải pháp chuyển đối số trong nước và quốc tế.

Ông Đỗ Hữu Quyết: Xác định để chuyển đổi số thành công doanh nghiệp cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Giải pháp trước mắt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt thông qua các hoạt động tập huấn ngắn hạn.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã và đang tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu doanh nghiệp, các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ, đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp.

Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh Thanh Hóa đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” tại các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề trong toàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số về tỉnh làm việc.

Ông Đỗ Hữu Quyết: Sở TT&TT đã chủ động, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm hạ tầng số. Hiện hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ công tác quản lý, điều hành trên môi trường mạng và bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mở rộng; Hiện đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,70%; Thuê bao Internet đạt 2.300.000 thuê bao, đạt mật độ 62.71 thuê bao/100 dân.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhằm cung cấp tập trung các phần mềm, dữ liệu dùng chung của tỉnh và sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Một số phần mềm đang được sử dụng như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, cổng dữ liệu mở của tỉnh, phần mềm gửi - nhận văn bản giữa doanh nghiệp với chính quyền,… Đồng thời trung tâm sẽ hỗ trợ việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho doanh nghiệp khi triển khai các giải pháp công nghệ số an toàn trên môi trường mạng.

 

Ông Đỗ Hữu Quyết: Tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa; Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại các hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh; Kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện doanh nghiệp khoa học công nghệ Tân Thanh Phương đã xây dựng phần mềm “Hệ sinh thái nông nghiệp làng nghề AGR GIS”. Phần mềm này bao gồm 01 Modul nền tảng Sàn thương mại điện tử langnghethanhhoa.vn và một số modul khác. Thông qua nền tảng này doanh nghiệp đã giúp gần 1000 các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống và toàn bộ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh hóa lên sàn, giao thương kết nối với các đối tác khách hàng trong và ngoài nước.

Trong thời đại 4.0, công nghệ số thế giới phát triển như vũ bão. Mỗi nước là một mắt xích không thể tách rời trong vòng tròn kinh tế toàn cầu. Việt Nam hiện vẫn là một nước kém phát triển về khoa học, công nghệ số. Vì vậy, việc tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp có vốn FDI cũng như doanh nghiệp ở các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,… là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp chúng ta nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới và tiếp cận tri thức, công nghệ tiên tiến. Đây cũng được coi là giải pháp đi tắt, đón đầu rất hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.