Đỉnh cao marketing ngành ngân hàng: Hơn 70.000 người thảo luận về ACB trên mạng xã hội

06:55 09/06/2023

Màn biểu diễn "cây nhà lá vườn" của Chủ tịch ACB trong sự kiện Kỷ niệm 30 năm thành lập của Ngân hàng này đã gây sốt trên mạng xã hội và tạo ra sức ảnh hưởng lớn, vượt qua hàng loạt chiến dịch marketing của ngành ngân hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo công ty phân tích dữ liệu truyền thông mạng xã hội Buzzmetrics, chỉ trong 3 ngày, sự kiện này đã thu hút hơn 134.000 lượt thảo luận và hơn 70.000 người tham gia thảo luận, gấp 16 lần số lượng thảo luận trung bình mà một chiến dịch marketing ngành ngân hàng tạo ra trong 1 tháng.

Theo Buzzmetrics, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2023, số liệu thống kê từ 206 chiến dịch marketing của 43 ngân hàng cho thấy mỗi chiến dịch trung bình tạo ra khoảng 8.000 lượt thảo luận mỗi tháng. Do đó, lượt thảo luận về sự kiện ACB vượt qua rất nhiều chiến dịch marketing khác trong ngành ngân hàng. Con số này gần bằng chiến dịch marketing có lượng thảo luận cao nhất trong ngành ngân hàng trong 2 năm qua, đó là chiến dịch MyVIB 2.0 với khoảng 150.000 lượt thảo luận mỗi tháng.

Nếu xét theo lượng thảo luận trung bình trong 1 ngày, sự kiện ACB đã tạo ra trung bình 44.000 lượt thảo luận mỗi ngày. Đây là con số cao hơn bất kỳ chiến dịch marketing nào trong ngành ngân hàng mà Buzzmetrics đã ghi nhận trong hơn 2 năm qua. Buzzmetrics cũng cho biết rằng sự kiện ACB đã tuân thủ đúng chuẩn của một hot topic trên mạng xã hội, tạo ra sự chú ý và lan truyền rộng rãi.

Sự kiện ACB bắt đầu thu hút sự chú ý từ bài đăng trên trang Cafe F vào tối ngày 4/4, với tiêu đề "[Clip] Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy gây sốt với màn trình diễn đàn, hát, nhảy 'dưới mưa'". Bài viết này nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đạt được sự lan tỏa lớn.

Ảnh minh họa

Vào sáng ngày 5/6, nhiều trang cộng đồng lớn đã đăng tin liên quan và thu hút một lượng lớn người dùng từ cả giới banker (ngân hàng) và giới trẻ. Đoạn video cũng được đăng lại và lan truyền trên nhiều nền tảng, đặc biệt là TikTok, giúp thu hút nhiều người dùng từ các nền tảng khác nhau.

Ngày 6/6, xuất hiện thêm nhiều tin tức mới liên quan đến sự kiện ACB như thông tin về profile của Chủ tịch ACB, ra đời của social slang mới, và thu hút thêm cộng đồng liên quan đến kinh doanh và marketing. Các thông tin về công ty, định hướng phát triển, môi trường làm việc, và mã cổ phiếu ACB cũng liên tục xuất hiện, mang đến tin tức mới cho các nhóm người dùng khác nhau và duy trì sự nóng của hot topic. Phân tích sâu vào nội dung thảo luận, có thể thấy hot topic không chỉ đề cập đến Chủ tịch và màn biểu diễn của ông, mà còn nhắc nhớ về thương hiệu ACB và gợi nhắc đến các đặc tính về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Đáng chú ý, hơn 10% tỷ trọng thảo luận cho thấy ý định sử dụng dịch vụ ngân hàng như mở thẻ, mở tài khoản, gửi tiết kiệm.

Đây là con số đáng mơ ước đối với bất kỳ chiến dịch ra mắt sản phẩm dịch vụ nào, không chỉ trong ngành ngân hàng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Cách thảo luận này cũng mang nhiều đặc tính giống với hiệu ứng "đu idol" trong lĩnh vực giải trí. Điều này cho thấy hot topic không chỉ mang lại niềm vui mà còn mang lại giá trị tích cực cho thương hiệu ACB. Đặt ra câu hỏi liệu có thể áp dụng insight "đu idol" của người trẻ trong giải trí cho thương hiệu ACB, và liệu idol của ACB có thể trở thành một xu hướng Influencer Marketing mới. Gần đây, việc sử dụng các KOL bên ngoài đã gặp nhiều rủi ro đến hình ảnh thương hiệu. Theo Buzzmetrics, tiềm năng của hot topic ACB vẫn còn và có thể ngày 6/6 là đỉnh thảo luận đầu tiên trong một chuỗi thảo luận dài. Xét về tính chất tin tức, cách lan truyền và hình thái thảo luận hiện tại, hot topic có nhiều dấu hiệu sẽ theo mô hình M-shape (U) với 3 đỉnh thảo luận trong vòng 15 ngày và có thể đạt quy mô khoảng 500.000 lượt thảo luận.

Buzzmetrics cho biết: "Nếu được tận dụng một cách hợp lý, thương hiệu có thể kéo dài và hưởng lợi từ sự nóng của hot topic ban đầu bằng cách tổ chức nhiều hoạt động nhắc nhớ đến các yếu tố khác mà thương hiệu muốn nhấn mạnh."

Hòa An