Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đưa Nga vào danh sách vỡ nợ có chọn lọc

12:25 12/04/2022

Ngày 11/4/2022, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P cho biết Nga đã vỡ nợ nước ngoài vì họ đề nghị thanh toán cho các trái chủ bằng đồng rúp chứ không phải đô la Mỹ.

Ngân hàng trung ương Nga nỗ lực trong việc tăng sức mạnh đồng rúp và giảm sự lệ thuộc vào đồng đô la (ảnh: Central banking)
Ngân hàng trung ương Nga nỗ lực trong việc tăng sức mạnh đồng rúp và giảm sự lệ thuộc vào đồng đô la (ảnh: Central banking).

Nga đã cố gắng thanh toán bằng đồng rúp cho hai trái phiếu mệnh giá đô la đáo hạn vào ngày 4 tháng 4, S&P cho biết trong một ghi chú vào thứ Sáu. Cơ quan này cho biết điều này dẫn đến "vỡ nợ có chọn lọc" vì các nhà đầu tư khó có thể chuyển đồng rúp thành "đô la tương đương với số tiền đến hạn ban đầu."

Theo S&P, một khoản vỡ nợ có chọn lọc được tuyên bố khi một tổ chức không trả được nợ cho một nghĩa vụ cụ thể nào đó chứ không phải toàn bộ khoản nợ của mình.

Moscow có thời gian ân hạn 30 ngày kể từ ngày 4 tháng 4 để thực hiện các khoản thanh toán vốn và lãi suất, nhưng S&P cho biết họ không hy vọng sẽ chuyển chúng thành đô la do các lệnh trừng phạt của phương Tây làm suy yếu "sự sẵn sàng và khả năng của Nga để tuân theo các điều khoản và điều kiện” liên quan đến các trái phiếu này.

Một vụ vỡ nợ hoàn toàn bằng ngoại tệ sẽ là vụ vỡ nợ đầu tiên của Nga trong hơn một thế kỷ, khi nhà lãnh đạo Bolshevik Vladimir Lenin từ chối chi trả trái phiếu do chính phủ Sa hoàng phát hành.

Nga không thể tiếp cận khoảng 315 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cho đến tuần trước, Hoa Kỳ đã cho phép Nga sử dụng một số tài sản bị đóng băng của mình để trả lại cho các nhà đầu tư nhất định bằng đô la. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ kể từ đó đã chặn nước này tiếp cận nguồn dự trữ của mình tại các ngân hàng Mỹ, một phần trong nỗ lực nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm giảm thêm khả năng gia tăng quân sự của ông.

JPMorgan ước tính rằng Nga có khoảng 40 tỷ USD nợ ngoại tệ vào cuối năm ngoái, với khoảng một nửa trong số đó do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.

Nga hiện đang lên kế hoạch để kiện lên tòa án quốc tế. "Chúng tôi sẽ kiện vì chúng tôi đã tiến hành mọi hành động cần thiết để các nhà đầu tư nhận được khoản thanh toán của họ", Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói với tờ báo Izvestia hôm thứ hai.

"Chúng tôi sẽ trình cho tòa án bằng chứng về các khoản thanh toán của chúng tôi, để xác nhận nỗ lực của chúng tôi trong việc thanh toán bằng đồng rúp, giống như chúng tôi đã làm bằng ngoại tệ. Đây sẽ không phải là một quá trình đơn giản", ông nói thêm. Ông không cho biết Nga định kiện tổ chức nào.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng bất kỳ vụ vỡ nợ nào cũng sẽ là giả vì Nga có tiền để trả, kể cả bằng đồng đô la, tuy nhiên chỉ là Nga không thể tiếp cận chúng do áp đặt của phương Tây và Mỹ. "Không có căn cứ để nói Nga vỡ nợ" Peskov nói.

Nga đã thực hiện nhiều chính sách để nâng đỡ đồng rúp kể từ khi đụng độ quân sự Nga – Ukraine diễn ra. Đồng rúp đã giảm từ 40% so với đồng đô la Mỹ trong những ngày sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự. Ngân hàng trung ương Nga đã nỗ lực giữ giá đồng Rúp bằng cách tăng lãi suất lên 20% và buộc các nhà xuất khẩu phải hoán đổi hầu hết nguồn ngoại tệ của họ đối với đồng rúp. Biện pháp đó vẫn được áp dụng nhưng ngân hàng trung ương đã quyết định nới lỏng một số hạn chế khác, khi Nga đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất xuống 17% vào thứ hai.

Anh Dũng