Đại dịch Covid-19 mang lại 3 bài học đắt giá nổi bật

07:17 20/01/2021

Bài học về sự chuẩn bị và ứng phó đối với đại dịch; sức khỏe của con người, động vật và hành tinh có mối liên hệ mật thiết và thế giới cần một WHO mạnh mẽ..

Những diễn biến gia tăng đáng lo ngại của Đại dịch Covid-19, cùng với đó là sự tàn phá, thậm chí là huỷ diệt do đại dịch đang mang lại cho nhân loại những đau thương và thiệt hại to lớn về kinh tế.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 9/7 đã khóc và kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để chống lại đại dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 9/7 đã khóc và kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để chống lại Đại dịch Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo Đại dịch COVID-19 đã bước vào “giai đoạn đáng lo ngại”.

Phát biểu tại phiên họp 148 của ban lãnh đạo WHO, ngày 18/1, Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định rằng, đến nay, Đại dịch Covid-19 đã để lại 3 bài học cho tất cả các nước thành viên của WHO cũng như Liên hợp quốc. Các nước cần có sự khiêm tốn học hỏi, thay đổi, đổi mới và phát triển.

Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ, bài học đầu tiên chính là sự chuẩn bị và ứng phó đối với đại dịch. Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ tấn công bất chấp đó là những cường quốc lớn nhất trên thế giới, bất chấp đó là những quốc gia giàu có. Dịch bệnh Covid-19 đẩy rất nhiều quốc gia vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc đầu tư vào năng lực chuẩn bị khẩn cấp.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận các công cụ trước đây của các chuyên gia về năng lực chuẩn bị quốc gia, dù có giá trị nhưng lại không đủ năng lực cho việc chống lại và diệt dập đại dịch. Do đó, ông đề xuất một cơ chế mới có tên gọi Đánh giá Y tế và Sự chuẩn bị trên toàn cầu, để tăng cường năng lực chuẩn bị dựa trên lòng tin và trách nhiệm giải trình chung.

Dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ tấn công bất chấp đó là những cường quốc lớn nhất trên thế giới

Dịch bệnh Covid-19 đã bất ngờ tấn công bất chấp đó là những cường quốc lớn nhất trên thế giới. (Ảnh: minh hoạ)

Sức khỏe của con người, động vật và hành tinh có mối liên hệ mật thiết! Đây chính là bài học đắt giá thứ hai cho nhân loại. Thống kê cho thấy, 70% các căn bệnh mới được phát hiện trong những năm gần đây có liên quan đến sự lây truyền từ động vật sang người.

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người thông qua việc tăng cường giám sát và quản lý rủi ro dựa trên mối liên hệ giữa con người, động vật và hệ sinh thái.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn nạn phá rừng, thâm canh bừa bãi; tình trạng ô nhiễm trầm trọng và sự biến đổi khí hậu khôn lường đang réo lên những hồi chuông báo động: Thế giới cần giải quyết hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con người, động vật và Trái đất!

Tổng Giám đốc WHO đưa ra bài học cuối cùng do dịch Covid-19 mang lại là thế giới cần một WHO mạnh mẽ. Năng lực cung cấp tài chính bền vững của WHO đang có vấn đề và đây chính là rào cản lớn nhất của tổ chức. Điều này chắc chắc các quốc gia thành viên đều thấu tỏ!

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc WHO Tedros đã đề nghị quỹ WHO Foundation cấp 1 tỷ USD trong 3 năm tới, trong đó 70-80% số tiền này sẽ dành cho WHO, trong khi số tiền còn lại cho các tổ chức y tế công sẽ tập trung vào xã hội dân sự.

Trong một diễn biến khác, Tổng Giám đốc Tedros nhận định, dù đã một năm kể từ khi thế giới bước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất của thời đại, nhưng các nước vẫn đang đối mặt với rủi ro không thể lường trước.

Liên quan vấn đề vắc-xin ngừa Covid-19, Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, tổ chức này đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer để đưa vắc-xin của hãng vào cơ chế COVAX do WHO khởi xướng nhằm đẩy nhanh công tác phân phối đến các nước nghèo. Cố vấn Aylward khẳng định WHO đang thảo luận chi tiết với Pfizer, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tổ chức này sẽ sớm tiếp cận được sản phẩm.

Theo kế hoạch, việc phân phối vắc-xin theo cơ chế COVAX tới những nước nghèo và thu nhập trung bình sẽ bắt đầu từ tháng 2, với khoảng 2-3 tỷ liều vắc-xin được phân phối trong năm 2021. COVAX đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3, có thể phân phối 135 triệu liều vắc-xin tới 92 nước thu nhập thấp và trung bình trong chương trình.

Theo WHO, hiện nay, các y tá và bác sĩ đã hiểu rõ hơn về cách tốt nhất để điều trị những người bị nhiễm virus Corona so với thời điểm bắt đầu đại dịch. “Tuy nhiên, khi công suất của bệnh viện đạt và vượt quá, đó là một tình huống rất khó khăn và nguy hiểm cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế”,Tiến sĩ Tedros cảnh báo.

Cơ quan Liên hợp quốc tin rằng, điều quan trọng là tất cả các chính phủ phải tập trung vào những nguyên tắc cốt lõi giúp phá vỡ các chuỗi lây truyền và cứu lấy các mạng sống cùng sinh kế. “Điều này có nghĩa là chủ động phát hiện ca bệnh, điều tra theo cụm, cách ly tất cả các ca bệnh, cách ly người tiếp xúc, bảo đảm chăm sóc lâm sàng tốt, hỗ trợ và bảo vệ các nhân viên y tế, bảo vệ bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương”,Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Nhân loại đã và sẽ còn đối mặt với đại dịch trong một thời gian dài, nhưng Tổng Giám đốc WHO nhận định:“Có hy vọng rằng nếu chúng ta cùng nhau đưa ra những lựa chọn thông minh, chúng ta có thể giảm thiểu các ca bệnh, hãy  bảo đảm rằng các dịch vụ y tế thiết yếu vẫn tiếp tục phục vụ và trẻ em vẫn có thể đi học. Tất cả chúng ta đều có vai trò”.

Tổ chức Y tế Thế giới đề cao khuyến cáo về khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, ho an toàn, tránh đông người và gặp người bên ngoài khi có thể và mở cửa sổ, bảo đảm thông gió tốt với không khí sạch.

Nhận thấy cộng đồng quốc tế đã mệt mỏi khi ứng phó với đại dịch, song Tổng Giám đốc WHO vẫn lưu ý virus đã cho thấy rằng khi chúng ta mất cảnh giác, nó có thể bùng phát trở lại với tốc độ chóng mặt và đe dọa các bệnh viện và hệ thống y tế.

“Bằng cách làm việc cùng nhau ngày hôm nay và bằng cách chia sẻ các sản phẩm y tế cứu sống trên khắp thế giới, chúng ta có thể cứu lấy nhiều sự sống và vượt qua đại dịch này”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Trần Linh (T/h)