Doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi hóa đơn điện tử

00:00 12/10/2020

Chỉ còn gần một tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi, vẫn còn nhiều khó khăn nhất là đối với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa khi sử dụng hình thức mới.

Chỉ còn gần một tháng nữa, các DN sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy

Những tín hiệu tích cực

Theo số liệu từ MISA - đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi hóa đơn điện tử cho các DN, từ đầu năm 2020 tới nay, đơn vị này đã phục vụ mới hàng chục ngàn khách hàng, tổng số khách hàng tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Cục Thuế Hà Nội cũng thông tin, tính đến ngày 5/8, trên toàn thành phố đã có 112.553 DN, tổ chức đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử (đạt tỷ lệ 80,2%). Số hóa đơn điện tử đã thông báo phát hành là hơn 11 tỷ hóa đơn, số DN đã sử dụng hóa đơn điện tử là 58.004 doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian hai năm kể từ khi Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về việc sử dụng hóa đơn điện tử ra đời, DN đang ngày càng quan tâm và trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị mọi điều kiện để áp dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Thống kê cho thấy việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian khi giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.

“Đây là một trong những điều kiện bắt buộc khi DN muốn chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp DN có thể quản lý dễ dàng hơn, tránh các trường hợp mất hóa đơn, minh bạch hơn trong hạch toán và giám sát việc kinh doanh”, một chuyên gia nhận định. 

Hiểu được điều đó, nhiều DN đã áp dụng hóa đơn điện tử một cách triệt để trong hoạt động kinh doanh. Theo lãnh đạo một DN trong lĩnh vực du lịch, vào mùa cao điểm, mỗi ngày DN này có thể phát hành hàng nghìn hóa đơn, nếu sử dụng hóa đơn giấy, quá trình kiểm soát vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Thay vào đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp DN  tiết kiệm được chi phí, thời gian và cả nhân lực.

Hay như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng lên tới vài chục triệu hóa đơn, thống kê cho thấy việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể giúp EVN tiết kiệm đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Kể từ năm 2019, EVN đã triển khai giao dịch qua phương thức điện tử trên toàn quốc đối với 100% các dịch vụ điện. Đầu năm nay, EVN đã ra mắt mẫu hóa đơn điện tử mới, đặc biệt còn áp dụng QR Code theo tiêu chuẩn của NHNN vào hợp đồng điện tử để tạo thuận tiện và thúc đẩy thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt .

Không chỉ từ phía DN, các cơ quan nhà nước cũng thể hiện quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử. Vừa qua, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành Công văn 31502/CT-TTHT đề nghị các đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện mục tiêu mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, phấn đấu 100% DN dùng hóa đơn điện tử trước ngày 30/09/2020.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp e ngại

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh, dù cột mốc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đã đến gần nhưng vẫn còn nhiều DN e ngại, chưa thực hiện chuyển đổi. “Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen của các DN khi sử dụng hóa đơn giấy. Một số lãnh đạo DN chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ, phương tiện thanh toán mới nên còn e ngại chưa sử dụng hóa đơn điện tử” - ông Thịnh cho biết. 

Mặt khác, cũng có nhiều DN nhận ra được lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng còn lúng túng trong các khâu như quy định về chữ ký số, bảo quản hóa đơn… Ngoài ra, với bộ phận DNNVV, tiềm lực về công nghệ và tài chính còn yếu, việc chuyển đổi từ hình thức kế toán đã làm hàng chục năm sang hình thức mới đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ, máy móc, phương tiện hiện đại, từ đó gặp rào cản trong việc sử dụng phương thức mới. 

“Việc áp dụng hóa đơn điện tử phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, khi có sự cố mất điện hay hệ thống lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì DN sẽ gặp vấn đề với loại hình hóa đơn này, dẫn tới chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh” - đại diện một DN chia sẻ. 

Ý kiến từ nhiều DN cho biết, đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, lượng hóa đơn không nhiều, việc chuyển đổi là tốt nhưng không được chú trọng vì sợ sẽ làm thay đổi bộ máy đã vận hành quen thuộc nhiều năm. Bên cạnh đó, một số DN cũng ngần ngại trước chi phí chuyển đổi cao, không tìm được đối tác tin cậy, uy tín để phục vụ chuyển đổi. 

Trước những khó khăn của DNNVV, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có cố gắng lớn trong việc thay đổi, giúp bộ phận DN này có thể có sự tiếp cận tốt hơn với hóa đơn điện tử, thông qua những lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, hỗ trợ. Đây là chính sách của Chính phủ nên các DN cần nghiêm túc thực hiện. Mặt khác đây cũng là phục vụ cho lợi ích lâu dài của DN, khi sử dụng hóa đơn điện tử là một bước trong công cuộc chuyển đổi số của DN, ông Thịnh cho biết thêm.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2018 quy định tại Khoản 2, Điều 35 đề cập đến thời gian buộc sử dụng hóa đơn điện tử toàn quốc: “Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020”.

Trang Quỳnh