Chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc bị cản trở bởi biến thể omicron

17:50 08/05/2022

Xuất khẩu vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đã giảm do khả năng bảo vệ chống lại biến thể omicron (có khả năng truyền nhiễm cao) yếu hơn so với các sản phẩm từ Mỹ và châu Âu, điều này đã làm cản trở chính sách ngoại giao vắc xin của nước này.

Một y tá xử lý các lọ vắc xin COVID-19 của Sinopharm tại một trung tâm y tế ở Venezuela vào tháng 3 năm 2021. © Reuters
Các lọ vắc xin COVID-19 của Sinopharm tại một trung tâm y tế ở Venezuela vào tháng 3 năm 2021. Ảnh: Reuters.

Theo UNICEF, Sinopharm, Sinovac Biotech và Cansino Biologics đã xuất khẩu tổng cộng 6,78 triệu liều trong tháng 4, giảm 97% so với mức đỉnh vào tháng 9 năm 2021. Điều này bao gồm vắc xin trong đó một số quy trình sản xuất, chẳng hạn như đóng chai, được tiến hành ở nước ngoài.

Trong khi đó, 55,69 triệu liều vắc xin do Pfizer và BioNTech của Đức hợp tác phát triển đã được xuất khẩu trong tháng 4, giảm 71% so với tháng 9 nhưng gấp hơn 8 lần so với con số của Trung Quốc. Xuất khẩu của Moderna của Mỹ giảm 57% xuống 16,49 triệu USD.

Theo Công ty nghiên cứu Airfinity của Anh, ngay cả khi vắc xin Trung Quốc được sử dụng cho mũi thứ nhất hay mũi thứ hai, việc sử dụng chúng như một mũi tiêm nhắc lại thứ ba đã giảm mạnh. Số lần vắc-xin Trung Quốc được sử dụng để tiêm nhắc lại so với mũi đầu tiên đã giảm mạnh 98% ở Pakistan, 93% ở Indonesia, 92% ở Bangladesh và 74% ở Brazil. Công ty Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh lưu ý rằng, Brazil và Indonesia đã không gia hạn hợp đồng hết hạn vào năm ngoái đối với vắc xin Trung Quốc.

Trung Quốc ban đầu giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu vắc xin COVID-19 sau khi các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc, Mỹ và châu Âu bắt đầu thương mại hóa chúng vào khoảng cuối năm 2020. Bắc Kinh đã nhanh chóng cung cấp liều lượng cho các khu vực như Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Điều này một phần là do vắc xin Trung Quốc là lựa chọn khả dụng duy nhất cho các quốc gia đang phát triển vì Mỹ và châu Âu đã đảm bảo số lượng lớn liều cho công dân của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng cho rằng, nước này đang góp phần vào cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, nhưng đà này đã không kéo dài.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể omicron kể từ mùa thu là một yếu tố chính, vì các quan chức y tế Trung Quốc thừa nhận rằng vắc-xin Trung Quốc không có hiệu quả chống lại omicron. Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 3 của Đại học Hồng Kông và những bên khác, một nghiên cứu trên khoảng 4.300 người bị nhiễm bệnh sau khi tiêm hai mũi ở Hồng Kông cho thấy số người có các triệu chứng nghiêm trọng được tiêm vắc xin Sinovac nhiều hơn gấp ba lần những người được tiêm chủng Pfizer.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, vắc-xin do Trung Quốc sản xuất kém hiệu quả hơn so với vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA mới hơn, chẳng hạn như vắc-xin do Pfizer và Moderna sản xuất.

Nhu cầu toàn cầu về vắc xin COVID-19 đang giảm. Khoảng 10,5 triệu liều được sử dụng hàng ngày, giảm 71% so với cuối năm ngoái, theo dự án Our World in Data tại Đại học Oxford.

Matt Linley, nhà phân tích chính tại Airfinity cho biết: “Với các biến thể omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, mọi người không muốn dùng nhiều liều hơn nữa. Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu vắc-xin của Trung Quốc là đáng chú ý. Tỷ lệ tiêm phòng của Trung Quốc rất cao nên không phải nước này không đủ hàng để xuất khẩu.

Sự sụt giảm này là một bước lùi đối với chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh gây áp lực buộc các quốc gia đang phát triển ủng hộ lập trường của mình trong các vấn đề như Đài Loan để đổi lấy vắc xin. Vào tháng 2 năm 2021, quốc gia Nam Mỹ Guyana đã hủy bỏ thỏa thuận thành lập văn phòng ngoại giao tại Đài Loan sau khi thông báo rằng họ chấp nhận nhận tài trợ vắc-xin của Trung Quốc.

Hiện nay, các ca nhiễm mới đang giảm ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, nơi các ổ dịch đã được báo cáo ở các thành phố như Thượng Hải. 

Minh Anh