Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Nếu giữ được uy tín lâu dài, việc kinh doanh toàn cầu không khó

17:11 29/08/2022

Để đạt được thành công này, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intimex luôn đề cao chữ tín. Ông nhận định rằng: “Nếu có chữ tín thì tiền không phải là vấn đề quyết định. Đó chính là bài học đầu tiên tôi rút ra được trong cuộc đời làm thương mại của mình.”

 

Ảnh minh họa

  

Ông Đỗ Hà Nam sinh năm 1956. Ông có bằng Kỹ sư Kinh tế nông nghiệp - Đại học Bách khoa Hà Nội và bằng Cử nhân Kinh tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Về nước năm 1979 sau thời gian học tập tại Bulgaria, Đỗ Hà Nam đầu quân cho Công ty Vật tư tổng hợp (thuộc Bộ Vật tư) đóng trên địa bàn tỉnh Phú Khánh với vị trí nhân viên vật tư, phụ trách kinh doanh thiết bị, máy móc trước năm 1975 để lại sau đó tháo phụ tùng và bán cho các doanh nghiệp, nhà máy trong hệ thống nhà nước nhằm tái sử dụng. Vốn xuất thân là dân kỹ thuật, Đỗ Hà Nam hiểu được giá trị sử dụng của từng thiết bị nên giá bán ông đưa ra thường hợp lý, ngoài ra ông còn xin đi ra phía Bắc khai thác vật tư dư thừa của địa phương khác mà ở Phú Khánh cần, đem về cho cơ quan nhiều lợi nhuận. Nhờ vậy, ông được bổ nhiệm vị trí Phó phòng khi còn rất trẻ.

Năm 1989, khi tỉnh Phú Khánh tách ra thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa và khi Công ty Intimex thành lập chi nhánh ở Đà Nẵng, ông Đỗ Hà Nam chuyển về Quảng Nam - Đà Nẵng công tác. Trở lại quê hương của mình, ông tiếp tục phát huy kinh nghiệm từ những năm tháng làm vật tư, tìm tòi nguồn hàng phục vụ cho địa phương.

Vào thời điểm đó, Intimex là doanh nghiệp xuất khẩu với thị trường chính là Liên Xô. Ông Đỗ Hà Nam nhận thấy, ngoài hàng thủ công mỹ nghệ, người dân Liên Xô rất cần hàng nông sản vì thế họ sẵn sàng đổi những sản phẩm điện tử, điện gia dụng, thậm chí xe ô tô để lấy hàng nông sản từ Việt Nam, đặc biệt là cà phê. Ông cũng nhận ra rằng, đối với sản phẩm cà phê, không chỉ mỗi người Liên Xô mà cả thế giới đều có nhu cầu. Điều quan trọng nữa là làm cà phê xuất khẩu đúng nghĩa thương trường và nếu thành công thì có thể đi cả thế giới và trở thành doanh nghiệp của thế giới. Vì thế ông quyết tâm theo đuổi mặt hàng này bằng cách đem cà phê xuất khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa với các nước Xã hội chủ nghĩa. Sau đó nhập ô tô, các thiết bị điện tử, điện gia dụng…, nhập xe máy về bán lại cho người dân trong nước.

Từng học tập ở nước ngoài nên Đỗ Hà Nam có lợi thế về sự am hiểu về thị trường, văn hóa tiêu dùng, kết hợp với niềm đam mê ông đã đem về lợi nhuận rất lớn cho Công ty, bằng cả hệ thống ngành nghề mà Công ty đang khai thác. Từ thành công này, ông được đề bạt lên vị trí Phó Giám đốc rồi Giám đốc Chi nhánh. 

Năm 1996, ông Đỗ Hà Nam được điều động vào TP.Hồ Chí Minh giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Intimex TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, cũng chẳng khác gì ở Đà Nẵng lúc mới nhận nhiệm vụ, ngoài cái tên công ty, mọi thứ ông phải xây dựng lại từ đầu và đưa Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh trở thành đơn vị mạnh của Công ty và do vậy ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex (Bộ Thương mại) tại Hà Nội.

Năm 2006, khi có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi rất nhiều doanh nghiệp sợ cổ phần hóa, sợ phải xa “bầu sữa mẹ”, tìm cách thoái thác thì ông Đỗ Hà Nam lại xung phong xin được thí điểm. Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và sự quyết tâm của “thuyền trưởng” Đỗ Hà Nam, Intimex TP.Hồ Chí Minh được cổ phần hóa nhanh chóng và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2006.

Ông nhận thấy mảng kinh doanh cà phê lâu nay dù khá ổn định nhưng nếu chỉ mỗi cà phê thì quá rủi ro. Vì thế ông chủ trương phát triển thêm các sản phẩm tiềm năng như hồ tiêu, hạt điều, gạo. Đồng thời, từ chỗ chỉ tập trung làm thương mại, ông tiến đến xây dựng nhà máy chế biến sâu, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng.

Ngoài Intimex, doanh nhân sinh năm 1956 này còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bê tông Hòa Cầm (mã HCC) và CTCP Mascopex, cả hai công ty này đều là thành viên của Intimex Group. Bên cạnh đó, ông Nam còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), Chủ tịch các câu lạc bộ các nhà XK cà phê Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Hà Nam, Intimex Group luôn độc chiếm vị trí dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu trong nhiều năm liên tục, giúp vị chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn được gọi là “ông vua xuất khẩu cà phê” của Việt Nam. Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Với doanh thu hơn 38.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 900 triệu USD và 11 nhà máy chế biến cà phê, điều, tiêu, gạo..., Intimex xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2014...

Để đạt được thành công này, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intimex luôn đề cao chữ tín. Ông nhận định rằng: “Nếu có chữ tín thì tiền không phải là vấn đề quyết định. Đó chính là bài học đầu tiên tôi rút ra được trong cuộc đời làm thương mại của mình.”

Vì giữ đúng thời hạn trả nợ, lại trả bằng ngoại tệ mạnh trong khi vay bằng tiền đồng nên các ngân hàng thương mại lớn luôn cấp đủ vốn theo nhu cầu của Intimex. Vì giữ được giá tốt nên bên bán, từ lúa, gạo, cà phê, điều, tiêu đều muốn bán cho Intimex, bên mua là 33 đối tác thường xuyên ở các nước đều muốn mua những sản phẩm ấy của Intimex.

Trước đây, trong ngành gạo, chuyện không giữ chữ tín ở cả người bán lẫn người mua là khá phổ biến, nhất là những khi biến động giá. Intimex Group vốn luôn giữ chữ tín trong kinh doanh cà phê, nên khi kinh doanh gạo cũng luôn mang theo chữ tín ấy. Không ít lần do giá biến động, nhà cung ứng "xù hợp đồng", trong khi hợp đồng xuất khẩu, tập đoàn đã ký với khách hàng nước ngoài, thời gian giao hàng cũng đã cận kề.

Những lần ấy, để giữ uy tín với khách hàng, chúng tôi phải nỗ lực hết sức tìm nguồn cung khác để đủ hàng giao đúng chủng loại, khối lượng và thời gian đã thỏa thuận. Việc chịu khó tiếp cận, đeo bám khách hàng, nhất là những khách hàng lớn cũng đã tạo nên sự thành công của Intimex Group trong xuất khẩu gạo.

Chẳng hạn, với công ty thương mại nông sản lớn nhất thế giới là Louis Dreyfus - LDC (Hà Lan), chúng tôi đã phải mất tới 6 năm tiếp cận, đến năm 2018 họ mới chấp nhận mua gạo của Intimex Group. Từ đó đến nay, khách hàng này luôn cần một lượng gạo không nhỏ của Intimex Group.

"Chúng tôi rút ra bài học là nếu giữ được uy tín lâu dài, việc kinh doanh toàn cầu không khó. Và nhờ giữ được uy tín nên các bên liên kết ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Nguyên đều muốn làm ăn lâu dài với Intimex. Do đó, năm 2021, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng tôi vẫn đạt gần 1,1 tỷ USD, vượt 22%, doanh thu đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 26%, lợi nhuận tăng 43% so với năm 2020", ông Nam cho biết. 

Trong hàng chục năm sự nghiệp, một trong những điều ông đúc kết được là: Xây dựng uy tín để giúp bạn vượt qua khó khăn dễ dàng hơn; Không ngừng học hỏi mọi lúc, mọi nơi để thành công, nhất là nếu không có khả năng thiên bẩm; Cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết và cố gắng tạo sự khác biệt. 

Hải Anh (t/h)