Con đường trở thành "đại gia" ngân hàng của doanh nhân Dương Công Minh

09:08 15/03/2021

Dương Công Minh là một doanh nhân người Việt Nam hiện là Chủ tịch Sacombank. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Him Lam giai đoạn 1997 – 2018 và là nhà sáng lập, Chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008 – 2017...

(Ảnh: Internet)

Từ Minh xoài đến Minh Him Lam

Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/05/1960 (Canh Tý) tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1984 thì ông Dương Công Minh đi nghĩa vụ quân sự. Trong một buổi tọa đàm, ông Minh từng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.

Theo ông Minh kể, hồi ấy ông vào quân đội và làm quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Quốc phòng phía Nam. Tại đây, ông quản lý toàn bộ mặt hàng nhưng chủ yếu là hàng xuất khẩu nông – lâm – thủy sản.

“Hết nghĩa vụ quân sự, tôi ra quân và nghĩ chắc chắn đường làm quan của mình đã đứt rồi. Hồi ấy, tôi mới về quê Bắc Ninh và gặp một người bạn cùng học đại học dẫn lên Lạng Sơn chơi. Lên đây, tôi thấy thương lái Trung Quốc đi mua chuối, sau đó tôi với bạn mới bàn về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc”, ông nhớ lại.

“Có những cơ hội nhưng không đến tự nhiên, mà phải có ý chí, ý tưởng mới ra cơ hội. Và tôi đi buôn chuối từ ngày đó”, ông Dương Công Minh nói. Sau xuất khẩu chuối, ông với bạn lại tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long.

Ông Minh cũng cho biết, hồi đấy, xoài rất là hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Xuất khẩu đi Pháp một năm chỉ 5 đến 10 tấn, trong khi thương lái Trung Quốc lại mua rất nhiều xoài.

“Mấy năm đầu, tôi xuất khẩu 2 – 3 xe rất là lời, nếu trong một mùa xoài là một lời một. Năm đầu làm ăn rất tốt, đến năm thứ 2 thì tôi và bạn cùng làm chung, chúng tôi xác định xuất khẩu 10 xe thôi, mỗi xe lời 20 triệu đồng. Vào năm 1989 thì 2 tỷ là kinh khủng lắm, thành ra tôi là phụ trách thị trường, còn bạn tôi phụ trách thu mua”, ông kể.

Hồi đó, ông đặt hàng 10 xe còn bạn ông đi vay tiền làm 110 xe, thành ra 100 xe sau là toàn bộ xoài non ra đến nơi là thối hết. Ông Dương cho biết từ đó ông bị lỗ hết, không còn tí vốn nào và dẫn đến phá sản. “Tôi cũng có biệt danh “Minh Xoài” từ ngày ấy”, ông nói.

Có gan để làm giàu, đây cũng chính là công việc khởi nghiệp thứ hai của ông Minh và thành lập Công ty Him Lam vào năm 1994. Him Lam là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doạnh bất động sản tại TP. HCM. Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.

Trên thực tế, đối với những người cộng tác cùng Chủ tịch Him Lam đã lâu, may mắn không phải là thứ duy nhất tạo nên thành công của Dương Công Minh ngày hôm nay. Nó còn xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược của vị doanh nhân này. Ngay trong cách đặt tên Him Lam đã là một câu chuyện thú vị.

Tại sao không phải Mường Thanh, Hồng Cúm mà lại là Him Lam? Tổng Giám đốc Him Lam, Trần Văn Tĩnh chia sẻ, từ lúc ấy, trong đầu họ đã nghĩ đến chuyện một ngày không xa Him Lam sẽ vươn ra tầm thế giới. Vì thế, chọn một cái tên không dấu, dễ đọc thì sẽ dễ hòa nhập hơn khi công ty tiến hành đầu tư các dự án ở nước ngoài hoặc dự án dành cho người nước ngoài.

“Chữ G bao quanh chữ Him Lam trong logo là viết tắt của từ Group (tập đoàn), nghĩa là từ khi khởi nghiệp với một công ty nhỏ bé, chúng tôi đã mong muốn trong tương lai không xa Him Lam sẽ trở thành một tập đoàn”, ông Tĩnh nói.

Nói về Him Lam, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết mong muốn của doanh nghiệp là tạo ra những khu đô thị, tiểu thành phố như Vingroup. “Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam làm theo mô hình đô thị hoàn chỉnh vài trăm ha”, ông nhấn mạnh.

Him Lam của ông Minh là một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác. 

(Ảnh: Internet)

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng Chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi.

Him Lam là doanh nghiệp làm từ thiện nhiều nhất Việt Nam. Him Lam từ trước đến nay trích ra gần 1.000 tỷ làm từ thiện xã hội. Him Lam xây 45 trường làm từ thiện và toàn trường đạt chuẩn Quốc Gia. Tôi đã cam kết đến năm 2015 xây tặng Việt Nam mỗi tỉnh thành 1 trường đạt chuẩn Quốc Gia.

Lấn sân sang mảng tài chính

Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, ông Dương Công Minh đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác, mà trong đó ngân hàng mang đến nhiều giá trị. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008. Ông Dương Công Minh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này giai đoạn 2008 – 2017 trước khi ông gia nhập ngân hàng Sacombank với vị trí Chủ tịch Sacombank.

Thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỉ đồng, đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỉ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Cuộc sáp nhập này cũng được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan của Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gầy dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm.

Nhờ vậy, ngân hàng LienVietPostBank đã rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Và cũng vì vậy ông Minh từng nói làm ngân hàng dễ hơn làm bất động sản. Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2017 ông Dương Công Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank.

Ngày 23/06/2017, Công ty Him Lam đã thoái thành công toàn bộ 96,77 triệu cổ phiếu LVP tại LienVietPostBank, tương đương 14,98%. Công ty này không nắm giữ cổ phiếu nào của LPB và cũng không còn là cổ đông lớn,  Trên sàn OTC, thị giá cổ phiếu LPB nằm ở mức quanh 12.000 đồng/cổ phiếu. Tính ra, Him Lam thu về ước chừng 1.161 tỷ đồng trong thương vụ thoái vốn này.

Với việc thoái vốn thành công khỏi LienVietPostBank, ông Minh đã tránh được tình trạng sở hữu chéo theo quy định Ngân hàng Nhà nước và “rộng đường” tham gia vào quá trình tái cơ cấu của Sacombank.

Ngày 30/06/2017, Cựu Chủ tịch LienVietPostBank Dương Công Minh chính thức trở thành tân Chủ tịch ngân hàng Sacombank. Khi chọn về làm Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh đã làm được những việc tưởng chừng như không thể là xử lý nợ xấu và đưa ngân hàng có lãi trở lại.

Ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội có hiệu lực, yêu cầu một người không được vừa làm chủ ngân hàng lại vừa làm chủ doanh nghiệp đã đặt ông Dương Công Minh trước lựa chọn hoặc là ngân hàng hoặc là doanh nghiệp. Vì thế, Minh Him Lam đã quyết định chọn làm ngân hàng (Sacombank), “bỏ” Him Lam.

Ông Dương Công Minh trước tháng 01/2018 là Chủ tịch HĐQT tại 5 công ty, gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt, và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đầu tháng 01/2018, ông Minh từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty, tập trung vào tái cơ cấu Sacombank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Sacombank, ông Dương công Minh đã cam kết với cổ đông rằng “5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi” cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.

Về mặt hình thức tưởng rằng đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, dường như thương hiệu “Minh Him Lam” vẫn còn nguyên giá trị, luôn gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Dương Công Minh.

Nếu theo sát các hoạt động của Him Lam sẽ thấy ông Minh chưa bao giờ đánh mất vai trò với Tập đoàn. Cùng với đó, theo cập nhật tin tức sự kiện của himlam.com (trang web chính thức của Tập đoàn Him Lam) không khi nào thiếu hình ảnh của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Him Lam, cựu Chủ tịch LienVietPostBank, Chủ tịch Sacombank hiện nay.

Nói về vai trò của mình tại Him Lam, ông Minh từng cho biết: “Him Lam một tay tôi làm nên, từ tiền của tôi vay nặng lãi, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công” và “Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam”. Có thể thấy vai trò lãnh đạo, sắp xếp, tổ chức hoạt động ở Him Lam của ông Minh là không thể thay thế và nếu có thay thế thì đó cũng là bởi con trai của ông.

 TH