Cơ hội từ EVFTA 'không tự trên trời rơi xuống'

00:00 12/10/2020

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), cơ hội cho hàng Việt tại thị trường EU đã rõ, ai cũng có thể thấy. Tuy nhiên, nếu chỉ nói mà không làm, hàng Việt sẽ khó nâng cao thị phần ở thị trường vốn dĩ rất khó tính này.

Mỗi năm, EU nhập khẩu 250 tỷ USD hàng dệt may, nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này 5,5 tỷ USD, chiếm 2,2% thị phần, đứng thứ 7.

Doanh nghiệp Việt còn nhiều khó khăn

Do đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng. Trong năm tới, dự kiến ngành dệt may phải tăng thêm 10 tỷ USD, đạt kim ngạch xuất khẩu 15 - 20 tỷ USD, chứ không chỉ dừng ở 5,5 tỷ USD như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Trường cũng đặt ra bài toán hóc búa là ngành dệt may phải đáp ứng được quy tắc "xuất xứ từ vải". Hiện, Việt Nam có khoảng 8.500 doanh nghiệp dệt may, chủ yếu có quy mô dưới 50 tỷ đồng không thể tự làm được nguyên phụ liệu.

xuat-khau-sang-EU-8423-1596702918.jpg

Ngành dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng 2,2% ở thị trường EU 

Vì vậy, đại diện Vinatex kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách thu hút FDI, cần có khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất công nghiệp dệt may.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đánh giá rất cao hiệu quả của EVFTA nếu tận dụng tốt tiềm năng. Hiện nay, doanh nghiệp này mỗi năm xuất khẩu đạt kim ngạch 100 triệu USD, trong đó sang châu Âu chỉ là 20 triệu USD, chủ yếu là gạo, hạt tiêu, điều, dệt may, gốm Chu Đậu... Bà Nga cho rằng, Chính phủ cần có chương trình động viên, khuyến khích lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào EU.

Liên quan tới thương mại nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam hiện nay xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Với giá trị này, Việt Nam chỉ chiếm 4% thị phần nhập khẩu nông sản của EU (160 tỷ USD/năm). Đây chính là tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng.

Trước rất nhiều cơ hội như vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, cần nâng cao hiệu lực quản lý của ngành nông nghiệp. Nếu không hoàn thiện thể chế quản lý, chúng ta sẽ bật ra khỏi "cuộc chơi".

Về phần mình, Bộ NN&PTNT cho biết, đã và đang hoàn thiện chương trình hành động để triển khai Hiệp định ở cả khu vực quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân với phương châm hành động quyết liệt. Trong đó, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng, bởi thị trường "EU không phải một cái chợ mà chúng ta muốn bán gì bán".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không.

"Một mặt, chúng ta cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng mặt khác cũng cần có những giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép", ông Trần Tuấn Anh nói.

Chủ trương 1, biện pháp 10

Đối với những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chúng ta thực sự cần phải tiếp tục khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, cũng cần có những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra.

"Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng và củng cố các ngành sản xuất đủ năng lực để cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, từ đó đứng vững trên "sân nhà" và từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Về thu hút đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, để triển khai có hiệu quả EVFTA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích có được từ Hiệp định này, cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ từ cả phía Nhà nước và các doanh nghiệp tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các nhà đầu tư EU nói riêng về cam kết của Việt Nam trong mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.

Đồng thời, các dự án của các nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA diễn ra ngày 6/8, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cơ hội đã có, "đường cao tốc" đã mở, để vượt lên, vượt qua thách thức, nhất là thách thức suy giảm kinh tế rất khó khăn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy, phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa. Đó là tinh thần hướng tới mục tiêu nâng tầm trình độ và phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp Việt Nam "được chơi" và tiến tới "được đua" với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, phát triển cao của EU.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA.

“Chúng ta sẽ có nhiều cách làm hiệu quả, nhưng phải chú ý tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Nhiệm vụ để thực thi kế hoạch EVFTA là quan trọng, nhưng triển khai đi vào cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều. Thủ tướng nêu rõ: "Chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10, đặc biệt cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn".

Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA một cách hiệu quả, đồng thời cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như phát triển quan hệ bền vững Việt Nam - EU, nhất là thực thi tốt Hiệp định EVFTA. Đi liền với đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

"Chúng ta nên suy nghĩ có cần xây dựng đường dây nóng, trang web hỏi đáp, tư vấn nhanh cho doanh nghiệp?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Quan trọng nhất, các doanh nghiệp và đặc biệt là hiệp hội chính là chủ thể góp phần quyết định tạo nên thành công của hội nhập, thực thi EVFTA.

“Các doanh nghiệp đều hiểu rõ "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", phải có sự hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhau, phải liên kết chuỗi, vì riêng rẽ từng doanh nghiệp thì khó có đủ sức mạnh cạnh tranh, không tận dụng được hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA”, Thủ tướng lưu ý. 

Lê Thúy