Chính sách hỗ trợ thuế cần mạnh hơn

00:00 12/10/2020

Cuối tháng 7/2020, với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong lúc này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các DN việc tính toán lại hiệu quả và bổ sung, mở rộng các chính sách hỗ trợ tài chính cần được nhanh chóng triển khai.

Những kết quả không như dự tính

Để phục hồi nền kinh tế trong các tháng đầu năm vừa qua, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN được Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành triển khai thực hiện. Riêng trong nhóm chính sách tài khóa, tháng 4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 nhằm gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19. Đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 42 với gói tài chính 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 7/2020, mặc dù cơ quan này đã tiếp nhận gần 180.000 đơn đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của DN theo Nghị định 41, nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của DN được gia hạn thời gian nộp trên thực tế chỉ đạt 28.900 tỷ đồng; số thuế thu nhập DN được gia hạn cũng chỉ ở mức 20.500 tỷ đồng. Đến ngày 30/7 là ngày kết thúc thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 nhưng tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn chỉ khoảng hơn 53.600 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu của Bộ Tài chính là 180.000 tỷ đồng.

Ở gói hỗ trợ tài chính 62.000 tỷ đồng, kết quả thực hiện cũng khá khiêm tốn. Tính đến cuối tháng 6/2020 mặc dù các địa phương đã phê duyệt chi ra khoảng 20.000 tỷ đồng cho 15,8 triệu đối tượng người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng gần 500 người thuộc nhóm lao động bị mất việc làm do dịch bệnh được hưởng gói hỗ trợ này. Trong khi đó, cả nước có khoảng gần 8 triệu người lao động bị mất việc, thiếu việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong các tháng vừa qua.

Khảo sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện trong tháng 4 cho thấy rằng, mặc dù các DN đánh giá cao những giải pháp hỗ trợ tài chính của Chính phủ, nhất là các hỗ trợ hoãn nộp thuế, hoãn nộp bảo hiểm xã hội, và miễn giảm các loại phí giao dịch... Tuy nhiên, nhóm DN dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ thì tỷ lệ các DN không biết đến hoặc chưa tiếp cận được nguồn tiền hỗ trợ vẫn ở mức cao. Đơn cử như tại TP.HCM, tính đến đầu tháng 7/2020 có khoảng gần 41.500 DN, cá nhân kinh doanh nhỏ và hộ gia đình xin gia hạn thời gian nộp thuế. Nhưng số lượng hồ sơ đã nhận được hỗ trợ, theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, chỉ chiếm tỷ lệ không lớn.

Cần giảm thuế ít nhất trong 2 năm

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) với việc dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam và lây lan mạnh trong những tuần vừa qua, thì trong các tháng cuối năm 2020 các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ trong nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nếu các DN ở các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh không được hỗ trợ thực chất thì nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vào năm 2021-2022 sẽ rất mong manh.

Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và DN (thuộc NCIF) cho rằng, hiện nay việc giảm thuế thu nhập DN đối với nhiều ngành hàng đã không còn tác dụng rộng rãi, bởi đa số các DN đều bị đình trệ sản xuất, kinh doanh không phát sinh thu nhập phải nộp thuế. Vì vậy để chính sách hỗ trợ thuế hiệu quả hơn và thực chất hơn là Chính phủ nên tính toán giảm một phần thuế suất thuế GTGT. Theo tính toán của NCIF trong giai đoạn 2020-2022, Chính phủ nên giảm 1-2 điểm phần trăm đối với thuế GTGT. Bởi nếu thuế GTGT giảm được 1% thì tổng cầu cuối cùng tăng 0,42 điểm phần trăm, GDP tăng 0,13 điểm phần trăm, tiêu dùng tăng 0,23 điểm phần trăm, còn nếu VAT giảm 2%, tổng cầu cuối cùng tăng 0,75 điểm phần trăm, GDP tăng 0,23 điểm phần trăm, tiêu dùng tăng 0,42 điểm phần trăm. Điều này rất có lợi trong việc duy trì nền tảng phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm với NCIF, các chuyên gia tại ADB cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc giảm thuế thu nhập DN, hoặc hoãn thời gian nộp các loại thuế là chưa đủ. Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thực hiện giải ngân nhanh hơn gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng, nới rộng các điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ này. Ngân sách Trung ương ngoài việc giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm cũng cần ưu tiên giải ngân ở những dự án tạo công ăn việc làm, thu nhập ngay cho người dân. Các DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các DN hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, thu hút giữ chân được người lao động cũng cần được giảm tất cả các loại thuế, phí để duy trì nền tảng phục hồi.

Quan sát thực tế, từ cuối tháng 4/2020, ngay sau khi Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ DN khôi phục nền kinh tế, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng đã có văn bản tổng hợp kiến nghị của nhiều hiệp hội, ngành hàng đề xuất giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Những tháng vừa qua, nhiều hiệp hội ngành hàng như 150 DN lĩnh vực giáo dục đào tạo tại các thành phố lớn, Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Sở Du lịch TP.HCM… cũng đã gửi kiến nghị đến Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian hoãn tiền nộp thuế và giảm 50% thuế GTGT để các DN có điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động. Theo phân tích của các DN việc giảm thuế GTGT và giảm mức đóng các chế độ bảo hiểm xã hội trong bối cảnh các DN vừa khôi phục lại hoạt động như hiện nay sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng. Từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây có thể xem là giải pháp phù hợp để khoan sức DN, khoan sức dân để vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Thạch Bình