Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt hơn 27,9 tỷ đồng

05:44 28/06/2022

Sáng 27/6, TAND TP. Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Phương Mai (SN1960, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...

Tiền thân của Công ty cổ phần tư vấn Kiến trúc Đô thị Hà Nội (UAC) là một doanh nghiệp thuộc Sở xây dựng Hà Nội, được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam từ năm 1976. Từ tháng 7 năm 2004, UAC được chuyển sang trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị và đã tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của nhà nước và thành phố. 

Quang cảnh phiên xét xử sáng 27/6
Quang cảnh phiên xét xử sáng 27/6.

Cáo trạng cho biết, UAC được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ vốn góp của Nhà nước là 51% do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) quản lý. Đại diện theo pháp luật của UAC là bị cáo Nguyễn Phương Mai, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị UAC trong thời gian từ ngày 3/12/2009 đến ngày 9/1/2013.

Bị cáo Nguyễn Phương Mai bị khởi tố từ năm 2014. Trải qua gần 8 năm, sau nhiều phiên tòa tranh cãi về trách nhiệm dân sự, tình tiết vụ án dần được sáng tỏ.

Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2012, lợi dụng chủ trương huy động vốn của UAC để đầu tư xây dựng dự án tại NO4 Khu đô thị Đông Nam (đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là người đại diện theo pháp luật của UAC, Nguyễn Phương Mai đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao thực hiện việc ký kết các thỏa thuận hợp tác, thỏa thuận vay vốn, hợp đồng vay vốn của 13 cá nhân với mục đích được mua nhà tại dự án NO4 nói trên.

Cụ thể, ngày 7/9/2011, Đại hội đồng cổ đông của UAC mới ban hành Nghị quyết thông qua việc vay vốn để đầu tư dự án. Mặc dù HĐQT công ty không có chủ trương huy động vốn bên ngoài nhưng bị cáo Mai đã lợi dụng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT tự ý lập, ký thỏa thuận vay vốn, hợp đồng huy động vốn với các cá nhân bên ngoài. Bị cáo còn lập các phiếu thu giả, giấy nhận tiền, giấy nhận cọ, giả chữ ký kế toán, thủ quỹ trên các phiếu thu để chiếm đoạt hơn 26,3 tỷ đồng của 13 người. Số tiền này bị cáo không đưa vào hệ thống sổ sách quản lý, không nhập tiền vào quỹ công ty mà sử dụng chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Mai thừa nhận đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của các bị hại. Chỉ có 2 trường hợp nộp tiền là bị cáo nộp vào tài khoản công ty.

Bị cáo Nguyễn Phương Mai - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội trong phiên xét xử lần trước (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Phương Mai - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội trong phiên xét xử lần trước (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN).

Bị cáo thừa nhận tự mình thực hiện hành vi phạm tội, tự soạn hợp đồng, mua phiếu thu tiền ở cửa hàng văn phòng phẩm. Ban đầu, bị cáo giả chữ ký của kế toán, thủ quỹ. Sau đó bị cáo tự đặt làm con dấu, chữ ký để đóng đấu. Khi bị phát hiện, bị cáo đã vứt bỏ con dấu trên.

Ngoài ra, do làm ăn thua lỗ, Nguyễn Phương Mai tự nhận là có quan hệ thân thiết với nhiều đồng chí là lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội và các ngành có liên quan về cấp phép xây dựng, nhằm tạo lòng tin và chiếm đoạt gần 1,6 tỷ đồng của hai bị hại thông qua việc nhận thực hiện cấp Giấy phép xây dựng nhà, ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn về việc thay đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất là đất ở lâu dài. Tuy nhiên sau đó, Mai không thực hiện được và cũng không trả số tiền đã chiếm đoạt cho hai bị hại. Hành vi này của bị cáo Nguyễn Phương Mai đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của 15 bị hại là hơn 27,9 tỷ đồng.

Quá thời hạn cam kết, 13 khách hàng không mua được nhà, đề nghị được rút tiền nhưng bị cáo lẩn tránh. Đến khi làm việc với công ty, họ mới biết toàn bộ giấy tờ là giả mạo nên tố cáo sai phạm của nữ chủ tịch HĐQT.

Lời khai các bị hại thể hiện, họ có nhu cầu về nhà ở nên tìm hiểu thông tin quảng cáo trên sàn bất động sản hoặc được người quen giới thiệu. Họ được bà Mai giới thiệu, UAC có chủ trương bán các căn hộ tại dự án N04 cho các cá nhân có nhu cầu, nhưng do chưa đủ điều kiện mua bán (vì chưa thi công xong phần móng) nên chỉ được ký hợp đồng góp vốn.

Các bị hại cho rằng, họ tin tưởng công ty nên đã đồng ý đặt tiền. Bà Mai trực tiếp ký hợp đồng, thu tiền tại phòng làm việc và cấp phiếu thu có đầy đủ dấu, chữ ký “Đã thu tiền” hoặc giấy nhận tiền.

Đây là vụ án đã trải qua nhiều cấp xét xử. Cụ thể, lần thứ nhất xét xử sơ thẩm vào năm 2016, TAND TP. Hà Nội đã làm rõ bị cáo chiếm đoạt hơn 29,3 tỷ đồng và tuyên buộc UAC có nghĩa vụ bồi thường hơn 29,3 tỷ đồng cho các bị hại nộp tiền mua nhà.

Sau phiên tòa, UAC kháng cáo quyết định trên. TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy án để làm rõ một số khoản tiền là nợ hay góp vốn…

Lần thứ hai xét xử sơ thẩm vào năm 2019, Hội đồng xét xử làm rõ số tiền bị cáo chiếm đoạt là hơn 26 tỷ đồng và tiếp tục buộc UAC phải có trách nhiệm bồi thường.

Sau đó vụ án tiếp tục bị hủy án để điều tra lại và làm rõ các tình tiết.

Sáng 27/6, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ ba. Xác minh tại UAC xác định, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, gặp khó khăn tài chính nên ngày 16/1/2013, UAC đã thoái toàn bộ vốn góp tại dự án N04.

Công ty rà soát lại những cá nhân đã ký hợp đồng góp vốn, nộp tiền vào công ty thì xác định có 2 khách hàng đã nộp hơn 3,5 tỷ đồng. Công ty đã trả lại tiền hai khách hàng này.

Đối với bị cáo Nguyễn Phương Mai, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Mai mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 27,9 tỷ đồng cho các bị hại.

Phương Ngân