'Cú bồi' Covid-19, doanh nghiệp muốn ngân hàng cắt giảm lãi suất thực chất

00:00 12/10/2020

Lãi suất cho vay đã giảm rất sâu, song vẫn còn cao trong bối cảnh doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng cần cắt giảm lãi suất thực chất để cứu sản xuất kinh doanh.

giam-lai-suat-cho-vay-1374-1597049160.jp

Mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh thời gian qua, nhưng vẫn có dư địa giảm thêm (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chưa kịp hồi phục sau khi Covid-19 tạm lắng, nhiều doanh nghiệp lại đứng ngồi không yên vì sự bùng phát lần 2 của dịch. Vì vậy, những ngày qua, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét giảm thêm lãi suất điều hành để ngân hàng thương mại có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Đồng thời, các chính sách giãn, hoãn nợ cần kéo dài ít nhất đến hết năm 2020.

Doanh nghiệp cần vốn để tồn tại

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó tổng giám đốc Vietravel, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 - 80% nhân sự đang nghỉ không lương.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của Vietravel cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, công ty còn dư nợ vay ngắn hạn 275 tỷ đồng tại 5 ngân hàng và dư nợ vay dài hạn 714 tỷ đồng (vay ngân hàng và phát hành trái phiếu). Nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay của Vietravel lên tới hơn 41,5 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Bà Hoà chia sẻ: Điều doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại, bởi doanh nghiệp rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó, cần có chính sách giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp...

Đồng tình với chia sẻ trên, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này, ông Hiếu đề nghị Tổng cục Du lịch có ý kiến với NHNN xem xét có gói hỗ trợ tín dụng cho các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn của NHNN để hoạt động kinh doanh du lịch.

Kể từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2 - 4%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết để tiếp cận được lãi suất ưu đãi rất khó khăn, do những quy định xét duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng thương mại rất cao. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp bế tắc đầu ra nên ngân hàng thẩm định hồ sơ không đạt điều kiện để được vay vốn. Vì vậy, số lượng thực tế các doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi trên là rất ít.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank chia sẻ: “Khi tiếp cận các nhu cầu vay vốn, chúng tôi quan tâm nhất là phương án kinh doanh có hiệu quả hay không. Doanh nghiệp đã, đang và chắc chắn tiếp tục khó khăn. Các chính sách như thời gian qua vẫn chưa đủ và cần bổ sung chính sách quyết liệt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong từng giai đoạn, tùy theo mức độ diễn biến của đại dịch Covid-19”.

Giảm lương, thưởng để giảm lãi suất

Mới đây, Thống đốc NHNN đã có chỉ đạo tới các tổ chức tín dụng về việc thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trong đó, lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay, NHNN nhấn mạnh đến giải pháp yêu cầu các ngân hàng phải giảm lương thưởng nhân viên để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách giảm lương thưởng, lợi nhuận, từ đó có nguồn lực giảm lãi suất cho vay thực chất với cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng, Agribank triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong cho vay tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện các quy định nội bộ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Trước những chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các chuyên gia cho rằng có thể trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm, bởi thời gian vừa qua các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động, tạo thêm dư địa để giảm lãi vay.

CTCP Chứng khoán KBSV nhận định: “Chúng tôi đánh giá, vẫn còn khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay”.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán BVSC lại nghiêng về khả năng NHNN không giảm lãi suất điều hành, mà sẽ đẩy mạnh việc tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau Covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công có độ lan tỏa cao…

Thanh Hoa