Chuyện kênh đào Suez bị tàu container Ever Given chặn, thương mại Việt Nam ảnh hưởng lớn tới đâu?

22:02 28/03/2021

Sáng 23/3, siêu tàu container Ever Given nặng 224.000 tấn bị mắc cạn và khiến cho tuyến đường quan trọng này phải đóng cửa suốt 5 ngày qua. Vụ "kẹt tàu" lịch sử ở Suez đang khiến thế giới thiệt hại bao nhiêu? Rất khó để đưa ra một con số chính xác nhưng chắc chắn là rất nhiều. Từ khi tàu Ever Given gặp nạn đến nay, giá cả của nhiều loại dịch vụ đã lên cao bất thường.

Tàu Ever Given do Công ty Evergreen Marine điều hành bị chặn tại kênh đào Suez. Ảnh: Reuters
Tàu Ever Given do Công ty Evergreen Marine điều hành bị chặn tại kênh đào Suez. Ảnh: Reuters. 

Kênh đào Suez (Ai Cập) nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải, và là tuyến đường thủy ngắn nhất từ châu Á tới châu Âu và bờ đông của nước Mỹ. Bình thường mỗi ngày, có khoảng 50 tàu chở khối hàng hóa trị giá gần 10 tỷ USD đi qua Suez.

Hiện nay có tổng cộng 350 tàu vận tải đang phải đứng đợi ở hai đầu kênh đào Suez, đợi tàu Ever Given được giải thoát để đi qua. 

Giá cả tăng trên toàn cầu

Một công ty cho thuê tàu chở dầu cỡ rất lớn (VLCC) đang nâng giá chờ bên ngoài kênh đào Suez lên 30.000 – 50.000 USD/ngày, công ty môi giới vận tải biển Fearnleys cho hay. Giá cước trên các hải trình không đi qua Suez cũng tăng mạnh.  

Suez tắc nghẽn tác động đến Việt Nam lớn tới đâu? - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, chi phí chuyển một chiếc container loại 40 feet từ Trung Quốc tới châu Âu đã tăng lên mức 8.000 USD, cao gấp gần 4 lần một năm trước đây.

Lợi nhuận của các con tàu chở dầu VLCC từ Trung Đông tới Trung Quốc tăng lên mức 1.371 USD/ngày, mặc dù hải trình này không hề phải đi qua Suez. Nguyên nhân là tình trạng ách tắc tại Suez khiến cho nhiều tàu bị mắc kẹt, làm giảm nguồn cung tàu vận tải. 

Cỡ tàu Suezmax – tức tàu lớn nhất có thể qua kênh Suez, có thể vận chuyển 1 triệu thùng dầu đang thu về khoảng 17.000 USD mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.

Caterpillar – tập đoàn sản xuất máy công nghiệp lớn nhất của Mỹ và thuộc top đầu thế giới đang bị chậm giao hàng vì Suez đóng cửa. Công ty này thậm chí còn đang xem xét vận chuyển bằng đường hàng không một số sản phẩm, nếu cần thiết.

Các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết, giá nhiên liệu khi đến với tay người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ tăngn vì chi phí thuê các tàu chở dầu lên cao sau sự cố ở Suez.

Blooomberg dẫn lời ông Sri Paravaikkarasu – Giám đốc phụ trách chế phẩm dầu mỏ tại Công ty tư vấn FGE cho biết, nếu các tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng thì thời gian di chuyển sẽ tăng khoảng hai tuần và các tàu Suezmax (loại tàu lớn nhất có thể đi qua Suez) sẽ tiêu tốn thêm 800 tấn nhiên liệu. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu lại là cấu phần lớn nhất, chiếm tới 60% tổng chi phí hoạt động của các tàu vận tải.

Khoảng 16% lượng hóa chất nhập khẩu của Đức đến bằng tàu qua kênh đào Suez và nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất và dược phẩm Đức VCI, Henrik Meincke cho biết, họ sẽ bị ảnh hưởng do sự tắc nghẽn mỗi ngày.

Các nguồn tin trong ngành cho biết chủ sở hữu và các công ty bảo hiểm phải đối mặt với các khoản bồi thường lên tới hàng triệu USD, ngay cả khi con tàu được nhanh chóng giải tỏa. Tập đoàn cho thuê tàu Shoei Kisen cho biết công ty bảo hiểm thân tàu là Tập đoàn bảo hiểm MS & AD trong khi công ty bảo hiểm trách nhiệm là Câu lạc bộ P&I (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu) thuộc Anh.

Suez tắc nghẽn tác động đến Việt Nam lớn tới đâu?

Theo Thông tin Chính phủ, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu là 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12% so với cùng kỳ năm trước. 

Trung bình mỗi ngày, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đạt 17 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (cực nam châu Phi) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm hai tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.  “Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực Châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given nói trên”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Hiện nay Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới vận tải của toàn thế giới. “Các tàu chở hàng xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Việc này sẽ làm tăng giá cước và kéo dài thời gian vận tải thêm đáng kể”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh ngay sau khi giá cước tàu đi châu Âu hạ nhiệt, thì các tuyến đi Mỹ lại đang rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như "cá nằm trên thớt", đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày. Thậm chí, doanh nghiệp đã "book" được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.

Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.

Tàu container Ever Given dài 400 m, cao gần bằng với tòa nhà Empire State, đang chặn quá trình vận chuyển cả hai chiều tại kênh dào Suez. Đây là con kênh bận rộn nhất thế giới, nối liền châu Á và châu Âu, nơi vận chuyển dầu, nhiên liệu tinh chế, ngũ cốc và các mặt hàng thương mại khác.

Lâm Nghi