Chiêu trò của chó sói, cá mập để ăn thịt cừu non, cá con trên thị trường chứng khoán và tiền điện tử

14:43 20/05/2021

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã làm cho hầu hết người dân trên thế giới phải ở nhà và công ăn việc làm đều bị ngưng trệ. Do đó, người dân tìm kiếm việc làm online để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống là điều tất yếu. Ngoài những người có công việc rất tốt để làm tại nhà, làm online thì có những người khác lại bị chiêu dụ vào mạng lưới tiếp thị đa cấp (Multi-Level Marketing) và nhiều chiêu trò lừa đảo khác thông qua những lời chào mời hấp dẫn, điều kiện dễ dàng và hứa hẹn có mức thu nhập cao.

  • Lý thuyết về kẻ ngu ngốc hơn

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã làm cho hầu hết người dân trên thế giới phải ở nhà và công ăn việc làm đều bị ngưng trệ. Do đó, người dân tìm kiếm việc làm online để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống là điều tất yếu. Ngoài những người có công việc rất tốt để làm tại nhà, làm online thì có những người khác lại bị chiêu dụ vào mạng lưới tiếp thị đa cấp (Multi-Level Marketing) và nhiều chiêu trò lừa đảo khác thông qua những lời chào mời hấp dẫn, điều kiện dễ dàng và hứa hẹn có mức thu nhập cao. Điều này đã làm cho rất nhiều người dính bẫy và càng lâm vào cảnh điêu đứng hơn nhưng không biết tỏ cùng ai hoặc không thể lấy lại những gì đã bị lừa đảo vì các hành vi lừa đảo này có rất tinh vi, có tổ chức. Do đó, nhiều cơ quan chính phủ và cơ quan truyền thông Hoa Kỳ luôn cảnh báo người dân về những hành vi lừa đảo này qua những câu từ khá phổ biến cho người dân như “Be careful, Scam attempts and Fraud are on the rise” (Tạm dịch: Hãy cẩn thận, các nỗ lực Lừa Đảo và Gian Lận đang gia tăng) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) thông qua trang website www.consumer.ftc.gov/articles/how-avoid-scam cũng có thông tin hướng dẫn làm thế nào để nhận biết và tránh bị lừa đảo đến người dân Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó không ít người dân của các nước trên thế giới nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ và Việt Nam nói riêng đã tham gia đầu tư vào chứng khoán (Stock) cũng như tiền điện tử (Cryptocurrency) để nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập. Những nhà đầu tư cá nhân hay còn gọi là F0 này xuất phát từ rất nhiều ngành nghề và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đa số những F0 này có điểm chung là thiếu kiến thức trong lĩnh vực kinh tế tài chính, chứng khoán và tiền điện tử, thiếu cả các yếu tố cần có của một nhà đầu tư là phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) cùng phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) và kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán hoặc tiền điện tử hầu như rất hạn chế. Nhưng điểm nổi bật ở những nhà đầu tư F0 này, đặc biệt như người Việt tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam là tinh thần khá lạc quan, mơ mộng khi tham gia thị trường đầu tư chứng khoán cũng như tiền điện tử. Họ rất phấn khích và đầy tham vọng cùng sự ảo tưởng rằng bản thân mình biết tất cả nên đầu tư rất mạnh, thậm chí có rất nhiều người dùng hết tất cả số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm vất vả tích lũy hoặc mượn nợ để đầu tư vào chứng khoán cũng như tiền điện tử (nhiều người còn gọi là tiền ảo hay tiền kỹ thuật số).

Chính những điều này của F0 và trào lưu người người kéo nhau đổ tiền vào đầu tư đã góp phần làm nhiều cổ phiếu và đồng tiền điện tử tăng vọt. Ban đầu có một số nhà đầu tư F0 kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ chứng khoán và tiền ảo nên càng khiến họ hăng say đầu tư mạnh tay hơn và nhiều người rất tự hào về khả năng của bản thân khi cho rằng không cần những yếu tố cần thiết của một nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp (Financial Analyst) hay một nhà phân tích chứng khoán chuyên nghiệp (Securities Analyst) thì họ vẫn dễ dàng dành chiến thắng. Suy nghĩ và hành động này của F0 được xem tương tự như Lý thuyết về kẻ ngu ngốc hơn (Greater Fool Theory) trong đầu tư. Những F0 này cho rằng, sẽ dễ dàng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán hoặc thị trường tiền điện tử cho dù họ có mua ở mức giá nào (cao hoặc thấp không quan trọng) thì họ cũng sẽ dễ dàng bán ra cho một “kẻ ngu ngốc hơn” để kiếm lợi nhuận. Cứ như vậy cho đến khi “kẻ ngu ngốc cuối cùng” sẽ là người mua giá cao nhất và “kẻ ngu ngốc cuối cùng” này bán ra nhưng sẽ không ai mua, để rồi phải chịu cay đắng tiền mất tật mang.

Chó sói và bầy Cừu non

Khi phong trào nhà nhà, người người đầu tư vào chứng khoán và đồng tiền điện tử cũng như nhiều nhà đầu tư F0 hăng say điên cuồng trên thị trường thì lập tức xuất hiện các đối tượng để lôi kéo các nhà đầu tư F0 vào bẫy. Những đối tượng này là những thành phần được gọi là “siêu lừa đảo” hoặc “Chó sói”, ngược lại hầu hết nhà đầu tư F0 được xem như những “Cừu non”. Chiêu trò của các “Chó sói” là tùy theo từng cộng đồng khác nhau sẽ tạo ra những nhóm công khai (Public) hoặc riêng tư (Private) trên nền tảng mạng xã hội khác nhau để lôi kéo nhiều thành viên đầu tư chứng khoán hoặc tiền điện tử vào tham gia nhóm của họ. Với người Việt ở Mỹ thì họ lôi kéo cộng đồng người Việt vào những nhóm ở phổ biến trên Facebook và Discord, trong khi ở Việt Nam thì họ lôi kéo cộng đồng vào những nhóm vào Facebook và Zalo.

Để thu hút người vào nhóm của chúng thì “Chó sói” có rất nhiều chiêu trò khác nhau, bao gồm các bài viết, các bài chia sẻ thông tin mà cộng đồng quan tâm để vào theo dõi và có lòng tin vào họ. Khi đề cập đến vấn đề chứng khoán và tiền điện tử thì các thành phần “siêu lừa đảo” này thường có các mỹ từ với nội dung đại loại như “chúng ta cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau làm giàu, người Việt giúp người Việt” với vài thủ lĩnh (Admin) cho mỗi nhóm đó. Ban đầu trong nhóm thường trao đổi thông tin tích cực, thậm chí những thông tin và chia sẻ giúp ích cho nhiều thành viên trong nhóm giành chiến thắng trong đầu tư chứng khoán và tiền điện tử. Rồi sau đó, các thành viên này chụp màn hình (Screenshots) để đưa thông tin chiến thắng lên nhóm làm bằng chứng, viết nhiều dòng cảm ơn đến các thủ lĩnh đã tạo ra nhóm cũng như chia sẻ những cổ phiếu mà họ cho là có giá trị để đầu tư. Ngay sau đó, các thành viên khác chủ yếu là “Chim mồi” vào bình luận tích cực và ca ngợi các thủ lĩnh của nhóm. Điều này đã làm cho nhiều thành viên khác trong nhóm tin tưởng tuyệt đối vì có nhân chứng, vật chứng rất rõ ràng, thuyết phục. Lúc này các thành viên thủ lĩnh và “chim mồi” sẽ tìm 1001 lý do để quyên góp tiền từ các thành viên trong nhóm, chẳng hạn như lý do quyên góp tiền làm từ thiện hay tiền lệ phí hàng tháng để các thủ lĩnh duy trì hoạt động hỗ trợ nhóm. Đặc biệt, đến thời điểm chín mùi khi con mồi hoàn toàn tin tưởng thì “Chó sói” bắt đầu tung ra thông tin các cổ phiếu mà thực chất họ đã mua sẵn để hàng ngàn người đến hàng chục ngàn người, hàng trăm ngàn người trong nhóm vào mua những cổ phiếu hay đồng tiền điện tử này.

Ngoài một số nhóm hoạt động chủ yếu trên Facebook hoặc Discord thì một số nhóm khác còn hoạt động rất mạnh thông qua kênh Youtube để phát tin tức, bình luận, dẫn chứng về những điều tốt đẹp, tích cực và phát hành hàng ngày ít nhất 1-2 video clip nhằm mục đích kêu gọi những nhà đầu tư cá nhân F0 “ngây ngô” bỏ tiền vào đầu tư những cổ phiếu hoặc những đồng tiền ảo mà họ đã mua sẵn. Thậm chí ở Việt Nam còn có một số thành phần trong giới văn nghệ sĩ đứng ra quảng cáo, làm cò mồi cho những “Chó sói” này. Khi số lượng nhà đầu tư vào cùng một lúc quá nhiều với số lệnh đặt mua lớn sẽ góp phần giúp giá cổ phiếu hoặc giá trị tiền điện tử tăng lên, đặc biệt là những cổ phiếu mệnh giá thấp, rất rũi ro (còn gọi là Penny Stocks hay những cổ phiếu không tốt) và đồng tiền kỹ thuật số đã tăng giá phi lý một cách chống mặt chỉ trong một thời gian ngắn. Đây thực chất là cái bẫy tăng giá (Bull trap) của “Chó sói” để đưa những “bầy Cừu non” vào tròng.

Với những “Cừu non” không có đủ khả năng, kiến thức, kinh nghiệm cùng lòng tham không giới hạn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn và lôi kéo nhiều người khác vào đầu tư cùng. Hơn nữa, khi giá tăng mạnh thì nhiều nhà đầu tư F0 khác lại có tâm lý sợ mất cơ hội (Fear of Missing Out hay FOMO) nên lao vào mua bất chấp như con thiêu thân. Lúc này, những “Chó sói” sẽ lòi bản chất “siêu lừa đảo” và họ bán ra hàng loạt cổ phiếu hoặc đồng tiền điện tử mà họ đã mua sẵn khi giá ở trên đỉnh để thu về bạc trăm ngàn đô la Mỹ đến bạc triệu đô la Mỹ từ lợi nhuận mà các cổ phiếu hoặc đồng tiền điện tử này mang lại. Trong khi đó, khi giá tụt giảm bất ngờ không phanh thì các thành viên ngây thơ và các nhà đầu tư F0 nhận ra thì cũng đã muộn. Người nhanh tay bán tháo ra (Balling out) thì lỗ ít, người chậm thì lỗ nhiều và người cố chấp giữ đến cùng không bán ra với hy vọng sẽ có “cú nảy con mèo chết” (Dead Cat bounce) để hy vọng lấy lại được tiền đầu tư. Nhưng thực tế hầu hết chỉ nhận kết quả là tiền mất tật mang và nhiều người đầu tư dùng những từ vui như “Hold to die, đu đỉnh, ở trên đảo hoang, thuyền xa bờ quá rồi mà không biết khi nào trở lại đất liền, em đi xa quá em đi xa anh quá”.

Khi thất bại liên tiếp thất bại thì mọi thứ không còn đẹp, không còn màu hồng như trước. Các thành viên bắt đầu nặng lời qua lại và mọi chuyện rất phức tạp làm tổn thương nhau trên mạng xã hội (Drama). Có rất nhiều người gốc Việt tại Mỹ đã mất sạch tất cả tiền bạc, khó khăn chồng chất khó khăn khi đầu tư vào chứng khoán và đồng tiền điện tử vì lại thiếu hiểu biết, tham lam, mê muội đi theo nhiều nhóm trên mạng xã hội đã làm cho tan nhà nát cửa. Có trách, có kiện thì cũng không làm gì được khi người chịu hậu quả cuối cùng là chính những “Cừu non” này và người chiến thắng luôn là những “Chó sói”, những kẻ được xem là “siêu lừa đảo”. Hiện nay, tại Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều nhóm hoạt động với hình thức này thông qua Facebook, Discord, Zalo. Nhóm chân chính chia sẻ thông tin hữu ích thì ít mà nhóm lôi kéo như kiểu tiếp thị đa cấp lừa đảo người vào sau để trục lợi thì rất nhiều. 

Cuộc khảo sát của công ty Statista về khách hàng toàn cầu đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng tiền điện tử ở Việt Nam cao thứ 2 trong cuộc khảo sát chỉ sau Nigeria (Nguồn: Statista)
Cuộc khảo sát của công ty Statista về khách hàng toàn cầu đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng tiền điện tử ở Việt Nam cao thứ 2 trong cuộc khảo sát chỉ sau Nigeria (Nguồn: Statista).

Cá mập và đàn cá con

Khi tham gia thị trường chứng khoán và tiền điện tử, nhiều nhà đầu tư hẳn sẽ biết từ “Cá mập”. Những “Cá mập” có thể hiểu cơ bản là những tỉ phú, những quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc tiền kỹ thuật số. Những “Cá mập” này có khả năng thao túng giá cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu có mệnh giá thấp (Penny Stock) hoặc tiền điện tử bằng nhiều chiêu trò khác nhau để có thể điều khiển giá cả lên hoặc xuống theo ý của họ. Nhiều “Cá mập” thường dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter và cơ quan truyền thông báo chí để đưa ra những tin tức khác nhau nhằm thao túng thị trường hay còn gọi là thổi giá cổ phiếu lên cao (Pump) hoặc liên tục bán ra để giá lao dốc một cách thảm hại (Dump) mà họ nắm giữ. Những chiêu trò Pump và Dump này “Cá mập” thường áp dụng không chỉ ở thị trường chứng khoán (Stock) mà còn rất phổ biến ở thị trường tiền điện tử (Cryptocurrency), Hối đoái (Forex) và Vàng (Gold). Sau một thời gian dẫn dắt con mồi chủ yếu là những nhà đầu tư F0 hay còn gọi là “Cá con” vào bẫy để Pump và Dump thì chiến thắng cuối cùng cũng như tài sản hầu như đều vào tay những con “Cá mập” này. Ngược lại, bên thua cuộc và tiền mất tật mang đa phần vẫn là những nhà đầu tư cá nhân F0. Chiêu trò của “Cá mập” có thể đẳng cấp cao và tầm vĩ mô hơn “Chó sói”, nhưng bản chất cuối cùng vẫn chỉ là lợi ích của họ. Bên chiến thắng luôn là “Cá mập” và “Chó sói”, ngược lại bên thua cuộc luôn là “đàn Cá con” và “bầy Cừu non”.

Điển hình hiện nay, cả thế giới đều thấy Elon Musk là Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện TESLA đã có những chiêu trò Pump-Dump rất rõ. Cụ thể, ngoài những tiềm năng đã thu hút nhà đầu tư của Công ty TESLA và Space X đã biến Elon Musk trở thành tỉ phú giàu đứng thứ 2 thế giới với tổng tài sản 151 tỷ đô la Mỹ, chỉ đứng sau Jeff Bezos ông chủ của tập đoàn Amazon với khối tài sản trị giá 177 tỷ đô la Mỹ theo công bố của Forbes vào tháng 04/2021 (www.forbes.com). Với sự nổi tiếng của mình và có khoảng 55 triệu người theo dõi trên Twitter, Elon Musk liên tục đưa ra những trạng thái, hình ảnh và những dòng chia sẻ tuy ngắn gọn trên Twitter nhưng đã tác động rất lớn đến giá cổ phiếu của TESLA. Khi Elon Musk đưa ra những chia sẻ tích cực giá cổ phiếu TESLA tăng vọt, nhưng khi Elon Musk đưa ra thông tin tiêu cực thì giá cổ phiếu lao dốc. Chẳng hạn như ngày 01/05/2020, Elon Musk đã đăng tweet rằng “Giá cổ phiếu của TESLA đang quá cao”. Ngay sau đó hàng loạt nhà đầu tư lo sợ bán tháo cổ phiếu khiến giá cổ phiếu của TESLA giảm 10,3%, mất tương đương 15 tỉ đô la Mỹ. Điều này đã làm cho Elon Musk bị dính đơn kiện lên tòa án tiểu bang Delaware từ cổ đông Chase Gharrity khi cho rằng Elon Musk đã có hành động khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng chục tỉ đô la và nhiều chuyên gia cũng báo buộc Elon Musk tội thao túng thị trường.

Hơn nữa, trước đó vào tháng 08/2018, Elon Musk đã đưa ra dòng Tweet rằng: “sẽ cân nhắc việc đưa doanh nghiệp TESLA về làm công ty tư nhân ở mức giá cổ phiếu là 420 đô la và khẳng định nguồn vốn để thực hiện ý định này được đảm bảo”. Đầu tháng 09/218 Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã điều tra về khả năng Elon Musk đang cố tình thao túng giá cổ phiếu. Ngày 29/09/2018, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ đã chính thức buộc tội Elon Musk về gian lận chứng khoán (www.sec.gov/news/press-release/2018-226). Elon Musk bắt buộc phải từ chức chủ tịch TESLA và đóng tiền phạt 40 triệu đô la Mỹ.

Với 2 vụ kiện tụng liên quan đến cổ phiếu TESLA, Elon Musk đã chuyển hướng qua cổ xúy tiền điện tử hay còn gọi là tiền ảo hoặc tiền kỹ thuật số. Có thể nói tỷ phú Elon Musk được xem như “Bố già” của thị trường tiền điện tử hiện tại khi sự tác động của Elon Musk là rất lớn, rất rõ ràng đến sự biến động giá cả của thị trường tiền điện tử này. Điển hình như vào tháng 02/2021 Elon Musk công khai ủng hộ Bitcoin (BTC) khi dùng 1,5 tỷ đô la của công ty TESLA để mua Bitcoin và thông báo rằng TESLA sẽ chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán cũng như Elon Musk luôn viết những thông tin (tweet) về Bitcoin. Chính những điều này đã khiến cho Bitcoin tăng giá kỉ lục khi có lúc vượt ngưỡng trên 63,000 đô la/ Bitcoin và đạt giá trị thị trường 1.000 tỷ đô la Mỹ. Tạp chí Business Insider đã công bố nghiên cứu từ Công ty Wedbush Securities (www.wedbush.com) vào ngày 21/02/2021 cho rằng TESLA có khoản lãi hơn 1 tỷ đô la Mỹ nhờ đầu tư vào Bitcoin. Tuy nhiên, khi thế giới tiền điện tử Bitcoin đang ngủ say trên chiến thắng thì Elon Musk đã bất ngờ đưa thông điệp trên Twitter vào ngày 12/05/2021 rằng Công ty TESLA sẽ dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin với lý do là vì vấn đề môi trường. Điều này là quyết định hoàn toàn trái ngược so với những dòng tweet trước đây là TESLA chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ngay lập tức sau đó giá trị đồng Bitcoin lao dốc giảm ít nhất 10% và kéo theo những dòng tiền kỹ thuật số khác cũng bị lao dốc.

Chưa dừng lại cho hành động “trở mặt” Bitcoin làm cho giá Bitcoin tiếp tục đà giảm khi ghi nhận ngày 16/05/2021 giá giao dịch Bitcoin có lúc rơi xuống còn 48,700 đô la/Bitcoin và ngày 17/05/2021 tiếp tục lao dốc mạnh ở mức giá đáy là dưới 43,000 đô la/ Bitcoin. Elon Musk giờ đây lại đưa ra những thông điệp trên Twitter rằng sẽ ủng hộ đồng Dogecoin (DOGE). Đồng Dogecoin (https://dogecoin.com) ra đời vào tháng 12 năm 2013 với hình chú chó Shiba Inu trên logo, đây là đồng kỹ thuật số mục đích tạo ra chỉ như một trò đùa (Joke). Dogecoin được copy theo Bitcoin dựa công nghệ Blockchain nhưng điểm khác biệt nổi bật là đồng Bitcoin có số lượng giới hạn 21 triệu Bitcoin và hiện nay Bitcoin đã lưu hành trên thị trường với số lượng là khoảng 18,7 triệu Bitcoin (tương đương 89,10% trên tổng số lượng Bitcoin). Trong khi số lượng Dogecoin hiện nay trên thị trường là hơn 129 tỉ Dogecoin và sẽ có thêm số lượng 5,2 tỉ Dogecoin được tạo ra hàng năm. Kể từ khi Elon Musk “bóng gió” ủng hộ đồng Dogecoin đã khiến cho đồng tiền ảo này tăng giá đến hơn 20,000% với mức giá có khi lên đến 0,73 đô la/ Dogecoin, giúp Dogecoin leo lên đứng trong Top 10 của bảng xếp hạng đồng tiền kỹ thuật số với vốn hóa thị trường khoảng 70 tỷ đô la chỉ sau các đồng tiền kỹ thuật số khác lần lượt là Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB) và Cardano (ADA).

Top 10 của bảng xếp hạng các đồng tiền điện tử dựa trên vốn hóa thị trường ngày 16/05/2021 (Nguồn: https://coinmarketcap.com)
Top 10 của bảng xếp hạng các đồng tiền điện tử dựa trên vốn hóa thị trường ngày 16/05/2021 (Nguồn: https://coinmarketcap.com).

Mặc dù Dogecoin đã rớt giá thảm bại gần 30% với vốn hóa giảm từ 90 tỷ đô la xuống còn 70 tỷ đô la khi các nhà đầu tư bán tống bán tháo (Sell-off) sau sự kiện Elon Musk tham dự chương trình Saturday Night Live (SNL) vào ngày 08/05/2021. Vì trong chương trình SNL này Elon Musk thừa nhận tiền điện tử chỉ là kênh đầu cơ (Speculation) chứ không phải đầu tư (Investment) và Elon Musk xem Dogecoin như trò đùa, chỉ là “Hustle” (tạm dịch: chỉ để tranh thủ kiếm tiền). Lần giảm giá thứ 2 của Dogecoin lên đến 47% tương đương chỉ còn ở mức 0,37 đô la/Dogecoin khi Elon Musk tuyên bố không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vào ngày 13/05/2021 đã khiến cho các nhà đầu tư bán hoảng loạn Dogecoin (Panic selling). Nhưng ở giai đoạn tưởng như Dogecoin chuẩn bị vỡ bong bóng (Bubble) và sụp đổ trở về giá trị thực của nó thì Elon Musk lại tweet rằng “Làm việc với các nhà phát triển Dogecoin để cải thiện hiệu quả giao dịch của hệ thống. Dogecoin có tiềm năng đầy hứa hẹn” và đăng tấm hình với dòng chữ Don’t Panic (Tạm dịch: Đừng hoảng sợ) nhằm mục đích trấn an nhà đầu tư Dogecoin. Bên cạnh đó, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase (www.coinbase.com) thông báo cân nhắc trong khoảng 6-8 tuần nữa sẽ đưa Dogecoin vào danh sách để được giao dịch mua bán trên nền tảng Coinbase như sàn Binance hoặc Robinhood đã làm. Chính những điều này, đặc biệt là sự ủng hộ của Elon Musk đã làm cho giá Dogecoin ngừng rơi tự do để quay đầu tăng vọt trở lại từ mức 0,37 lên trên 0,50 đô la/Dogecoin. Chiêu trò của “Bố già” Elon Musk là các dòng tweet kiểu “nữa giỡn nữa thật” đã “dắt mũi” rất nhiều nhà đầu tư có lòng tin vào vị tỷ phú này. Việc này giúp cho một số ít những nhà đầu tư (chủ yếu là đầu cơ) may mắn kiếm khá nhiều tiền như kiểu tiền từ trúng số từ trên trời rơi xuống (Lottery Winnings) nhưng bên cạnh đó lại có rất nhiều người khác bị đu đỉnh và tán gia bại sản. Do đó, có thể thấy việc đầu tư vào một thị trường mà việc tăng - giảm hầu như phụ thuộc tác động của người nổi tiếng hoặc một nhóm lợi ích nào đó để Pump - Dump thì rất nguy hiểm cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân F0 non kinh nghiệm. Ngay cả Warren Buffet là tỷ phú Mỹ lão luyện trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán cùng rất nhiều tỷ phú khác đã có quan điểm trái chiều với Elon Musk cũng như cảnh báo nhà đầu tư trong việc đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số đầy rũi ro và cạm bẫy này.

Đương thời cựu tổng thống Donald Trump rất nổi bật với những dòng tweet liên quan về kinh tế, chính trị và quan điểm của ông đã thu hút khoảng 89 triệu người theo dõi trên Twitter. Trong khi đó, hiện nay Elon Musk với khoảng 55 triệu người theo dõi đã nổi bật với những dòng tweet có lợi cho công ty của Elon Musk làm chủ như TESLA và Space X. Ngoài những thành quả và tiềm năng của các công ty TESLA và Space X đã giúp Elon Musk trở thành tỷ phú thế giới thì sự nổi tiếng của Elon Musk không chỉ giúp cho ông dễ dàng PR (Public Relations) cho chính các công ty của mình mà còn giúp ông kiếm rất nhiều tiền từ thị trường tiền điện tử. Những gì Elon Musk đã làm và thu lợi trong thời gian qua nên Elon Musk được xem như “Bố già” ở thị trường tiền điện tử hiện nay (đặc biệt là Bitcoin và Dogecoin), mỗi dòng tweet và các hành động đều có ẩn ý và mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích cho vị tỷ phú này trước tiên. Thực tế cho thấy rằng “Cá mập” luôn có tỉ lệ chiến thắng gần như tuyệt đối so với “Cá con” trong thị trường chứng khoán và đặc biệt là thị trường tiền điện tử. Bản chất của đồng tiền kỹ thuật số hầu như chưa được Chính phủ các quốc gia chấp nhận chính thức, thậm chí các quốc gia còn xem đây là mối nguy hại cho hành động rữa tiền, tài trợ khủng bố. Hơn nữa, vốn dĩ đồng tiền kỹ thuật số không tự mang lại lợi nhuận từ kinh doanh như các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, mà hầu như chỉ tăng giá khi lượng mua vào tăng. Đồng nghĩa với việc người vào sau mua đẩy giá lên cao cho người vào trước hưởng. Mặc dù hình thức này không giống hẳn 100% là mô hình bán hàng đa cấp kiểu Kim tự tháp hoặc Ponzy, nhưng bản chất thực của nó vẫn có nhiều điểm tương đồng.

  • Chính phủ các nước hầu như chưa chấp nhận tiền điện tử:

Nhiều nhà đầu tư và người ủng hộ tiền điện tử cho rằng tiền điện tử sẽ là tiền tệ được sử dụng rộng rãi trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì tiền điện tử phải cần đạt được nhiều yếu tố, trong đó điều kiện cần tối thiểu của ít nhất 2 yếu tố cơ bản đó là phải được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng rộng rãi như một phương thức thanh toán, giao dịch và có giá trị lưu trữ. Đồng thời, tiền điện tử phải được chính phủ của các quốc gia công nhận chính thức và có các luật định rõ ràng về các loại tiền điện tử này.

Vì vậy để tăng giá trị của đồng tiền điện tử và nhằm mục đích lan tỏa đến toàn thể đại chúng, những nhà đầu cơ, đầu tư và người ủng hộ tiền điện tử đã dùng rất nhiều cách khác nhau từ phương tiện truyền thông đến sử dụng những người nổi tiếng để quảng bá cho những đồng tiền điện tử mà họ đã đầu tư hoặc ủng hộ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người nổi tiếng trên thế giới và cả ở Việt Nam cố tình quảng bá những điều tốt đẹp về một đồng tiền điện tử nào đó. Bởi vì một khi nhiều người biết đến, đầu tư và lôi kéo nhiều người khác cùng tham gia vào thị trường tiền điện tử sẽ làm tăng sự triển vọng cơ bản cho đồng tiền điện tử đó và giá trị của nó sẽ được tăng lên. Những phương thức này tương tự mô hình tiếp thị đa cấp không chân chính, trong đó những người tham gia ban đầu sẽ bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chào mời, lôi kéo người vào sau tham gia, sử dụng sản phẩm và cứ như vậy những người vào sau cũng sẽ có nhiều cách để quảng bá, tiếp thị lôi kéo những người tiếp theo vào mạng lưới. Nhưng điều nguy hiểm hơn nữa của thị trường tiền điện tử là độ biến động giá trị tăng giảm vô cùng khủng khiếp, rũi ro mắt trắng tiền của nhà đầu tư là rất cao vì những sự biến động giá cả này. Chưa kể nhiều rũi ro liên quan đến việc những người tham gia thị trường tiền điện tử bị đánh cắp tài khoản đầu tư, đánh cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và sự sụp đổ của các sàn giao dịch trung gian. Ngoài ra, trong mô hình tiếp thị đa cấp của các công ty hoạt động ở các quốc gia đều có sự quản lý của cơ quan chức năng và luật định của quốc gia đó, nhưng với đồng tiền điện tử thì hầu như các quốc gia trên thế giới chưa công nhận tính hợp pháp và cũng chưa có các luật định rõ ràng để quản lý tiền điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều người nổi tiếng và bao gồm tỷ phú Elon Musk lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân và lỗ hỏng của luật định liên quan đến tiền điện tử nên liên tục sử dụng nhiều chiêu trò để Pump - Dump tiền điện tử nhằm kiếm lợi nhuận mà tin rằng sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì. 

Trước sự hỗn loạn của thị trường tiền điện tử và tiềm ẩn nhiều bất ổn, chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thị trường tiền điện tử. Cụ thể, ngoài sự buộc tội chính thức của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) với tội danh cố tình thao túng giá cổ phiếu, gian lận chứng khoán khiến Elon Musk đã phải từ chức Chủ tịch TESLA và đóng tiền phạt 40 triệu đô la vào tháng 09/2018 cũng như Elon Musk bị dính đơn kiện lên tòa án tiểu bang Delaware từ cổ đông Chase Gharrity khi cho rằng Elon Musk đã có hành động làm cho các nhà đầu tư thiệt hại hàng chục tỉ đồng vào tháng 05/2020. Theo First Squawk, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đang điều tra về khả năng Elon Musk thao túng thị trường tiền điện tử, đặc biệt là những tweet của Elon Musk về Dogecoin. Đồng thời, Sở Thuế vụ (IRS) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) sẽ điều tra hành vi rửa tiền và vi phạm thuế của sàn giao dịch Binance (www.binance.com), một sàn giao dịch lớn nhất trong thị trường tiền điện tử có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Giới chức Hoa Kỳ còn quan ngại rằng các giao dịch trong thị trường tiền điện tử sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi nhiều nhà đầu tư chứng khoán thoái vốn để mang dòng tiền đầu tư vào thị trường tiền điện tử, ẩn chứa nhiều tiềm ẩn rũi ro, khả năng cao che dấu những giao dịch bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, rữa tiền và trốn thuế.

Tại Việt Nam, chính phủ cũng không công nhận các loại tiền kỹ thuật số này. Các kênh truyền thông báo chí chính thống đã có rất nhiều bản tin, bài viết cảnh báo về những rũi ro và hành vi phạm tội khi tham gia các sàn giao dịch tiền điện tử bất hợp pháp. Thậm chí có nhiều bài viết còn cho rằng một số đồng tiền điện tử như những “Coin rác” không có giá trị hoặc phong trào “lôi kéo mọi người vào đầu tư tiền ảo theo mô hình bán hàng đa cấp bất chính”. Hơn nữa, đa phần các cá nhân ở Việt Nam “đầu tư chui” thông qua các sàn trung gian với rũi ro mất trắng rất lớn khi các sàn giao dịch sau một thời gian biến mất, mang theo tất cả số tiền của nhà đầu tư. Vì vậy, đã có nhiều nhà đầu tư gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của những sàn lừa đảo này đến cơ quan chức năng và thực tế là họ không bao giờ có thể lấy lại số tiền đã mất. Bên cạnh những hành động của Hoa Kỳ và Việt Nam còn nhiều quốc gia khác đã chính thức lên tiếng cảnh báo cũng như nghiêm cấm giao dịch tiền điện tử. Điển hình như ngày 15/03/2021 chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ luật cấm tiền kỹ thuật số và nghiêm khắc xử phạt bất cứ ai giao dịch tiền ảo trong nước Ấn Độ. Ngày 30/04/2021 vừa qua, ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nghiêm cấm việc thanh toán, cho dù giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp tiền điện tử.

Tiền điện tử sẽ là đồng tiền của tương lai nhưng sẽ khả thi khi nó là những đồng tiền điện tử do Chính phủ của mỗi quốc gia phát hành. Mỗi quốc gia sẽ có một loại tiền điện tử và người dân của quốc gia đó được sử dụng tiền điện tử như một phương tiện trao đổi khi được chính phủ cho phép. Cho dù những nhà đầu cơ hoặc nhà đầu tư tiền điện tử biện minh rằng tiền điện tử như Bitcoin là một kho lưu trữ tài sản tương tự như Vàng, nhưng kim loại Vàng không chỉ có giới hạn, khan hiếm mà còn có giá trị trang trí và lưu trữ an toàn, hợp pháp. Hơn nữa, có nhiều loại tiền điện tử hiện nay điển hình như Dogecoin, Ethereum và các đồng tiền điện tử khác có số lượng không giới hạng cũng như liên tục tăng số lượng lớn trong tương lai. Vì vậy, những đồng tiền có số lượng không giới hạn này không thể xem là kho lưu trữ tài sản như kỳ vọng của những người ủng hộ tiền điện tử. Đó là chưa kể đến những rũi ro khác cũng như sự biến động giá trị mà nếu tiêu cực sẽ làm cho những nhà đầu tư mất trắng nguồn tiền đầu tư của mình.

Tiến sĩ Trần Nam (từ Hoa Kỳ)