Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam: Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam là lực lượng lao động hùng hậu

14:55 29/03/2021

45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam đã phát triển liên tục. Hai nước đã cùng hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt triển vọng giao thương giữa hai nước càng được thúc đẩy sâu rộng hơn thông qua Hiệp định EVFTA. Đại sứ Guido Hildner đã có những chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về quan hệ kinh tế song phương,.

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác trao đổi thương mại và thu hút đầu tư các doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu nói chung và các doanh nghiệp Đức nói riêng thông qua việc thực thi Hiệp định EVFTA?

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner.

Ông Guido Hildner: Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 10,9 tỉ USD, giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,8 tỉ USD. So với nửa đầu năm 2019, trong nửa đầu năm 2020 dù bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 1,6%. Hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã cải thiện hoạt động trao đổi thương mại và kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với tất cả các doanh nghiệp các nước trong khối Liên minh châu Âu. Các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường nước ngoài, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ phải tuân thu những quy chuẩn chất lượng để có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới. Và đối với Đức, các sản phẩm của Việt Nam đều được đánh giá tốt 

Trong năm 2020, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư hơn 2,1 tỉ USD vào Việt Nam (tăng 5,8% so với năm 2018) với một hàm lượng rất cao các công nghệ hiện đại nhất. Hiện, 380 công ty Đức đã có mặt tại Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam EVFTA sẽ thúc đẩy những khuynh hướng phát triển này và hy vọng, trong tương lai, hợp tác thương mại Đức - Việt sẽ tăng với EVFTA.

Theo tôi, Đức sẽ tiếp tục duy trì hợp tác các dự án đầu tư tại Việt Nam với 3 trọng tâm: Môi trường, năng lượng, dạy nghề.

Được biết, để có thể đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào với thị trường châu Âu đòi hỏi phải có những quy chuẩn khắt khe, bên cạnh đó do doanh nghiệp Việt chưa được trang bị đầy đủ thông tin và tuân thủ những tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao. Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tận dụng được tốt Hiệp định EVFTA thời gian sắp tới? 

Ông Guido Hildner: Nền kinh tế Đức được biết đến nổi tiếng thông qua nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn tuy nhiên xương sống của nền kinh tế Đức chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi vì họ có sự chăm chỉ và có sự linh hoạt, sáng tạo khi làm việc. Chính vì thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ. Tôi rất vui khi chúng ta thực hiện được Hiệp định EVFTA để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, mang lại nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả 2 nước có thể cùng phát triển. Một trong những thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là quá trình tiếp cận với các thị trường nước ngoài cũng như đầu tư vào thị trường nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, các doanh nghiệp Việt Nam  nên cẩn thận nghiên cứu kĩ thị trường trước khi muốn tiếp cận đầu tư hoặc xuất khẩu sang thị trường các nước, ngoài ra cũng nên xem xét các khâu trung gian khi vận chuyển vào châu Âu. Từ đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ tất cả các yêu cầu nghiêm ngặt và đề ra các chiến lượng tiếp thị phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Đáng nói nhất, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam là sự thiếu thông tin thị trường Liên minh châu Âu (EU), cũng như chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU... Điều này xuất phát từ việc hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thụ động, chủ yếu chỉ ngồi tại Việt Nam và chờ đơn đặt hàng từ bên ngoài. Chính vì thế theo ý kiến của tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ hơn các yêu cầu của thị trường châu Âu, cũng như các yêu cầu thỏa thuận trong EVFTA.

c
Ông Guido Hildner - Đại sứ Đức tại Việt Nam, trong cuộc họp báo nhân kỷ niệm Ngày thống nhất nước Đức diễn ra tại Hà Nội hôm 30/9/2020.

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư Đức, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam là lực lượng lao động hùng hạy, vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa một khu vực tăng trưởng kinh tế rất mạnh. Vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thời gian sắp tới là trình độ nguồn nhân lực, đó là vấn đề chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phru Việt Nam, yêu cầu của chúng tôi là khá cao. Trong thời gian tới, lĩnh vực đào tạo - dạy nghề cũng là một trong những trọng tâm mà hai nước cần đẩy mạnh hợp tác. 

Theo ý kiến của ông, những mặt hàng nào của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và cả thị trường Đức sắp tới?

Ông Guido Hildner: Theo tôi, các sản phẩm hoạt động mạnh mẽ cho đến nay sẽ tiếp tục thống trị các số liệu thương mại sẽ là các mặt hàng về nông nghiệp, những sản phẩm về nông nghiệp của Việt Nam rất thu hút thị trường ở Đức nói chung và cả EU nói riêng. Tuy nhiên, không chỉ dừng ở các sản phẩm nông nghiệp, EVFTA cũng mang đến cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu nhiều sản phẩm khác như giày dép, dệt may, hải sản, cà phê,...

Thông qua Hiệp định EVFTA này, tôi cũng nhận thấy đây là một hiệp định rất tốt và là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào thị trường quốc tế. 

Trong 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam đã phát triển liên tục. Việc tiếp tục thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược được thỏa thuận năm 2011 bằng một Kế hoạch hành động hai năm 2020/2021 tạo ra một cơ sở cho một quan hệ hợp tác hướng tới tương lai.

Đức và Việt Nam đã hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó bảo vệ môi trường và cung cấp năng lượng bằng cách tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng là những trọng tâm.

Hiện có 163 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học Đức và Việt Nam đang được thực hiện. Luật nhập cư nhân lực lao động chuyên môn của Đức có hiệu lực từ tháng 3.2020 mở ra những khả năng việc làm mới, hấp dẫn tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.

Trinh Thu