Dẫn đầu hút vốn FDI cao nhất nước 11 tháng đầu năm, TP.HCM đầu tư mạnh nhất về công nghiệp chế biến, chế tạo

17:05 08/12/2022

Tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 3,5 tỷ USD, HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề được đầu tư nhiều nhất với tổng vốn đầu tư bao gồm cả vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần đạt khoảng 993,7 triệu USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Intermnet.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Intermnet.

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm.Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược thuận lợi, dân số đông, lao động có trình độ chuyên môn, là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước cũng như là một đô thị đa văn hóa thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch. Chính vì vậy, Thành phố luôn là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế từ đầu năm đến 11/2022, toàn thành phố có 807 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký đạt 477 triệu USD; có 2.219 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 1,5 tỷ USD; 164 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 1,5 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nếu như trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà Thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề được đầu tư nhiều nhất ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư bao gồm cả vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần đạt khoảng 993,7 triệu USD. Trong đó, thành phố đã cấp mới cho 14 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 26,1 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 18 dự án, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 915 triệu USD; chấp thuận cho 66 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 52,7 triệu USD.

Đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo, các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là ĩnh vực được đầu tư nhiều thứ hai ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư đạt 827,6 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, tổng vốn đầu tư bao gồm cả vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần vào những lĩnh vực này lần lượt là 486 triệu USD, 457 triệu USD và 239 triệu USD.

Nếu phân theo quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào TP.HCM, Singapore đã đầu tư nhiều nhất cho thành phố trong 11 tháng năm 2022, với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỷ USD. Trong đó, 148 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 159,1 triệu USD; 37 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 1,1 tỷ USD; 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 593 triệu USD.

Quốc gia đầu tư vào TP.HCM cao thứ hai trong 11 tháng đầu năm là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đạt 424 triệu USD. Trong đó, 112 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 54,9 triệu USD; 31 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 86,5 triệu USD; 848 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 283 triệu USD.

Trong 11/2022 TP.HCM nhận được dòng vốn đầu tư từ British Virgin Islands, Nhật Bản và Malaysia, với tổng vốn đầu tư lần lượt là 240 triệu USD, 180 triệu USD và 161 triệu USD.

Tuy đang có những lợi thế trong thu hút đầu tư, Thành phố cũng đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động…mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới nhưng để có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn FDI mới, tiềm năng, Thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…

Để thu hút FDI hiệu quả và bền vững, chuyên gia cho rằng các chính sách như ưu đãi thuế là cần nhưng không đủ, TP Hồ Chí Minh cần dựa vào nền tảng sản xuất trình độ cao - bao gồm các yếu tố như con người, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành. Cụ thể là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cả về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và các đề án về khoa học - công nghệ.

 D.A (Tổng hợp)