Doanh nghiệp nỗ lực kết nối đưa hàng Việt làm chủ thị trường

00:00 12/10/2020

Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong những năm gần đây, các địa phương và DN lớn đã tích cực kết nối tiêu thụ sản phẩm của nhau, ưu tiên sử dụng hàng trong nước sản xuất, từng bước giúp hàng Việt làm chủ thị trường.

DN giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Đối tác Phát triển hàng Việt do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Tích cực kết nối

Theo bà Phạm Minh Hương, Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, để hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các DN trong Tập đoàn đã liên kết với nhau để trao đổi và phân phối hàng hóa hai chiều trong hệ thống của nhau. Cùng với đó, các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng nội địa cũng được lãnh đạo các đơn vị trong Tập đoàn chú trọng đầu tư theo dây chuyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường trong nước.

Ngoài ra, với thế mạnh trong việc tham gia Cuộc vận động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tích cực phối hợp, liên kết hợp tác kinh doanh với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để cung cấp sản phẩm đồng phục, đẩy mạnh công tác sử dụng sản phẩm của nhau. Cụ thể, Vinatex đang liên kết để cung cấp đồng phục cho 8 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các ngành xăng dầu, điện lực, dầu khí, hóa chất, thuốc lá với doanh thu từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng/năm… Điển hình, doanh thu cung cấp đồng phục của Tập đoàn Dệt may tại TCT Điện lực miền Bắc trong 9 tháng đầu năm đạt 45 tỷ đồng (cả năm 2017 đạt 38 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí đạt 25 tỷ đồng (cả năm 2017 đạt 29 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 19 tỷ đồng (cả năm 2017 đạt 13 tỷ đồng)…

Là lĩnh vực phải sử dụng các sản phẩm có yêu cầu cao về công nghệ, nhưng những năm qua, Công ty Điện lực TP.HCM luôn cố gắng để bố trí sản xuất nhằm có thể sử dụng tối đa các sản phẩm sản xuất trong nước, chỉ sử dụng hàng ngoại nhập đối với các sản phẩm có đòi hỏi kỹ thuật rất cao, trong nước chưa sản xuất được. Để làm được điều đó, theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, Công ty đã xây dựng các gói thầu sử dụng tối đa hàng sản xuất trong nước. Đối với các gói thầu quốc tế có đòi hỏi cao về công nghệ cũng được tách ra để có các gói thầu ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước của Công ty Điện lực TP.HCM chiếm tới 85% trong tổng số vật liệu sử dụng trong các gói thầu.

Cùng với việc chủ động liên kết của các DN để sử dụng sản phẩm của nhau, tạo dư địa phát triển cho hàng Việt Nam, một số địa phương cũng tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Địa phương đi đầu phải kể đến là TP.HCM. Với Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được tổ chức liên tục từ năm 2011 đến nay, với gần 2.300 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết không chỉ giúp hàng trăm DN tại các tỉnh có đầu ra ổn định tại thị trường trong nước mà còn đưa được nhiều sản phẩm của các địa phương ra nước ngoài qua hệ thống của các DN phân phối tại các nước trên thế giới

Nhiều nỗ lực

Theo đánh giá của các DN, việc sử dụng hàng hóa trong nước không chỉ góp phần phát triển kinh tế quốc gia mà còn đem lại cho các DN nhiều lợi ích. Cụ thể, theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, hàng sản xuất trong nước có thời gian giao hàng nhanh hơn, dịch vụ hỗ trợ sau đấu thầu tốt hơn, đồng tiền sử dụng thanh toán nhanh gọn, không có rủi ro về tỉ giá, giảm bớt các thủ tục thông quan, tiết kiệm thời gian thực hiện dự án. Mặc dù vậy, việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất cũng còn một số hạn chế như hàng hoá của các DN trong nước còn chưa theo kịp xu hướng công nghệ. Do vậy, để đẩy mạnh việc tiêu thụ tại thị trường nội địa các DN phải tập trung đầu tư, để đáp ứng yêu cầu công nghệ. Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về vốn và công nghệ cho các DN trong nước.

Về phía tập đoàn Dệt may, bà Phạm Minh Hương cũng cho biết, đa số quy mô sản xuất của các DN dệt may là khá lớn. Tuy nhiên, khi liên kết với các DN trong nước để cung cấp đồng phục các DN dệt may phải thiết kế hệ thống sản xuất riêng để đáp ứng nhu cầu sử dụng các nguyên liệu đặc thù cho các ngành nghề. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng phải xử lý thêm các tính năng đặc biệt. Để làm được điều này các DN dệt may cũng phải rất nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu vì hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may còn rất khiêm tốn.

Để hàng Việt có sức lan tỏa trong cộng đồng, theo ông Đào Hùng, Giám đốc Petrolimex, bên cạnh việc chủ động liên kết hợp tác toàn diện với các DN khác sử dụng sản phẩm của nhau, tạo dư địa phát triển hàng Việt Nam, DN này còn triển khai nhiều giải pháp để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường nội địa như: Hàng năm tổ chức mời đối tác, tổng đại lý khách hàng lớn tới tham quan dây chuyền sản xuất tạo niềm tin cho khách hàng về sản phẩm của công ty; Thường xuyên tương tác với mạng xã hội để thông tin về các tính năng mới các chương trình khuyến mãi đồng thời tiếp nhận các thông tin phản hồi đề hoàn thiện phát triển sản phẩm. Ngoài ra, còn phải thường xuyên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, có chính sách bán hàng tốt và coi trọng công tác hậu mãi...

Nguyễn Huế