Đâu là chiến lược hoàn hảo đối phó với biến thể Omicron?

11:05 15/12/2021

Sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời cảnh tỉnh cho toàn thế giới chỉ xây dựng "hàng rào" bảo vệ cho quốc gia thôi là chưa đủ.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố và xác định chủng vi rút mới được phát hiện tại Nam Phi là một "biến thể đáng lo ngại" vào cuối tháng 11 vừa qua, anh Anthony Ramos - Giám đốc điều hành doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông lo lắng sẽ tiếp tục mắc kẹt nếu biên giới đóng cửa. Gia đình Ramos gồm hai vợ chồng và con gái ba tuổi đã phải sống trong khách sạn kể từ tháng 6 để chờ làm việc chính thức tại trụ sở mới gần Osaka. Cũng trong tháng 11, Nhật Bản mở cửa biên giới, Ramos đã đặt chuyến bay cho ngày 3/12. Thế nhưng rất nhanh, Thủ tướng Fumio Kishida thông báo, ngày 29/11 Nhật Bản sẽ đóng cửa một lần nữa đối với tất cả các du khách nước ngoài.

Số ca mắc Omicron tại khu vực châu Á
Số ca mắc Omicron tại khu vực châu Á. (Ảnh: Nikkei Asia Research)

Trên khắp thế giới, sự xuất hiện của biến thể Omicron phủ bóng đen lên một đợt dịch mới. Chỉ một tháng trước thôi, tưởng chừng như làn sóng biến thể Delta đang dần suy yếu tại châu Á. Hiện tại, một số quốc gia bên ngoài khu vực ghi nhận tốc độ lây nhiễm mới khó kiểm soát. Chẳng hạn, tại Vương quốc Anh, cơ quan An ninh Y tế nước này ước tính số ca mắc Omicron tăng lên 200 nghìn trường hợp/ngày. Theo quan điểm của WHO, các quốc gia nên thận trọng và có các biện pháp phù hợp. Lệnh cấm du lịch và nhập cảnh của Nhật Bản tuy rằng nhằm mục đích kiểm soát tốc độ lây truyền vi rút nhưng mặt khác gây ra nhiều tranh cãi sẽ làm ảnh hưởng kinh tế quốc gia nói riêng và khu vực châu Phi nói chung. Nhiều nước láng giềng châu Á chỉ tăng cường các biện pháp hiện có và đẩy nhanh các chương trình tăng cường vắc xin.

Hầu hết các chính phủ trong khu vực đang gắn bó với chiến lược mở cửa trở lại nền kinh tế. Singapore là trung tâm tài chính và du lịch của Đông Nam Á mở cửa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ theo đường du lịch đã được tiêm chủng. Thái Lan đẩy mạnh chào đón khách quốc tế quay trở lại, bao gồm chương trình "Sandbox" không kiểm dịch đến Phuket. Do đó, biến thể Omicron tung hoàng hiện nay tương tự như lần đầu tiên biến thể Delta xuất hiện, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng không quốc gia nào thoát khỏi đại dịch chỉ bằng cách bảo vệ người dân trong nước. Phản ứng chính sách như đẩy nhanh chương trình tăng cường vắc xin ở các nước giàu sẽ chỉ làm sai lệch thêm bất bình đẳng vắc xin toàn cầu, vốn là nguyên nhân làm gia tăng bệnh dịch ở miền nam châu Phi.

Theo Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP và Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia: "Omicron là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng toàn cầu. Bạn nghĩ rằng chỉ cần xây một bức tường chắn quốc gia với các nước xung quanh là đủ để bảo vệ. Thực tế đã chứng minh chiến lược này không khả thi".

Đâu là chiến lược hoàn hảo?

Kể từ khi loạt lệnh cấm đi lại có hiệu lực, Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa đã lên tiếng bảo vệ đất nước trước động thái của nhiều cường quốc. Ông gọi tên Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc... và bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước các quyết định cấm cửa đối với khu vực có dịch. Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus ủng hộ ông Ramaphosa và cám ơn Nam Phi đã phát hiện kịp thời biến thể Omicron. Ông phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới: "Tôi vô cùng lo ngại rằng những quốc gia như Nam Phi đang bị trừng phạt vì đã làm điều đúng đắn".

Sân bay Kansai tại Nhật Bản vắng khách sau khi lệnh cấm được ban hành
Sân bay Kansai tại Nhật Bản vắng khách sau khi lệnh cấm được ban hành. (Ảnh: Tomoki Mera)

Đồng thời, giới khoa học chỉ ra lệnh cấm du lịch của các nước còn nhiều kẽ hở và không đạt hiệu quả mong muốn. Tiến sĩ Bettie Steinberg tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein của Northwell Health phân tích như sau: "Đóng cửa toàn bộ và cấm du lịch từ sớm cũng là một biện pháp tốt. Nhưng trên thực tế trước khi các quy định được ban hành, đã có một, hai hoặc vài trường hợp từ châu Phi đã nhập cảnh vào nước khác. Làm như vậy có cũng như không". Nhà dịch tễ học El-Sadr cho biết, khuyến khích tiêm phòng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, xét nghiệm hàng loạt và truy tìm liên hệ sẽ hiệu quả hơn lệnh cấm du lịch. Bà cũng nhấn mạnh chiến lược Zero - Covid mà các nước như Trung Quốc và New Zealand đã áp dụng có thể hiệu quả trong những ngày đầu đại dịch nhưng chắc chắn không phải cách làm lâu dài: "Rất khó để hoàn toàn ngăn dòng người luân chuyển. Duy trì lý tưởng Zero-Covid mà không tác động đến vấn đề nhân đạo, kinh tế, hạn chế thương mại gần như không thể thực hiện được".

Vắc xin có còn tác dụng?

Nghiên cứu lớn nhất về Omicron được công bố, cho đến nay phần lớn ủng hộ giả thuyết biến thể mới dễ lây truyền nhưng ít nghiêm trọng hơn, tuy nhiên không loại trừ khả năng kháng vắc xin và dễ bị tái nhiễm. Discovery Health, công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất Nam Phi đã khảo sát 211.000 trường hợp dương tính với vi rút Corona, trong đó 78 nghìn người mắc Omicron với nguy cơ nhập viện thấp hơn 29% so với các biến thể trước đó. Các chủng vi rút đột biến có thể phát sinh và nhân số lượng ở bất kỳ thời điểm nhưng chỉ một số ít bị liệt vào danh sách "biến thể cần quan tâm". Nhà dịch tễ học Singapore, Tiến sĩ Leong Hoe Nam cho hay: "Trong cùng một nhóm người mắc Delta và Omicron, người nhiễm Omicron sẽ lây cho nhiều người khác hơn. Nếu đặt hai chủng trong cuộc chạy đua, tốc độ chạy của Omicron sẽ nhanh hơn. Mặt khác do biến thể Delta đã tồn tại được một thời gian, con người tạo ra miễn dịch chống lại chủng này nhưng Omicron có khả năng phá vỡ hàng phòng ngự nói trên. Đó là lý do tại sao xảy ra rất nhiều trường hợp tái nhiễm ở Nam Phi".

Trong khi các nước châu Phi chứng kiến số người nhập viện gia tăng, các triệu chứng ghi nhận chủ yếu là chảy nước mũi thể nhẹ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Omicron yếu hơn Delta mà hiểu đơn giản là gây các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Ông Steinberg cho biết, sẽ mất từ ​​hai đến ba tuần để tìm hiểu thêm về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của Omicron.

Dù chưa rõ khả năng kháng vắc xin của Omicron nhưng tiêm chủng vẫn là lựa chọn hàng đầu
Dù chưa rõ khả năng kháng vắc xin của Omicron nhưng tiêm chủng vẫn là lựa chọn hàng đầu. (Ảnh: AP)

Giới khoa học chỉ ra tiêm vắc xin tăng cường có khả năng bảo vệ tốt hơn khỏi chủng vi rút mới. Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Á đã giảm thời gian giữa các mũi tiêm nhắc lại xuống còn ba tháng. Úc cũng đẩy nhanh giai đoạn chờ đợi từ sáu tháng còn năm tháng. Vi rút ở trong cơ thể người càng lâu thì càng có cơ hội sinh sôi, biến thể mới xuất hiện càng nhanh. Đó là lý do tại sao vắc xin đóng vai trò tiên quyết. Như tiến sĩ Leong đã nói: "Biến thể cần phải nhân bản để đột biến. Để nhân bản vi rút cần lây nhiễm. Nếu không thể lây nhiễm, các chủng sẽ không thể tái tạo".

Khoảng trống vắc xin

Cùng ngày các nhà khoa học Nam Phi xác định sự tồn tại của biến thể Omicron, ông Tedros một lần nữa nhấn mạnh "tình trạng bất bình đẳng vắc xin càng kéo dài, vi rút càng có nhiều cơ hội lây lan và phát triển theo hướng chúng ta không thể dự đoán trước". Nam Phi mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 25,2% dân số đủ điều kiện, tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp đã góp phần làm cho chủng vi rút này lây lan nhanh chóng. 

Theo WHO, chỉ có 44,3% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, còn rất xa để đạt được mục tiêu miễn dịch 70% đến 80%. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận vắc xin cao nghiêm về các nước giàu có khi chỉ khoảng 0,6% nguồn cung vắc xin toàn cầu được chuyển đến các nước thu nhập thấp, các nước G-20 nhận được hơn 80%.

Biến thể mới có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc đua giành vắc xin của các quốc gia phát triển liên tục đẩy nhanh các chương trình tăng cường và làm lệch hướng phân phối toàn thế giới. Ông Tedros cho biết trong cuộc họp báo ngày 14/12 tại Geneva: "WHO lo ngại nhiều nước lặp lại hành vi tích trữ vắc xin như hồi đầu năm. Chúng ta không chỉ chống lại các biến thể mà còn phản đối mất cân bằng trong phân phối vắc xin. Như vậy cũng có nghĩa là nếu chúng ta chấm dứt bất bình đẳng, đại dịch sẽ chấm dứt".

Bên cạnh đó, tích trữ vắc xin ở các nước giàu có chỉ là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước đang phát triển. Quá trình phân phối cũng đặt ra nhiều thách thức, chẳng hạn như đảm bảo điều kiện kho lạnh lưu trữ cũng như tình trạng thiếu nhân viên y tế đặt ra nhiều rào cản. Đáng lo ngại nhất là khả năng kháng vắc xin của Omicron. Điển hình như Đan Mạch đã tiêm đầy đủ cho khoảng 80% dân số nhưng có đến 75% trường hợp Omicron là những người đã tiêm hai mũi, 9% khác nằm trong số những người được tiêm nhắc lại. Trong số 43 trường hợp omicron ở Mỹ tính đến ngày 10/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết 34 người đã được tiêm phòng đầy đủ và 14 người tiêm tăng cường, tức là dù tiêm hai mũi nhưng cũng không thể bảo vệ hoàn toàn. 

Theo các nhà dịch tễ học, nguồn gốc của Omicron vẫn còn là một ẩn số nhưng protein đột biến đã mang lại cho chủng mới lợi thế tiến hóa tự bám chặt lấy tế bào người và làm tổn hại hệ thống miễn dịch. Steinberg cho biết: "Tất cả những đột biến đó làm tăng khả năng kháng vắc xin vì các kháng thể không còn phù hợp với biến thể mới. Về mặt lý thuyết, các kháng thể phải khớp giống như một chiếc chìa khóa vừa vặn tra trên ổ khóa để ngăn vi rút xâm nhập vào tế bào".

Hồng Kông, một trong những vùng lãnh thổ nghiêm ngặt nhất thế giới ghi nhận tám trường hợp nhiễm omicron tính đến thứ ba. Bảy bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ, trong đó sáu người không có triệu chứng. Tuy nhiên, Giáo sư Jin Dong-Yan từ trường Khoa học Y sinh của Đại học Hồng Kông cho hay, dù ít hay nhiều vắc xin vẫn có hiệu quả. Không chỉ tích cực vận động người dân tiếp nhận tiêm chủng, các chính phủ cần nâng cao lòng tin của công chúng cho đến khi niềm tin được bao phủ trên toàn thế giới. Bà Steinberg chia sẻ: "Đây là đại dịch đầu tiên có quy mô lớn đến như vậy. Chúng ta có lựa chọn vắc xin và tôi nghĩ toàn cầu cần tập trung vào hệ thống phân phối và vận chuyển hơn bao giờ hết".

TL