Đại dịch mang lại một số thay đổi tích cực cho sức khỏe của người Hàn Quốc

11:39 03/09/2021

Nhiều người lo sợ rằng họ sẽ tăng cân nhiều khi ở nhà nhiều hơn do đại dịch COVID-19, nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy điều này không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, người Hàn Quốc đã trở nên khỏe mạnh hơn dựa trên một số xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm lượng đường trong máu và cholesterol, và điều này có thể một phần nhờ tác dụng tích cực của việc ăn uống tại nhà.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Song Sang-wook về y học gia đình tại Đại học Công giáo Hàn Quốc, Bệnh viện St. Vincent đã theo dõi dữ liệu của 1.867 người đã kiểm tra sức khỏe hàng năm liên tục tại bệnh viện vào năm 2019 và 2020. Kết quả cho thấy một người nặng trung bình 67,1 kg vào năm 2019 trước đại dịch và trọng lượng trung bình chỉ tăng nhẹ lên 67,3 kg vào năm sau giữa đại dịch. Chỉ số khối cơ thể (BMI) cho biết tỷ lệ chất béo trong cơ thể của một cá nhân, cũng tăng lên 24,3 từ 24,2, nhưng nhóm nghiên cứu chỉ ra đây là mức tăng không đáng kể.

Đồng thời, huyết áp trung bình của các đối tượng cũng tăng lên, nhưng ông Song cho biết điều này là do yếu tố tuổi tác. Ông nói: “Huyết áp trung bình của họ tăng trung bình 1 mmHg sau đại dịch COVID-19, nhưng nhiều khả năng là do họ đã tăng thêm một tuổi”. Thay vào đó, ông chỉ ra những thay đổi tích cực. Đường huyết lúc đói giảm từ 99,9 mg / dl xuống 97,4 mg / dl. Cholesterol HDL, thường được gọi là cholesterol ‘tốt’ cũng tăng lên 60,6 mg / dl từ 57,6 mg / dl”.

Chuyên gia giải thích: “Giảm lượng đường trong máu lúc đói và gia tăng của mức HDL cholesterol có thể là do những thay đổi trong lối sống”. Có vẻ như nhiều người đã theo dõi chế độ ăn kiêng, tập thể dục nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch kéo dài. Ví dụ, một cuộc khảo sát của Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc cho thấy, 21% người Hàn Quốc thường xuyên tự chuẩn bị bữa ăn ở nhà hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. Sự thay đổi đặc biệt đáng chú ý ở những người độ tuổi 50 trở lên. Một báo cáo của Nielsen Korea cũng cho thấy, 68,1% người Hàn Quốc giảm tần suất ăn ở ngoài trong khi 58,8% cho biết họ tự nấu đồ ăn ở nhà.

Nhóm nghiên cứu lưu ý: “Khi người dân giảm ăn ở ngoài, họ có thể ăn các món ăn Hàn Quốc làm từ gạo thường xuyên hơn, giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, calo và natri cao hơn”. Đặc biệt là đối với nam giới, giảm uống rượu dường như cũng có tác động tích cực. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế trong nghiên cứu vì đối tượng tham gia chỉ bao gồm những người tự nguyện kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, có nghĩa là nhóm người thường quan tâm đến sức khỏe của mình ở mức độ cao hơn. Nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí Thực hành Gia đình Hàn Quốc và được Diễn đàn Thực phẩm Hàn Quốc giới thiệu.

TL