Cuộc đời lên bổng xuống trầm của nữ đại gia thuỷ sản Diệu Hiền

09:09 11/09/2021

“Nổi đình nổi đám” nhất trong số các đại gia thủy sản miền Tây một thời phải kể đến “Người đàn bà thờ cá” - Phạm Thị Diệu Hiền. Nổi lên nhanh chóng nhưng bà cũng nằm trong số đại gia thủy sản sớm lụi tàn...

Bà Phạm Thị Diệu Hiền. Nguồn: Internet
Bà Phạm Thị Diệu Hiền. Nguồn: Internet.

Dựng cơ đồ từ gỗ Tây Nguyên

Bà Phạm Thị Diệu Hiền sinh năm 1961, quê ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Bà vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được bà nội đưa cho 1 người cô nuôi nấng. Người nuôi bà gọi là má Năm, sinh sống bằng nghề đi kiếm củi... và nay đây mai đó lênh đênh trên sông nước bằng 1 chiếc thuyền…

Có câu chuyện kể rằng, khi bà Hiền mới sinh được ít ngày thì trong một trận địch càn, một nhà sư bế bà- khi đó còn đỏ hỏn, chui xuống hầm bí mật. Mọi người sợ đứa bé khóc và địch phát hiện. Nhà sư lầm rầm cầu nguyện như ru để đứa bé ngủ yên và suốt mấy giờ đồng hồ dưới hầm, đứa bé cứ ngủ li bì... Khi địch rút, nhà sư bế đứa bé chui lên khỏi hầm và nói: “Đứa trẻ này có căn nhà Phật. Sau này nên cho nó đi ở cửa chùa. Hôm nay, tôi đặt tên cho nó là Diệu Hiền”…

Sau này, gom góp được một ít vốn liếng, bà chuyển sang làm kinh tế, khởi nghiệp bằng 1 xưởng làm đồ gỗ xuất khẩu. Diệu Hiền nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình nhờ hàng làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng lại cao. Do làm ăn có uy tín cho nên xưởng gỗ của bà được Tổ chức UNICEF chọn đóng bàn ghế cho trường học ở Sóc Trăng.

Từ đó, tiếng tăm và uy tín của bà được giới kinh doanh đồ gỗ biết đến nhiều hơn. Sau này do vướng nợ nần, khó khăn nên gia đình bà phải lên tận núi rừng Tây Nguyên.

Khi đó, có được một số vốn trong tay, bà Hiền quyết định đi buôn gỗ, vừa gần giống nghề cũ, vừa như muốn tìm lại thời vàng son trước đó - khi còn là chủ xưởng gỗ. Và muốn gì được nấy. Bà lại thành công! Và chỉ 4 năm gắn bó với nghề buôn gỗ phế phẩm, Diệu Hiền thu về hàng chục tỷ đồng. Năm 1992, sau khi chấm dứt sự nghiệp buôn gỗ, Diệu Hiền thành lập công ty và kinh doanh nhiều ngành nghề như: Đầu tư bất động sản; kinh doanh du lịch; sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; xây dựng... Công việc kinh doanh từ đó ngày một phất lên.

Năm 1998, bà thành lập Công ty Diệu Hiền xây dựng Khu Văn hóa Du lịch Bình An tại Sóc Trăng. Năm 2003, công ty đầu tư Dự án Khu dân cư, thuộc Khu đô thị mới Nam Sông Cần Thơ. 

“Nổi đình nổi đám” nhất trong số các đại gia thủy sản miền Tây một thời phải kể đến “Người đàn bà thờ cá” - Phạm Thị Diệu Hiền.  Nổi lên nhanh chóng nhưng  bà cũng nằm trong số đại gia thủy sản sớm lụi tàn... Nguồn: Internet
“Nổi đình nổi đám” nhất trong số các đại gia thủy sản miền Tây một thời phải kể đến “Người đàn bà thờ cá” - Phạm Thị Diệu Hiền. Nổi lên nhanh chóng nhưng bà cũng nằm trong số đại gia thủy sản sớm lụi tàn... Nguồn: Internet.

Đến năm 2005, bà bén duyên với con cá tra khi thành lập Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) với lĩnh vực hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Cũng trong năm đó, Bianfishco khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản Bình An và khi khánh thành (tháng 11/2006), nhà máy đạt công suất 500 tấn cá mỗi ngày.

Sau khi hoàn thành nhà máy, công việc làm ăn của bà Diệu Hiền phất lên nhanh chóng khi doanh thu liên tục tăng từ 100 tỷ đồng năm 2007 lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009 và đạt 1.163 tỷ đồng năm 2010. Đến năm 2011, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 48,86 triệu USD, Bianfishco lọt vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và top 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam.

Bà Diệu Hiền cho rằng, con cá tra, cá basa là báu vật trời đã ban cho khu vực ĐBSCL, đem lại cuộc sống cho hàng chục vạn nông dân... Vì vậy, phải tri ân con cá. Từ đó, bà đã xây dựng miếu thờ cá ngay trong khuôn viên Nhà máy Chế biến thủy sản Bình An.

Bên cạnh đầu tư xây dựng nhà máy, khu nuôi cá như một resort, bà Diệu Hiền còn đầu tư xây biệt thự, tậu xe hơi hàng tỷ đồng. Bà là người đầu tiên ở khu vực miền Tây “tậu” xe Rolls - Royce hàng chục tỷ đồng lấy biển tứ quý 3.

Ngoài ra nữ đại gia bất động sản một thời của miền Tây còn từng đầu tư tiền tỷ xây dựng khu "massage cá" hiện đại bậc nhất Việt Nam, phục vụ miễn phí hơn mấy nghìn công nhân; vung tiền đầu tư "công ty như resort", không tiếc tiền cho những đồ nội thất phong thủy để đem lại may mắn, từ sư tử đá trấn trước cửa, rồi chép hóa long, tứ mã, bắp cải phong thủy...

 Đối mặt với tai tiếng, nợ nần vì con cá tra

Bắt đầu với con cá tra, bà Diệu Hiện đã ghi được rất nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và nhất là xuất khẩu thủy sản. Nữ doanh nhân này đã góp sức mang tiếng tăm của con cá Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới.

Thành công là vậy nhưng bà trùm thủy sản này rra đi trong tai tai tiếng, nợ nần cũng vì con cá tra. Bà nợ người nông dân nuôi cá tra, nợ NH không trả được...Và hậu quả của nó còn lại vẫn quá lớn, nhiều người đang phải gánh chịu.

Đầu tiên là thông tin Công ty Bianfisco của bà Phạm Thị Diệu Hiền “vỡ” nợ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền nợ mua cá tra của người dân là hơn 200 tỷ đồng.

Thậm chí hồi tháng 8/2012, hàng chục nông dân "cắm trại" cả tháng trời trước cổng biệt thự của đại gia Diệu Hiền trên đường 30/4, TP Cần Thơ. Nhiều người tố bị công ty thủy sản của gia đình bà Hiền “ngâm nợ” tới hàng chục tỷ đồng. Đất đai đã thế chấp ngân hàng, cầm cố cho công ty cung cấp thức ăn và mất hết chữ tín vì Công ty Bình An chậm trả nợ nên họ không có tiền trả đại lý thuốc thú y, lương công nhân...

Lâm vào đường cùng, hàng chục nông dân dọn cơm ra vỉa hè trước cổng biệt thự đại gia Diệu Hiền để ăn cơm. Cả tháng trời những nông dân tay lấm chân bùn này bỏ hết việc nhà để đi đòi nợ cho bằng được, thậm chí có chủ nợ đã nghĩ tới cái chết.

Sau khi “vỡ nợ”, các ngân hàng và chủ nợ “nhảy” vào tái cơ cấu công ty, đại gia Phạm Thị Diệu Hiền phải xuất ngoại với lý do điều trị bệnh. Từ đó, đại gia này sống âm thầm, ẩn dật ở nước ngoài, lâu lâu mới về Việt Nam một lần.

Còn Công ty Bianfishco phải chuyển nhượng lại cho các chủ nợ. Theo thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, kể từ khi các ngân hàng nhảy vào tái cơ cấu và kiểm soát, hoạt động của công ty không được báo cáo. 

Hương Trà (tổng hợp)