Cổ phiếu châu Âu đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 1, với chỉ số STOXX 600 toàn khu vực tăng phiên thứ sáu liên tiếp, trong khi FTSE 100 ở London đạt mức cao kỷ lục khác. Chỉ số công nghiệp Dow ghi nhận mức tăng hàng ngày thứ tám liên tiếp khi ba chỉ số chính của Phố Wall công bố mức tăng hàng tuần, nhưng chỉ số Nasdaq đóng cửa giảm nhẹ trong ngày.
Ông Dec Mullarkey, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư và phân bổ tài sản tại SLC Management ở Boston, cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng sau mùa báo cáo thu nhập khi kết quả kinh doanh tổng hợp của các công ty vượt kỳ vọng.
Ông Mullarkey nói: "Đó là sự đảm bảo cho việc duy trì tăng trưởng khi các công ty đang bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của mình".
"Trong khi ở châu Âu, triển vọng cắt giảm lãi suất đang giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trên khắp khu vực đồng euro, vì đây vẫn có vẻ là cuộc chơi có giá trị hợp lý đối với các nhà phân bổ tài sản toàn cầu", ông nói.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa tăng 0,77%, FTSE kết thúc cao hơn 0,63% và chỉ số chứng khoán của MSCI trên toàn cầu tăng 0,31%. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 0,32%, S&P 500 tăng 0,17% và Nasdaq Composite giảm 0,03%.
Đồng đô la ban đầu giảm nhẹ sau đó tăng trở lại khi các nhà đầu tư đánh giá chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ và sàng lọc một loạt bình luận từ các quan chức Fed.
Chỉ số sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đạt 67,4 trong tháng 5, mức thấp nhất trong 6 tháng và dưới mức ước tính 76,0 của các nhà kinh tế được thăm dò trước đó. Ngoài ra, kỳ vọng lạm phát trong một năm đã tăng lên 3,5% từ mức 3,2%.
Ông Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay ở Toronto, cho biết: “Thương mại theo chủ nghĩa ngoại lệ của Hoa Kỳ đang yếu dần. Chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm ngày hôm qua do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao hơn dự kiến”.
Chỉ số đô la, đo lường đồng tiền của Mỹ so với một rổ sáu đồng tiền khác, tăng 0,07% lên 105,29. Đồng euro giảm 0,1% xuống mức 1,077 USD, trong khi đồng yên suy yếu 0,17% xuống 155,74 đổi một đô la.
Đồng bảng Anh ghi nhận mức giảm nhẹ hàng tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hôm thứ Năm mở đường cho việc bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay trong tháng tới và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái trong quý đầu tiên của năm nay.
Liên quan đến tình hình lạm phát, các thị trường đang chờ đợi cả chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng vào tuần tới để biết những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có tiếp tục xu hướng giảm với mục tiêu 2% của Fed.
Báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến vào tháng trước đã dập tắt mọi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian gần của Mỹ. Nhưng các thị trường hiện đang trông đợi hoàn toàn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 11, trong khi khả năng Fed hành động vào tháng 9 đã bị thu hẹp.
Ngược lại, thị trường hiện cho rằng, 50% khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và gần như chắc chắn sẽ xảy ra vào tháng 8. Khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB sẽ giảm lãi suất vào tháng 6 được cho là khoảng 88%.
Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết, có thể có mức giảm lớn hơn mức các nhà đầu tư mong đợi, dấu hiệu mới nhất về sự khác biệt ngày càng tăng về triển vọng lãi suất giữa châu Âu và Mỹ.
Các nhà giao dịch hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm khoảng 42 điểm cơ bản trong năm nay. Để so sánh, BOE được dự đoán sẽ nới lỏng 55 điểm cơ bản trong năm nay, đồng thời kỳ vọng mức cắt giảm 68 điểm cơ bản từ ECB.
Giá dầu giảm khoảng 1 USD/thùng do bình luận từ các quan chức Fed cho thấy, lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, điều này có thể cản trở nhu cầu từ những nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Giá vàng tăng, hướng tới tuần tốt nhất trong 5 tuần, với giá vàng thỏi không lợi suất được thúc đẩy bởi dữ liệu việc làm kém hơn của Mỹ trong tuần này, củng cố kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá vàng tương lai của Mỹ giao tháng 6 tăng 1,5% ở mức 2.375,00 USD/ounce.
Lân Nguyễn (theo Reuters)