Đầu tư núp bóng

15:20 08/04/2021

Với kết quả tăng trưởng giữa khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý trở thành quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng có không ít ý kiến lo ngại ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng” của một số nhà đầu tư ngoại, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn ghi nhận tăng trưởng giữa đại dịch. Trong tương lai, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn ghi nhận tăng trưởng giữa đại dịch. Trong tương lai, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá. 

Mới đây, Báo điện tử VietnamPlus có bài viết dẫn nguồn từ đại diện Tổ chức Forest Trends rằng, mặt hàng chế biến gỗ có rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ bởi tình trạng đầu tư núp bóng. Hiện các doanh nghiệp FDI đang vượt trội các doanh nghiệp nội.

Theo tờ báo này, để tạo thực thể thống nhất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cần môi trường cơ chế, chính sách phù hợp và nên cho phép doanh nghiệp FDI là thành viên chính thức của các Hiệp hội gỗ, qua đó, các ý kiến của doanh nghiệp FDI được lắng nghe để có chính sách bao quát hơn.

Trước thông tin và đề xuất này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý thông tin đăng trên Báo điện tử VietnamPlus.

Ông Hà Công Tuấn,Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cho biết, ông cũng vừa nhận được công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét đề nghị của Forest Trends, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các hiệp hội ngành gỗ.

Theo ông Tuấn, luật không cấm các doanh nghiệp FDI tham gia vào các hiệp hội ngành hàng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không can thiệp vào việc các doanh nghiệp này có muốn vào hay không mà chỉ có thể khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia.

Tuy nhiên, việc đồng ý hay không đồng ý một đơn vị nào đó tham gia vào hiệp hội ngành hàng là thỏa thuận giữa các thành viên của từng hiệp hội, ở đây là Hiệp hội gỗ, mỹ nghệ của các địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cũng cho rằng, việc kim ngạch xuất khẩu ngành tăng cao giữa dịch bệnh là do đơn hàng nhập khẩu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Phương cũng có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ nhằm né thuế Mỹ áp cao với sản phẩm từ Trung Quốc. Hiện tượng này xảy ra theo ông Phương là kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Có trường hợp một số nhà đầu tư rót vốn vào ngành này của Việt Nam chỉ thực hiện những công đoạn giản đơn, không đầu tư dây chuyền máy móc quy chuẩn để hoạt động lâu dài mà chủ yếu chủ yếu đưa sản phẩm từ Trung Quốc đến lắp ráp rồi cho xuất khẩu. Và cũng có hiện tượng nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp gỗ trong nước để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước.

Tuy nhiên, để đưa ra những bằng chứng cụ thể về lượng doanh nghiệp đầu tư chui hoặc đầu tư núp bóng như thế nào thì theo người đại diện của HAWA cần phải có cuộc điều tra cụ thể từ nhiều đơn vị, cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp trong ngành.

Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, đề xuất cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các hiệp hội ngành gỗ với vai trò là thành viên chính thức là sẽ không ổn vì hai khối doanh nghiệp có định hướng, mục tiêu chiến lược khác nhau, sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích. Nếu cần phải có sự góp ý, đóng góp ý kiến từ phía doanh nghiệp FDI, theo ông Phương thì cần có một hội đồng phát triển cho ngành.

Riêng về vấn đề có ý kiến phản ánh gần đây, xảy ra tình trạng doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc đầu tư núp bóng vào ngành gỗ, gây rủi ro về pháp lý cho các các sản phẩm gỗ Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cho biết cơ quan Bộ có nhận được thông tin này.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, những phản ảnh này chưa có thông tin cụ thể. Do đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đang đợi kết quả tổng hợp ý kiến, thông tin từ các cơ quan ban ngành, sau đó mới đưa ra hướng xử lý cụ thể. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm trong lĩnh vực gỗ, lâm sản nhằm đảm bảo ngành gỗ phát triển bền vững, ổn định, ông Tuấn nói.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, cũng cho hay, qua theo dõi có thể thấy xuất khẩu một số sản phẩm gỗ của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong một số năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan. Qua đó nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

Trên thực tế, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tình trạng đầu tư núp bóng diễn ra khi một số công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các mức thuế mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đó là các thương nhân Trung Quốc đến một công ty tại Việt Nam thuê lại nhà máy, ký hợp đồng dưới dạng nhân viên kỹ thuật. Các nhà đầu tư này bỏ tiền ra để tổ chức sản xuất, nhập các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế bán phá giá của Mỹ từ Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam. Hiện nhiều sản phẩm gỗ của Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế cao, như gỗ dán bị áp thuế bán phá giá hơn 183% và thuế chống trợ cấp từ 23% đến gần 195%. Sau đó hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế.

“Nếu công ty nào có hợp đồng thuê nhân viên kỹ thuật bên Trung Quốc thì cơ quan chức năng nên đi sâu vào điều tra vì nhiều khả năng đó là trường hợp núp bóng đầu tư. Cũng có những công ty thuê nhân viên kỹ thuật là Trung Quốc thật nhưng số lượng rất ít, không nhiều”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, không giấu được sự lo lắng.

Đầu tư núp bóng cũng xảy ra dưới hình thức các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng, nhân công, người quản lý của Việt Nam, nhập khẩu các bộ phận của đồ gỗ từ Trung Quốc sau đó thực hiện lắp ráp các bộ phận này tại Việt Nam trước khi xuất khẩu đi Mỹ.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, bối cảnh xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ theo đà tăng lên, trong khi nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc cũng tăng lên đã và đang đặt xuất khẩu gỗ Việt trước nhiều rủi ro, nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Rủi ro này sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của ngành trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp hợp tác với các đối tác tiếp tục theo sát tình hình và cần đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả hơn nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ.

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Tình hình đầu tư núp bóng, đầu tư chui đang diễn ra khá nghiêm trọng nhưng để xử lý được rất khó. Vì hiện nay quy định thế nào là Made in Vietnam cũng chưa rõ. “Ví dụ như quy định 30% công đoạn làm ra sản phẩm phải ở Việt Nam thì ngành gỗ vốn đặc thù, chỉ công đoạn sơn thôi cũng chiếm đến 18%-20%. Còn lại các khâu đóng gói, bao bì, công cán... tổng lại cũng chiếm 30%. Như vậy chứng minh họ vi phạm như thế nào là không dễ” - ông Liêm nêu ý kiến.

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đang xây dựng bộ tiêu chuẩn cho gỗ nhập khẩu về Việt Nam để gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ thành lập nhóm công tác, phối hợp với địa phương để giải quyết tình trạng này.

Lâm Nghi