Cuộc chạy đua 4 tỷ USD của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc để tìm ra Squid Game tiếp theo

10:10 18/11/2021

Khi nội dung Hàn Quốc bùng nổ trên toàn cầu với loạt phim truyền hình Squid Game trở thành "át chủ bài" của Netflix, nhóm nhạc nam BTS gặt hái nhiều thành công trên toàn thế giới và Parasite giành được bốn giải Oscar, CJ Group và nhiều công ty khác trong và ngoài ngành tiếp tục đặt cược lớn vào lĩnh vực này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

CJ Group, một tập toàn nổi tiếng của Hàn Quốc hoạt động trên đa dạng các lĩnh vực từ thực phẩm đến giải trí đồng thời là công ty sản xuất bom tấn Parasite được vinh danh tại lễ trao giải Oscar danh giá, đã đầu tư vào nền văn hóa đại chúng của đất nước trong suốt hơn hai thập kỷ. Giờ đây khi nội dung Hàn Quốc bùng nổ trên toàn cầu với loạt phim truyền hình Squid Game trở thành "át chủ bài" của Netflix, nhóm nhạc nam BTS gặt hái nhiều thành công trên toàn thế giới và Parasite giành được bốn giải Oscar, Miky Lee - nhà sản xuất bom tấn đồng thời giữ chức vụ phó chủ tịch CJ tiếp tục đặt cược lớn. Đơn vị giải trí của CJ Group đang xem xét mua cổ phần của SM Entertainment Co - "ông lớn" trong ngành công nghiệp giải trí Kpop và có kế hoạch chi hơn 4 tỷ đô la để sản xuất nội dung trong 5 năm tới. 

Giống như CJ Group, các công ty lớn khác của Hàn Quốc đang đầu tư ngày càng mạnh tay cho nội dung mang đậm văn hóa xã hội nước nhà. Ngành giải trí trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia và mang lại lợi nhuận cổ phiếu cao. Park Ju-Gun, người đứng đầu công ty nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index ở Seoul, cho biết các công ty đang ồ ạt gia nhập cuộc chơi và ngành giải trí đang nổi lên như một lĩnh vực tăng trưởng mới.

Các nền tảng như YouTube và dịch vụ phát trực tuyến như Netflix đã giúp lan tỏa nội dung Hàn Quốc ra thế giới. Nội dung châm biếm về bất bình đẳng xã hội trong Squid Game và Parasite đã gây được tiếng vang lớn với khán giả toàn cầu, trong khi các ban nhạc K-pop như BTS khiến người hâm mộ mê mẩn với âm nhạc hấp dẫn, ngoại hình đẹp và vũ đạo được dàn dựng công phu. Theo báo cáo của Bộ Thương mại và Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu nội dung của Hàn Quốc đã tăng 6,3% lên 10,8 tỷ USD vào năm ngoái. Xuất khẩu văn hóa đã vượt qua các lĩnh vực chủ chốt khác như nông sản, mỹ phẩm và đồ dùng gia đình.

Kakao Entertainment Corp, một công ty con của tập đoàn khổng lồ Kakao Corp; công ty trò chơi Netmarble Corp và Celltrion Entertainment Co thuộc sở hữu của người sáng lập công ty dược sinh học Celltrion Inc., Seo Jung-jin, đều đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giải trí, săn tìm tài năng. Sự phổ biến của văn hóa đại chúng Hàn Quốc cũng đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán.

Cổ phiếu của CJ ENM Co., đơn vị giải trí của CJ Group, đã tăng 19% trong năm nay sau khi thông tin xem xét mua cổ phần của SM nổ ra. Bản thân SM Entertainment đã tăng 170%, trong khi các công ty K-pop JYP Entertainment Corp và YG Entertainment Inc, mỗi công ty tăng hơn 38%. Mặc dù tăng trưởng nhưng quy mô lĩnh vực công nghiệp giải trí Hàn Quốc chưa thể so bì với các công ty cùng ngành trên toàn cầu. Theo báo cáo tháng 1 của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, doanh thu trên thị trường nội dung, bao gồm âm nhạc, trò chơi và phim đạt 61 tỷ USD ở Hàn Quốc vào năm 2019, so với 874 tỷ USD ở Mỹ và 351 tỷ USD ở Trung Quốc. Giá trị thị trường của CJ ENM rơi vào khoảng 3 tỷ USD, kém xa so với hơn 300 tỷ USD của Netflix Inc.

Tập đoàn CJ, hiện là một trong những "gã khổng lồ" hàng đầu trong ngành công nghiệp giải trí của xứ sở Kim Chi, được thành lập bởi người sáng lập Samsung Lee Byung-chull vào năm 1953 với tư cách là một nhà máy lọc đường. Công ty đã tách khỏi Samsung vào năm 1993. Hai năm sau, CJ mạo hiểm vào lĩnh vực giải trí khi đầu tư 300 triệu USD để mua cổ phần của hãng phim Mỹ có tên là DreamWorks SKG.

CJ ENM, thành lập vào năm 2011, đã sản xuất bộ phim khoa học viễn tưởng “Snowpiercer” năm 2013. Vào tháng 5, công ty cho biết sẽ đầu tư hơn 5 nghìn tỷ won (4,2 tỷ USD) vào sản xuất nội dung trong 5 năm tới. Thời gian sẽ trả lời liệu cú bùng nổ văn hóa đại chúng của Hàn Quốc có bền vững hay không và các khoản đầu tư vào lĩnh vực này có phải "một vốn mười lời". Tuy nhiên, với ông Park từ tổ chức Leaders Index Hàn Quốc, sức hấp dẫn của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc sẽ không sớm suy giảm. Ông cho rằng các doanh nghiệp từ ngành khác sẽ tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nội dung mới. Về phần mình, Netflix cũng đang đặt cược kế hoạch đầu tư 500 triệu USD cho nội dung của Hàn Quốc trong năm nay, sau khi đã chi tổng cộng 700 triệu USD tính đến năm 2020.

TL