Chuyện về Chú Hỏa một trong “tứ đại hào phú” của vùng đất Nam Bộ

09:13 20/04/2021

Do chí thú làm ăn, biết tổ chức, điều hành công ty kinh doanh Hứa Bổn Hỏa và các con theo kiểu gia đình nhưng cực kỳ đoàn kết nên chú Hỏa đã trở thành một “doanh nhân” nổi tiếng là một trong “Tứ đại phú hào” của đất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20 mà dân gian đã xếp hạng gồm: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

Chân dung Chú Hỏa (1845-1901). Nguồn ảnh: Internet
Chân dung Chú Hỏa (1845-1901). Nguồn ảnh: Internet.

Huỳnh Văn Hoa (tức chú Hỏa) (1845-1901) quê ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), gốc người Minh Hương. Tổ tiên ông chạy sang Việt Nam lánh nạn sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh. Ông khởi nghiệp từ gánh ve chai, về sau nhập quốc tịch Pháp, có tên là Jean Baptiste Hua Bon Hoa. 

Chú Hỏa định cư ở đất Sài Gòn xưa và chọn nghề "hạ tiện" nhất trong các thứ nghề lúc bấy giờ mà giai tầng "thầy, thợ" đã là đẳng cấp phân chia ngôi thứ rõ rệt nhất trong đời sống xã hội, đó là nghề mua bán ve chai. Mỗi ngày Chú Hỏa với bộ đồ đặc trưng của người Trung Hoa xưa, chiếc nón cói có đỉnh hình chóp, rộng vành, trên vai đôi quang gánh, chân dép lê lặn lội vào từng ngõ ngách của đất Sài Gòn cất tiếng rao bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ để mua ve chai, đồng nát. Nhưng chú Hỏa không giống những người mua ve chai bình thường khác là mua về để lựa ra bán lại cho chủ vựa kiếm ít đồng lời mà có ý chí vươn lên và đầu óc kinh doanh bẩm sinh của người Trung Hoa. Chú Hỏa tái chế thành những sản phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày để bán ra thị trường với đồng lời gấp 4 lần và tích lũy cả vốn lẫn lãi để chuẩn bị phát triển kinh doanh, làm ăn lớn chứ không sống mãi với cái gánh ve chai và tiếng rao buồn trong hẻm nhỏ của một người Minh Hương xa xứ.

Nhiều huyền thoại kể rằng, trong những lần đi mua ve chai, đồng nát, chú Hỏa mua cả đồ cổ sành sứ, đồng, tha, bạc, vàng rất quý hiếm mà người trong xóm lao động không hề biết giá trị thật, chỉ mang bán cho chú Hỏa với giá rất bèo của ve chai, đồng nát nên chú Hỏa đã vớ bở. Và trong một lần mua ve chai, chú Hỏa đã may mắn mua được một cái chuông cổ bằng đồng có lớp sơn đen bên ngoài để ngụy trang mà thật sự cái chuông cổ ấy được đúc bằng vàng khối mà người bán cái chuông không biết vì đây là vật dụng của gia đình truyền lại bị vất lăn lóc ở xó nhà họ muốn bán đi cho trống chỗ. Từ cái lần vớ phải "lộc trời cho" ấy chú Hỏa đã phất lên và dùng số vàng này hùn hạp làm ăn với một người Pháp mở hệ thống tiệm cầm đồ bình dân rồi tiến sang lĩnh vực bất động sản, mua đất, xây nhà cho thuê không chỉ trên đất Sài Gòn mà còn ở khắp Nam kỳ Lục tỉnh.

Tuy nhiên, việc chú Hỏa phất lên, tạo cơ nghiệp, giàu nứt đố đổ vách lại không phải như lời đồn đãi do ông mua được chuông đồng hay nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà là nhờ có vốn ban đầu, nhờ có óc nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán trong công việc cộng với cơ hội đưa đến và biết nắm bắt cơ hội đã làm nên tên tuổi của một Hứa Bổn Hỏa. Đó là lần ông trúng thầu, mua được 20.000 cái máy truyền tin phế thải của Pháp với giá hời trong lúc những ông chủ thầu khác lại không mặn mòi gì với thứ đồ vật phế thải này vì bề ngoài nó vô giá trị. Nhưng dưới con mắt của doanh nhân Hứa Bổn Hỏa thì những thứ “vô giá trị” lại biến thành vàng, bởi 20.000 bộ máy truyền tin sau khi phân kim đã cho ông một số lượng vàng rất lớn.

Nhờ số vàng này chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản mà Sài Gòn thời đó hầu như vẫn còn bỏ ngõ. Và chính Hứa Bổn Hỏa chứ không ai khác nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế, còn nhiều ao hồ quanh con rạch r 20 ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch sang lấp để xây chợ Bến Thành. Chú Hỏa đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới sang lấp quanh vị trí xây chợ và khi chợ Bến Thành xây xong, Hứa Bổn Hỏa có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng, và ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê để hốt bạc dài dài. 

Có được tiền bạc kếch sù, chú Hỏa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, chính “ Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con” đã xây dựng khách sạn Majestic nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng - Đồng Khởi bây giờ, một công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu mà ngày nay vẫn còn đẹp lộng lẫy. Rồi Nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh ngày nay, Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Kỳ Viên, khu nhà khách chính phủ, nhiều trụ sở ngân hàng, khách sạn Palace Long Hải…

Gia đình chú Hỏa cho xây nhiều công trình phục vụ người nghèo như cô nhi viện, chùa Phụng Sơn, Bệnh viện Maternité Indochinoise (nay là bệnh viện Từ Dũ), Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Phước Thiện y viện (Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày nay), Thành Chí học hiệu (Trường THCS Minh Ðức), nuôi cơm những người vô gia cư. Nhiều bậc cao niên ở Sài Gòn kể, trong nhà chú Hỏa ngày trước trưng bày đôi quang gánh trong tủ kính để nhắc nhở con cháu không quên thuở hàn vi, nhưng đến nay thì không còn nữa.

Năm 1901, ông giao sự nghiệp ở Nam Việt lại cho các con, về thăm quê và bệnh mất ở đó, được an táng ở Tuyền Châu (Phúc Kiến), hưởng dương 56 tuổi. Huỳnh Văn Hoa tuy mất, nhưng sự nghiệp cũng như phương danh Chú Hỏa đã có được những mãnh hổ xứng đáng kế thừa phát huy.

Trong cuốn biên khảo “Sài Gòn năm xưa”, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đánh giá: Nhờ giữ gìn có phương pháp nên sự nghiệp ngày càng đồ sộ thêm mãi. Sơ khởi, chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de píeté) trong Nam Kỳ. Hiện nay phố xá Sài Gòn phần lớn là của Công ty Hua Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là "rất biết điều", "không eo sách, làm khó người mướn phố".

Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa chuyển sang nước ngoài định cư, căn nhà được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Năm 1992, bảo tàng đi vào hoạt động và là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật của các thời kỳ. Bảo tàng cũng là địa điểm tổ chức các triển lãm lớn về mỹ thuật trong và ngoài nước. Hiện, nơi này mở cửa tất cả các ngày trong tuần cho khách du lịch tham quan. Trong bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật vốn là đồ dùng của gia đình Chú Hỏa.

 TH