Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo càng nhanh sẽ càng dễ “thắng thế”

09:25 04/11/2020

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Khi các doanh nghiệp(DN), doanh nhân biết khai thác tiềm năng con người, ứng dụng sự sáng tạo và công nghệ, sẽ trở thành những "con cá" có tốc độ cực nhanh, tạo nên những sản phẩm, giải pháp mang tính đột phá, thì doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh và bền vững.

 Để thực hiện được mục tiêu gắn đổi mới sáng tạo với phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thay đổi tư duy để đổi mới sáng tạo

Các chuyên gia nhận định rằng, đổi mới sáng tạo sẽ làm xóa nhòa đi khoảng cách giữa DN lớn và DN nhỏ, câu chuyện thị trường sẽ không còn là “cá lớn nuốt cá bé” mà ai nhanh thì người đó thắng. DN nào đổi mới càng nhanh thì sẽ càng dễ “thắng thế” hơn trong tương lai.

Hiện nay, Việt Nam đang hội tụ nhiều cơ hội và lợi thế để phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo. Năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020), Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập và tiếp tục giữ đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để thực hiện được mục tiêu gắn đổi mới sáng tạo với phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước chuyển sang mô hình phát triển dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năng suất lao động cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45,21%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%).

Giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã hình thành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Do vậy, tôi cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đối với các cơ quan nhà nước, và đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân, mỗi chúng ta trước hết cần phải thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo ngay từ ý tưởng cho tới hành động”, Thứ trưởng Trần Duy Đông kêu gọi.

Thứ trưởng Đông khẳng định, khi các doanh nghiệp, doanh nhân luôn ý thức, luôn khát khao về đổi mới sáng tạo để tạo nên những sản phẩm, giải pháp mang tính đột phá, thì doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội, qua đó góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion, Phú Thái Group cho rằng, đổi mới sáng tạo về bản chất là biến ý tưởng thành giá trị, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ và dịch Covid-19 là một cơ hội, khi tất cả hoạt động phải ngừng lại, đó chính là khoảng lặng để DN có thể đưa ra những thay đổi cần thiết, ứng phó trước khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai.

“Mục tiêu của DN lúc này là tồn tại qua khó khăn sau dịch, nhiều DN đã có những sự thay đổi, thử nghiệm những điều chưa từng làm để sống sót. Ví dụ như nhiều DN cho thuê lại văn phòng, làm việc từ xa, làm khẩu trang đối với DN dệt may và sản xuất nước rửa tay khô với DN làm hóa mỹ phẩm… trong chừng mực nào đó, đó chính là đổi mới sáng tạo”, ông Thuận cho biết.

Đặc biệt, theo ông Thuận, bên cạnh đổi mới sáng tạo, các DN cũng cần nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh, quay trở lại với thị trường nội địa đầy tiềm năng. Với 96 triệu dân, mức độ giàu trung lưu đang tăng cao nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang là “mảnh đất màu mỡ” mà các DN nước ngoài đều thèm khát.

“DN Việt cần chú trọng thị trường nội địa trước khi tìm cách đem sản phẩm của mình cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh khó khăn, mọi hoạt động xuất khẩu đang có nhiều gián đoạn”, ông Thuận nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hỗ trợ tối đa đổi mới sáng tạo

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ông Võ Xuân Hoài - Phụ trách Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhận định: Việt Nam có thị trường tiêu dùng lớn xấp xỉ 100 triệu dân với cơ cấu dân số tương đối trẻ (tuổi trung bình khoảng 30 tuổi), trong đó có 67% dân số sử dụng internet, 73% sử dụng smartphone chính là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, còn có làn sóng tài năng mới với các kỹ sư, lập trình viên, nhà khoa học và doanh nhân trẻ. Đồng thời, Việt Nam được ghi nhận là nền kinh tế năng động, có tiềm năng tăng trưởng mạnh và đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư quốc tế.

Theo Nielsen Việt Nam, so với các quốc gia lân cận, người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng thích các sản phẩm được đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, theo một khảo sát, có 88% số người được hỏi đã mua một sản phẩm mới trong dịp đi mua sắm gần nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh hậu dịch, hầu hết các DN đều đang trong tình trạng khó khăn, tìm mọi cách để vực dậy và tồn tại, các chuyên gia cho rằng đổi mới sáng tạo chính là “phao cứu sinh” của các DN, đặc biệt là bộ phận DNNVV. Đây là nhóm DN có hạn chế về nguồn lực tài chính, khả năng tái cơ cấu, tuy nhiên cũng chính điều này lại là lợi thế giúp DNNVV có thể dễ dàng thực hiện đổi mới sáng tạo.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều tổ chức đã có những hoạt động thiết thực. Ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết sẽ ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để thực hiện những nhiệm vụ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái, xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được NIC hỗ trợ để nhận ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và tiếp cận với mạng lưới nhân tài, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Mặt khác, NIC cũng khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khởi nghiệp có thể tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại, các quỹ nghiên cứu, nguồn vốn...

Hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là một trong những vấn đề được quan tâm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận 861 triệu USD tổng vốn đầu tư mạo hiểm, tăng 92% so với năm 2018. Cùng năm, 425 triệu USD được cam kết đầu tư tại Vietnam Venture Summit.

Từ tổng quy mô đầu tư chỉ 45 triệu USD hồi 2015, NIC đánh giá thị trường vốn đầu tư mạo hiểm đã có tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, các ngành thu hút vốn nhiều nhất là thanh toán, bán lẻ, giáo dục, tài chính và logistics.

Phân tích chi tiết hơn, ông Võ Xuân Hoài, Phụ trách Ban Hỗ trợ doanh nghiệp - NIC cho biết, các doanh nghiệp, nhân tài sẽ là những nhóm hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách này.

Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được NIC hỗ trợ để nhận được ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và đặc biệt là tiếp cận với mạng lưới các nhân tài, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khởi nghiệp, NIC sẽ hỗ trợ tối đa để có thể tiếp cận với đào tạo và học tập, các phòng thí nghiệm hiện đại và các quỹ nghiên cứu, các mentor và nguồn vốn...

Đặc biệt, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là một trong những vấn đề được quan tâm. Từ sau dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Nhờ đó, các doanh nghiệp đều có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay rẻ.

Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư vào đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đã được triển khai. Mới đây, ba quỹ đầu tư gồm Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures công bố rót vốn vào Kim An, một công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ tín dụng hướng đến khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Đây được xem là đơn vị hiếm hoi phục vụ phân khúc khách hàng hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam.

Ngoài ra, Chỉnh phủ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội hợp tác, hình thành các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, NIC và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã trao thỏa thuận hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bản thoả thuận nhằm mở rộng quan hệ, tăng cường năng lực hợp tác quốc tế, đảm bảo cho sự kết nối các nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ tốt nhất trong việc phát triển sự nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai nước nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng.

Ông Amit Shandil, Quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam:  84% chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chịu áp lực phải ra mắt sản phẩm mới nhiều hơn 5-10 năm trước. Bởi lẽ, hơn 90% sản phẩm FMCG mới sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Riêng tại Việt Nam, 59% sản phẩm mới được ra mắt trong giai đoạn 2017-2019 nhưng chỉ 14% trong đó giữ được doanh số qua các năm. Do đó, “đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho sự đột phá”.

Gia Gia