Cơn sốt hàng hiệu tại Hàn Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp kinh tế bất ổn vì đại dịch

11:26 17/12/2021

Ngay cả trong những ngày tháng tăm tối nhất của đại dịch, hiếm khi nào thấy người dân Hàn Quốc tranh thủ tích trữ giấy vệ sinh hay lương thực như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thay vào đó, họ có thói quen mới: Xếp hàng dài chờ đợi trước những cửa hàng sang trọng từ 5 giờ sáng để mua các sản phẩm "hot hit" như ví Chanel giá 9,500 đô la.

 

Hàng dài người xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua hàng hiệu
Hàng dài người xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua hàng hiệu. (Ảnh: Bloomberg) 

Thuật ngữ "Open run" chỉ xu hướng mua hàng nhanh nhất có thể mỗi khi cửa hàng mở cửa đã xuất hiện vào năm ngoái khi người mua hàng tranh giành đồ hiệu trước cơn sốt giá từ nhãn hàng đình đám đến từ nước Pháp. Nhu cầu sở hữu hàng hiệu tại Hàn Quốc tăng lên từng ngày bất chấp nhiều hạn chế đặt ra, thậm chí người tiêu dùng còn tìm đến các kênh mua nước ngoài trực tuyến để săn bằng được món hàng yêu thích. Thương hiệu Chanel tại Hàn Quốc đã nâng giá cao gấp 4 lần trong năm nay nhưng chưa bao giờ có đủ nguồn cung đáp ứng các đơn đặt hàng số lượng khủng. Cho Eunbit, tín đồ mua sắm 31 tuổi đến từ Seoul chia sẻ: "Tôi thấy giá hiện giờ là thấp nhất rồi vì thương hiệu sẽ tiếp tục tăng giá. Ngày càng nhiều người khao khát trở thành 'quý cô Chanel', nếu không trực săn thì chẳng bao giờ mua được đồ mà bạn muốn".

Theo báo cáo của Euromonitor International, Hàn Quốc là thị trường tiêu thị đồ xa xỉ lớn thứ bảy thế giới, ước tính doanh thu 14,2 tỷ đô la năm 2021, tăng 4,6% so với năm 2020. Mặc dù chỉ có 9 địa điểm trải dọc Hàn Quốc nhưng thị trường này mang đến cho Chanel 8,5% tổng lợi nhuận trong năm 2020. Con số này cũng bao gồm doanh thu từ các cửa hàng miễn thuế với các sản phẩm như nước hoa, đồng hồ và trang sức.  

Thậm chí không ít người trải chiếu, dựng lều qua đêm đợi Chanel mở cửa
Thậm chí không ít người trải chiếu, dựng lều qua đêm đợi Chanel mở cửa. (Ảnh: Bloomberg) 

Rất nhiều người như Cho mua hàng hiệu không chỉ để thỏa mãn đam mê của bản thân mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới. Thị trường hàng đã qua sử dụng trực tuyến rộng lớn tại xứ sở Kim Chi tạo điều kiện mua đi bán lại, kiếm tiền chênh lệch từ các món đồ xa xỉ một cách dễ dàng. Một trong những tên tuổi mới nổi trong lĩnh vực này là Lana Park, 59 tuổi chưa từng nghĩ sẽ kiếm được 300 nghìn won (254 đô la) tiền lãi sau khi bán một chiếc túi Chanel. Trong suốt một năm này, cô Park gia nhập nhóm "Open run" rời khỏi nhà từ lúc 4 giờ sáng và cố gắng ghé vài cửa hàng Chanel trong một ngày. Cô kể: "Lúc đầu, tôi làm vì đam mê mua sắm thôi. Nhưng rồi thị trường quá đỗi 'điên cuồng', lượng lớn người đổ xô đi làm nghề này khiến chúng tôi phải cạnh tranh gay gắt".

Nhằm hạ nhiệt cơn sốt và tránh thiếu hụt nguồn cung, Chanel đã ra quy định mua sắm mới vào tháng 10 vừa qua. Cụ thể, mỗi khách hàng tại Hàn Quốc chỉ được phép mua một chiếc túi mẫu Classic Flap và túi xách Coco Handle trong một năm. Bên cạnh đó, các mẫu trong bộ sưu tập đồ da sẽ được phân bổ số lượng tùy thuộc theo mức độ nhu cầu tại từng địa phương. Doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ tiếp tục tăng mạnh hơn 45% năm nay so với cùng kỳ năm 2020. 

Thế hệ trẻ Millennial và Gen Z là lực lượng tiên phong, sẵn sàng chi tiền với phương châm bắt kịp xu thế. Lee Eun-Hee, giáo sư nghiên cứu hành vi người dùng tại đại học Inha, tỉnh Incheon chỉ ra: "Chanel thỏa mãn ham muốn của millennial và gen Z theo nhiều cách. Thương hiệu không chỉ đem đến những khoảng khắc xa xỉ nhất, thời thượng nhất theo phong cách sống mới mà còn tạo điều kiện cho người trẻ tuổi kiếm lời từ việc mua đi bán lại". Trong bối cảnh giá nhà đất tại Hàn Quốc không có dấu hiệu giảm tốc, đa số thanh niên ở độ tuổi 20, 30 cảm thấy họ sẽ chẳng bao giờ đủ tiền để tậu một căn hộ, do đó, nhiều người tìm đến mục tiêu vật chất trong tầm với. Bà Lee nhận định: "Giới trẻ trong nước bây giờ chọn lối sống 'bạn chỉ sống một lần' và tiêu tiền cho các mặt hàng xa xỉ". 

Túi Chanel
Túi Chanel "hot" không kém thị trường nhà đấy Seoul. (Ảnh: internet) 

Theo thông tin từ Tập đoàn tài chính KB, giá trung bình cho một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp hai lần lên tới 1,24 tỷ won trong tháng 11 từ 607 triệu won hồi tháng 5/2017. So với thu nhập trung bình chưa đến 3 triệu won/tháng của giới trẻ Hàn Quốc, rõ ràng mua nhà là một ước mơ xa vời. Cũng giống như giá bất động sản, theo các chuyên gia, Chanel vẫn sẽ tiếp tục tăng giá vào năm sau. Chỉ tính riêng năm nay, giá bán mẫu túi xách màu hồng kinh điển của hãng đã tăng 30% lên 11,24 triệu won. Dòng túi mini bag có giá 3,240,000 won năm 2017 giờ đây đội giá lên 5,390,000, tăng 66%. Cô nàng millennial Han Ji-min đã chi hơn 200,000 won mua lại một chiếc ví da Chanel đã qua sử dụng và quả quyết, đây là cuộc đầu tư an toàn nhất mà của cô từ trước đến giờ. Han hồ hởi khoe "thành quả" sau nhiều cuộc "săn" hàng hiệu: "Nhẽ ra tôi phải mua túi Chanel từ vài năm trước còn hơn là đổ tiền vào chứng khoán. Tôi kiếm được nhiều lãi hơn nhờ kinh doanh túi hiệu second-hand".

TL