Công đoàn TP. Hồ Chí Minh giúp người lao động nhận hơn 2,63 tỉ đồng trợ cấp

09:19 09/03/2021

Năm 2020, các cấp công đoàn của TPHCM đã giúp cho 37 NLĐ được nhận trở lại làm việc, 37 người được trợ cấp thôi việc với tổng số tiền trên 2,63 tỉ đồng qua các vụ tranh chấp

Năm 2020, LĐLĐ Quận 4 đã hòa giải, hay hướng dẫn NLĐ các thủ tục pháp lý trong những lần tranh chấp lao động với doanh nghiệp. Kết quả, đã có 14 NLĐ được nhận trở lại làm việc và 14 NLĐ khác được chốt sổ BHXH và được hưởng các chế độ khi nghỉ việc. 

  Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng người lao động

Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.Tháng 9.2020, LĐLĐ Quận 4, TPHCM nhận được đơn phản ánh của chị N.T.T.H về việc bị Ngân hàng CPTM V cho nghỉ việc mà không có lý do chính đáng. LĐLĐ Quận 4 đã phân công cho ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ phụ trách công tác Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ và cũng là một hòa giải viên lao động quận để xử lý. Ông Tiến đã mời chị H đến để tìm hiểu thêm và được biết do dịch bệnh COVID-19, ngân hàng cắt giảm một số lao động, trong đó có chị H. Nhưng chị H cho rằng ngân hàng đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với mình và yêu cầu ngân hàng phải bồi thường cho chị 100 triệu đồng, tương đương hai tháng tiền lương. Ông Tiến đã liên hệ với ngân hàng và được cung cấp hồ sơ, chứng cứ về việc chấm dứt HĐLĐ với chị đúng pháp luật. “Về lý, ngân hàng đã làm đúng, không có cơ sở buộc ngân hàng phải bồi thường như yêu cầu của chị H. Thế nhưng về tình, ngân hàng cần có chia sẻ, hỗ trợ cho NLĐ phải nghỉ việc giữa lúc có nhiều khó khăn. Sau nhiều lần trao đổi riêng với chị H và ngân hàng, nhận thấy cả hai đã có thiện chí hòa giải vụ việc, tôi mời hai bên đến để hòa giải. Chị H đã vui vẻ nhận số tiền 25 triệu đồng mà ngân hàng đồng ý hỗ trợ cho chị nghỉ việc” - ông Tiến kể.

Cũng trong năm 2020, LĐLĐ Quận Gò Vấp đã phối hợp với Phòng LĐTBXH quận hướng dẫn 25 NLĐ khởi kiện Cty TNHH SX-TM Hưng Phú (có chủ doanh nghiệp là người Hàn Quốc đã bỏ trốn) để đòi quyền lợi. Sau một thời gian dài, Cty đã tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản và trả các quyền lợi cho NLĐ. Kết quả 25 NLĐ đã nhận được trên 243,2 triệu đồng tiền lương, BHXH mà Cty còn nợ họ trước đó. Còn LĐLĐ huyện Củ Chi cũng phối hợp Phòng LĐTBXH quận giúp 11 NLĐ được chốt sổ BHXH, 12 NLĐ khác được hưởng các chế độ khi nghỉ việc.

Theo LĐLĐ TPHCM, năm 2020 các cấp CĐ TPHCM đã tư vấn trực tiếp cho 2.665 lượt đoàn viên, người lao động và tư vấn qua điện thoại trên 2.330 lượt người; tiếp nhận 220 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có 35 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn. Kết quả giải quyết và tham gia giải quyết đã có 37 NLĐ được nhận trở lại làm việc, 84 trường hợp được giải quyết về lương và các chế độ khác, 37 người được trợ cấp thôi việc với tổng số tiền trên 2,63 tỉ đồng.

Ông Trương Hồng Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TPHCM - cho rằng, để bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ, cán bộ CĐ, nhất là người làm công tác kiểm tra, chính sách - pháp luật cần phải nắm vững quy định của pháp luật. Đây chính là cơ sở tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Song song với đó, khi giải quyết hay tham gia giải quyết vụ việc, cán bộ CĐ cần phải tìm hiểu kỹ vụ việc, phân tích cho cả NLĐ và doanh nghiệp thấy được cái lợi, cái hại nếu để tranh chấp gay gắt thì cả hai bên đều có những thiệt hại. NLĐ thì mất thời gian để tranh chấp trong khi cần thời gian để đi làm, kiếm sống. Còn doanh nghiệp thì cũng mất uy tín, quan hệ lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Tốt nhất là các cán bộ CĐ cần chủ động tham mưu cho doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật để tránh tranh chấp xảy ra. Khi doanh nghiệp có xảy ra tranh chấp thì có thể tham vấn hệ thống CĐ của thành phố để được hỗ trợ. Còn khi đã xảy ra tranh chấp, hòa giải là biện pháp tốt để hai bên cùng nhau hóa giải những mâu thuẫn, xung đột, giúp cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Cuối cùng bất đắc dĩ, không thể hòa giải được thì mới phải kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi” - ông Sơn nói.

PV