Điểm tựa an sinh cho người lao động

10:25 05/06/2021

Sau đợt hỗ trợ năm 2020, trong năm 2021, TP HCM tiếp tục thống kê số người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 để kịp thời chi tiền hỗ trợ.

Trước tình hình người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM đã lên phương án hỗ trợ cho người lao động & DN như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ - TB - XH TP HCM
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ - TB - XH TP HCM. (Ảnh: Internet).

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, ngày 2-6, Sở LĐ-TB-XH đã có Công văn 18353 khẩn đề nghị các sở, ban ngành và UBND TP Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện nắm tình hình của DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ sở giáo dục gặp khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Sau đó một ngày, sở tiếp tục có Công văn 18882 khẩn đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận, huyện báo cáo số liệu người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đến giờ đã gây ra những hậu quả không nhỏ trong đời sống xã hội, mà một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là NLĐ bị mất việc làm. Do đó, việc TP HCM thống kê danh sách để hỗ trợ là một giải pháp mang tính chia sẻ và có tinh thần nhân văn sâu sắc được dư luận ủng hộ và đồng tình. Ở khía cạnh khác, sự hỗ trợ này tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền TP HCM. Đây không phải là lần đầu tiên TP HCM làm việc này. Trong năm 2020, khi NLĐ bị mất việc, ngưng việc, hoãn việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND TP HCM đã kịp thời hỗ trợ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn.

 Ông có thể cho biết đối tượng cụ thể được rà soát, thống kê lần này?

- Trước hết là NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ đủ 1 tháng trở lên, mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kế tiếp là NLĐ phi chính thức (lao động tự do) không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

NLĐ tự do phải có đủ các tiêu chí và điều kiện sau: không có giao kết hợp đồng lao động, không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản bảo đảm an sinh xã hội. NLĐ tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP theo chỉ đạo của UBND TP HCM kể từ ngày 31-5-2021 đến thời điểm thống kê.

Ngoài ra, NLĐ tự do được hỗ trợ phải cư trú hợp pháp tại địa phương và làm một trong 7 loại công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP HCM (cơ sở làm đẹp, massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí

Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ hai nhóm đối tượng trên như thế nào, thưa ông?

- Sau khi khảo sát, Sở LĐ-TB-XH TP HCM sẽ báo cáo UBND TP HCM và đề xuất hỗ trợ mỗi NLĐ chính thức bị ngừng việc từ 1 tháng trở lên với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với nhóm lao động phi chính thức, Sở LĐ-TB-XH đề xuất mức hỗ trợ sẽ là 1 triệu đồng/người/tháng. Khoảng thời gian tính để hỗ trợ là từ tháng 6 đến tháng 12-2021. NLĐ bị mất việc tháng nào sẽ được xem xét, hỗ trợ tháng đó. Nguồn kinh phí để hỗ trợ NLĐ bằng nguồn vận động từ các nhà hảo tâm và một phần ngân sách TP HCM.  

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu tặng quà và thăm hỏi người dân gặp khó khăn   bởi dịch Covid-19 tại TP HCM
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu tặng quà và thăm hỏi người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 tại TP HCM. (Ảnh: Internet)

Hỗ trợ nhanh tại quận Gò Vấp

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16 của Chính phủ. UBND quận đã chỉ đạo các phường thường xuyên rà soát, kiểm tra những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất để có phương án hỗ trợ nhanh. Tăng cường các gian hàng, phiên chợ không đồng vào chiều thứ sáu hàng tuần.Thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, quận Gò Vấp sẽ triển khai việc rà soát, thống kê những hộ dân, NLĐ bị ảnh hưởng để có hướng hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế./.

Theo Phan Anh/nlđ