Cuộc chạy đua tiêm chủng của Nhật Bản hậu Thế vận hội

10:55 19/08/2021

Mặc dù Thế vận hội Tokyo đã kết thúc nhưng hiện vẫn đang là mùa nghỉ lễ ở Nhật Bản, nhiều người dân đang phớt lờ lời kêu gọi hạn chế đi du lịch, tránh xa các quán xá và nhà hàng của chính phủ trong khi tình hình lây nhiễm tăng đột biến ở mức kỷ lục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Thủ tướng Yoshihide Suga đặt hy vọng vào chiến dịch tiêm chủng diện rộng và ngày càng có tiến triển tốt. Cuộc chạy đua giữa những mũi tiêm vaccine và chấm dứt chuỗi ngày dịch bệnh hoành hành mang ý nghĩa quyết định tương lai chính trị của đất nước và sức khỏe của hàng triệu người.

Ông Suga lạc quan rằng, vaccine sẽ cho hiệu quả và nước Nhật sẽ chiến thắng nhưng chỉ với khoảng 36% dân số được tiêm chủng đầy đủ, các chuyên gia lo lắng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao vẫn tiếp tục được phát triển. Khối chuyên gia thúc giục chính phủ áp dụng thêm biện pháp tình trạng khẩn cấp. Nhật Bản đã xử lý tương đối tốt đại dịch trước đó hơn so với nhiều quốc gia mà không cần phải đóng cửa triệt để nhưng nhiều người tin rằng đây là lúc cần đến những biện pháp mạnh mẽ nhất.

Số ca nhiễm vi-rút hàng ngày của Nhật Bản đã lên tới 10.000 ca trong hơn một tuần và tổng số ca nhiễm đã tăng gấp đôi trong bốn tháng qua, vượt quá 1 triệu trường hợp. Trong đó, số lượng hàng ngày của Tokyo đã tăng gấp ba lần vào thời điểm Thế vận hội kết thúc. Các bệnh viện chật kín, gần 20.000 người bệnh đang được cách ly tại nhà, gấp hơn 10 lần so với một tháng trước đó.

Thủ tướng Suga đã nhấn mạnh về tiến độ triển khai vaccine mặc dù chương trình này diễn ra có phần muộn và chậm chạp. Hơn 80% trong số người cao tuổi ở Nhật Bản đã hoàn thành tiêm chủng kể từ giữa tháng 4. Suga cho biết tỷ lệ tiêm chủng cao ở những người cao tuổi đã góp phần làm giảm đáng kể số lượng bệnh nhân lớn tuổi, các ca bệnh nghiêm trọng và tử vong, giảm bớt căng thẳng cho hệ thống y tế. Ông phát biểu: “Điều này cho thấy rõ ràng hiệu quả của vaccine. Đẩy nhanh tiêm chủng ở những người trẻ tuổi tới đây là cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trinh lây nhiễm và giảm thiểu các triệu chứng nghiêm trọng. Tốt nhất là tiêm hai mũi càng sớm càng tốt”.

Các trường hợp nghiêm trọng hiện nay chủ yếu là ở nhóm người ở độ tuổi 50 trở xuống phần lớn chưa được tiêm chủng.Theo ông Taro Kono, phụ trách tiêm chủng quốc gia cho hay, tính đến ngày 13 tháng 8, 14 triệu người, gần 20% nhóm từ 12 đến 64 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng đã hoàn thành đầy đủ.

Suga chỉ ra mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người cao tuổi có nguyện vọng vào cuối tháng 7 đã gần về đích. Thủ tướng đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% tất cả những người từ 12 tuổi trở lên vào cuối tháng 8 và hoàn thành các mũi tiêm cho những người có nhu cầu trước tháng 10 hoặc tháng 11.

Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức cũng cảnh báo chỉ tiêm vaccine thôi là chưa đủ. Kono trình bày trong một chương trình trực tuyến gần đây: “Với sự gia tăng ca nhiễm ngày càng tăng của chủng Delta, rất khó đối phó với dịch bệnh chỉ bằng tiêm vacicne”. Ông lưu ý rằng thanh niên ở độ tuổi 20 và 30 chiếm khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh hàng ngày và khuyến khích họ giữ khoảng cách khi tiếp xúc, đeo khẩu trang và rửa tay.

Quá trình tiêm chủng bị trì hoãn của Nhật Bản bắt đầu vào giữa tháng 2 khi các nhân viên y tế được tiêm những mũi đầu tiên. Tốc độ ban đầu bị chậm lại do khâu hậu cần không hiệu quả và thiếu nguồn cung vaccine. Số lượng thuốc đã tăng lên đáng kể vào tháng 5 và số lượng mũi tiêm hàng ngày cao hơn 1 triệu mũi, đáp ứng đầu đủ tham vọng của Suga,

Các quan chức cho rằng, tốc độ tiêm chủng sẽ chậm lại khi nhóm người trưởng thành trẻ tuổi không muốn tiêm vaccine do một phần những tin đồn sai lệch về tác dụng phụ của thuốc. Nhiều người trong số họ cũng cho rằng bản thân ít có khả năng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng.

Suag cho biết, chính phủ đang khẩn trương giải quyết sự gia tăng của các trường hợp lây nhiễm, tái áp đặt các hạn chế đối với doanh nghiệp địa phương như yêu cầu nhà hàng quán bar không phụ vụ rượu và đóng cửa sớm. Các cửa hàng bách hóa, cơ sở giải trí và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác cũng được yêu cầu đóng cửa lúc 8 giờ tối.

Mặc dù các doanh nghiệp tuân thủ nhận được khoản bồi thường lên đến 200.000 yên (1.800 đô la) và những doanh nghiệp nào không tuân thủ sẽ bị phạt nhưng hàng nghìn cơ sở vẫn bất chấp mở cửa sau 8 giờ tối. Đối với công chúng, các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và tránh đi lại không cần thiết mới chỉ dừng ở mức độ yêu cầu và khuyến cáo. Còn rất nhiều người lai vãng, tụ tập trong công viên, đường phố để uống rượu,...

Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Yasutoshi Nishimura cũng là người chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp của chính phủ lưu ý rằng, các cụm lây nhiễm lớn được phát hiện trong các lớp học, cửa hàng bách hóa, các tiệm chơi pinball và ông yêu cầu mọi người tránh đi du lịch trong mùa nghỉ hè.

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với Thế vận hội ngày càng tăng nhờ vào kỷ lục 58 huy chương của Nhật Bản, các cuộc khảo sát trên phương tiện truyền thông sau sự kiện cho thấy xếp hạng ủng hộ dành cho chính phủ của Suga đã giảm xuống dưới 30%. Cựu Thống đốc Osaka và nhà phê bình chính trị Toru Hashimoto chỉ ra: “Chính phủ nên đưa ra các biện pháp mạnh. Lý do người dân không tuân theo yêu cầu là do họ cho rằng việc họ phải tiếp tục hạn chế hoạt động của bản thân không có ý nghĩa gì khi chính phủ cố gắng thông qua Thế vận hội”.

Một số ý kiến ​​cho rằng tình trạng khẩn cấp không còn hiệu quả nữa là do các biện pháp này đã kéo dài và người dân cảm thấy mệt mỏi khi tuân theo các yêu cầu. Tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ cho biết: “Nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục leo thang, chúng tôi có thể phải bắt đầu thảo luận về khả năng hợp pháp hóa việc đóng cửa kinh doanh. Các nhà lãnh đạo chính trị đã không có một thông điệp thống nhất, mạnh mẽ và rõ ràng để thuyết phục công chúng hợp tác nhằm làm chậm sự lây lan của vi-rút”.

TL