Doanh nghiệp cần chủ động kịch bản ứng phó khi xuất khẩu tụt dốc

16:38 25/04/2023

Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu những giải pháp để phối hợp gỡ khó về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải chủ động ứng phó.

Thông tin từ Bộ Công Thương, quý I/2023, một số ngành hàng xuất khẩu có tín hiệu tích cực như: Rau củ quả, gạo và hạt điều. Trong đó, rau quả tăng cao nhất với hơn 16 triệu USD, đạt gần 1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Indonesia...

Còn lại những ngành hàng chủ lực như: Chế biến, chế tạo đều có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Cụ thể, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử máy vi tính, đồ gỗ giảm từ 2% đến 20%. Một số ngành hàng giá trị xuất khẩu giảm hơn 25%, như: ngành cao su, thủy sản…

Trước tình hình này, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ thương mại quốc tế. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để doanh nghiệp, duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần chủ động kịch bản ứng phó khi xuất khẩu tụt dốc
Doanh nghiệp cần chủ động kịch bản ứng phó khi xuất khẩu tụt dốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thủ tục trong khuôn khổ Hiệp định FTA, CPTPP, EVFTA, UKVFTA đẩy mạnh xuất khẩu với một số quốc gia đã xúc tiến trước đây. Qua đó, mở thêm đầu ra cho hàng hóa Việt Nam. Rau quả giá trị xuất khẩu tăng cao nhất với hơn 16 triệu USD đạt gần 1 tỷ USD 3 tháng đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những kiến nghị từ doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng. Trong bối cảnh khó khăn này, Bộ Công Thương cùng các đơn vị nghiên cứu những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để phối hợp gỡ khó về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động những giải pháp để ứng phó với những khó khăn trong những tháng cuối năm.

Trước đó, CTCP Chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó nhận định xuất khẩu  Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong quý II do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, kéo theo đó là lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất của Việt Nam sụt giảm.

Ngoài ra, PMI  tháng 3/2023 giảm xuống 47,4 điểm cho thấy ngành sản xuất tiếp tục thu hẹp do tình hình đơn hàng kém khả quan.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi hoàn toàn khi thị trường phục hồi. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công suất hoạt động, giảm giờ làm, thậm chí sa thải nhân viên. Do đó, doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi sản xuất ngay cả khi đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.

Trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia phát triển gia tăng và kim ngạch xuất khẩu thực tế trong quý I thấp hơn dự kiến, khối phân tích hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống -2%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình là 15% trong giai đoạn 2021-2022.

Xuất khẩu có thể phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Khối phân tích cho rằng, giá trị nhập khẩu  khó có thể cải thiện đáng kể trong quý II do các doanh nghiệp có xu hướng giảm sản xuất trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế  thế giới suy yếu.

Chuyên gia dự báo, giá trị nhập khẩu sẽ giảm 3% trong năm 2023 (so với dự báo trước đó là 5%). Từ đó, kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 15,7 tỷ USD vào năm 2023 từ mức xuất khẩu ròng 12,4 tỷ USD vào năm 2022 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu năm nay cùng sụt giảm khoảng 2,5%, dự báo xuất siêu 12,2 tỷ USD (so với 11,3 tỷ USD trước đây), do nhu cầu toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

P.V (t/h)