Đằng sau 2 “cơn gió ngược”, nền kinh tế chịu rất nhiều yếu tố bất định

17:02 17/05/2023

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đằng sau 2 “cơn gió ngược”, nền kinh tế Việt Nam đang chịu rất nhiều yếu tố bất định như rủi ro tài chính, nợ xấu

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện nay, Việt Nam phải chịu tác động từ 2 “cơn gió ngược” từ bên ngoài.

S Võ Trí Thành cho rằng, đằng sau 2 “cơn gió ngược”, nền kinh tế Việt Nam đang chịu rất
TS Võ Trí Thành cho rằng, đằng sau 2 “cơn gió ngược”, nền kinh tế Việt Nam đang chịu rất nhiều yếu tố bất định.

Cơn gió thứ nhất là sự suy giảm kinh tế toàn cầu thể hiện rất rõ qua xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cơn gió thứ hai là chúng ta đang phải chịu tác động từ các điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo trong giai đoạn đồng tiền đắt hơn, chặt chẽ hơn, bên cạnh những áp lực khác.

“Đằng sau 2 “cơn gió ngược” đó có rất nhiều yếu tố bất định như rủi ro tài chính, nợ xấu, cạnh tranh địa chính trị và thậm chí là cả yếu tố biến đổi khí hậu”, ông Thành nói.

Ông Thành cho biết, tiêu dùng, đầu tư, thương mại và xuất khẩu của Việt Nam đang suy giảm, trong đó, xuất khẩu đang giảm rất mạnh. Đầu tư tư nhân chững lại, đầu tư Nhà nước thì tiến độ thực hiện giải ngân chậm. Hoạt động đầu tư nước ngoài chưa được như mong muốn, có xu hướng giảm ít nhiều. Tiêu dùng là động lực còn lại cho tăng trưởng kinh tế nhưng tốc độ tăng tiêu dùng hiện nay cũng đang trong xu hướng giảm. Để giải quyết trong ngắn hạn, vai trò của đầu tư công trong phát triển ngắn hạn là cực kỳ quan trọng. Nguồn tiền rất lớn của chúng ta chưa tiêu được, làm sao phải đẩy nhanh đầu tư công. Đây là khâu then chốt.

Về tiêu dùng, ngoài việc giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Thành, cần hạn chế sự sa thải, mất việc làm. Điều hết sức quan trọng nữa là cần thu hút du lịch từ nước ngoài, tạo kỳ vọng kinh tế dần quay lại sự phục hồi, cho dù rất khó khăn.

Về xuất nhập khẩu, chúng ta đang cố gắng đa dạng hóa thị trường, tận dụng thị trường đang phục hồi tốt hơn như Trung Quốc. Đây là bước đi cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về thị trường tài chính – tiền tệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Trường hợp người gửi tiền ồ ạt đi rút tiền thời gian vừa qua ở Việt Nam cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ cho thấy hoạt động tài chính ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro, mà rủi ro ấy lại mang tính lan tỏa rất cao, khác với các lĩnh vực khác. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng của hệ thống ngân hàng, bảo đảm tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng gắn với giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng luôn là ưu tiên của bất kỳ quốc gia nào trong quản lý hệ thống tài chính. Hoàn thiện hệ thống giám sát, nâng cao năng lực, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn là một yêu cầu quan trọng. Quá trình này tại Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong chương trình tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt từ giai đoạn 2012 đến nay.

“Một vấn đề nữa mà tôi cần nhấn mạnh đối với hệ thống tài chính – ngân hàng là vai trò quan trọng của quản trị bản thân của các hệ thống ngân hàng. Ở đây có rất nhiều bài học. Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí tiêu chuẩn giám sát vĩ mô, cần nâng cao năng lực quản trị bản thân của hệ thống ngân hàng. Việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ điều kiện quy chuẩn của các cơ quan giám sát cộng với giám sát là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho rằng, yếu tố truyền thông với thông tin đầy đủ, minh bạch cũng sẽ tạo niềm tin, tránh được rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bài học vừa qua của hệ thống ngân hàng cho thấy, hệ thống ngân hàng có thể chuyên nghiệp nhưng cần thận trọng. Thận trọng không bao giờ là thừa.

Hoài Anh