Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Những cục diện mới sẽ được định hình

00:00 12/10/2020

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì thực chất, đó là sự đối đầu tranh giành vị trí địa chính trị và địa kinh tế. Những tác động đầu tiên của cuộc đối đầu Mỹ- Trung hiện đã bắt đầu rõ nét và không loại trừ khả năng sẽ có những tác động mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới.

Một số nước châu Á có thể hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung

Các chuỗi cung ứng mới

Đối với các nước ở khu vực châu Á, mối quan tâm chính là khả năng tồn tại của các chuỗi cung ứng hiện tại và sự gián đoạn về thương mại và đầu tư do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các doanh nghiệp cần hình dung được bức tranh chuỗi cung ứng để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của họ. Mặt khác, một số nước châu Á có thể hưởng lợi từ tranh chấp thương mại ngày càng tăng, bởi các công ty đa quốc gia có thể thay đổi chuỗi cung ứng để lắp ráp sản phẩm cuối cùng ở các nước châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan hoặc Indonesia.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khả năng chuyển đổi hoạt động lắp ráp từ quốc gia này sang quốc gia khác dễ dàng hơn đối với các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như may mặc, dệt may, giày dép, đồ chơi và đồ điện tử cơ bản. Đối với các sản phẩm cao cấp hơn, việc chuyển đổi sẽ tốn kém và mất thời gian hơn, do những ràng buộc về công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong mọi trường hợp, các nước Đông Nam Á có thể xuất khẩu ít linh kiện sang Trung Quốc và nhiều sản phẩm cuối cùng sang Mỹ. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc Mỹ có mở rộng các “đòn” thuế quan của họ sang các nước châu Á khác, ngoài Trung Quốc hay không.

Do quá trình chuyển đổi và thay thế không thể diễn ra một cách nhanh chóng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, các tranh chấp thương mại sẽ làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho cả hai năm 2018 và 2019. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang trì hoãn kế hoạch đầu tư và các hợp đồng trong trung hạn của họ.

Dòng vốn đầu tư và tương lai của các thị trường mới nổi

Hoạt động đầu tư quốc tế rõ ràng phụ thuộc vào niềm tin và quyết định của các nhà đầu tư. Trong một thập kỷ, vốn đầu tư quốc tế đã đổ về các thị trường mới nổi do sức hút từ tăng trưởng và các cải cách, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay buộc các nhà đầu tư quốc tế phải đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi, nhất là sau những hệ lụy của khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Những vấn đề được quan tâm hiện nay gồm có:

Thâm hụt vãng lai: Khi một nước đang thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mà chủ yếu là do thâm hụt thương mại, họ buộc phải bù đắp chênh lệch bởi các khoản vay hoặc đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy thâm hụt không bền vững theo tỷ giá hối đoái hiện tại thì hệ lụy là mất giá tiền tệ và họ sẽ chỉ giữ lại khoản đầu tư cho đến khi đồng bản tệ bắt đầu giảm mạnh, đe dọa khả năng bảo toàn vốn của họ. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, các thị trường mới nổi có tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao hiện nay gồm: Pakistan, Myanmar, Colombia và Nam Phi, Ấn Độ và Indonesia sẽ chưa thể là điểm đến an toàn cho dòng vốn đầu tư quốc tế.

Chiến tranh thương mại sẽ định hình các chuỗi cung ứng mới, cũng như dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian tới

Nợ nước ngoài: Khi một quốc gia có một khoản nợ nước ngoài lớn, mối quan tâm của các nhà đầu tư là đồng tiền mất giá có thể làm cho nước đó khó trả nợ hơn. Những lo ngại này khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tài sản, đẩy giá xuống và tăng chi phí đi vay. Các nước có tỷ lệ chi phí vay/GDP cao là Mexico, Indonesia, Brazil, Nga, Colombia, Nam Phi và Việt Nam. Tiếp theo là Ấn Độ, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Đây là cản trở cho dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào các thị trường này.

Thâm hụt ngân sách: Khi một quốc gia có thâm hụt ngân sách lớn, thâm hụt thường phải tài trợ bằng vay nợ hoặc in tiền. Nếu tình trạng này trầm trọng hơn sẽ dẫn đến mất giá tiền tệ. Các nước có tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP cao gồm Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ, Colombia, Indonesia, Pakistan và Venezuela.

Lạm phát: Khi một quốc gia có lạm phát cao, mất giá tiền tệ và bất ổn xã hội là hệ lụy tất yếu. Ví dụ rõ ràng nhất là Venezuela với tỷ lệ lạm phát trên 200.000 phần trăm. Các quốc gia khác có lạm phát tương đối cao là Ai Cập, Ukraine, Myanmar, Philippines, Pakistan, Nam Phi và Mexico.

Dự trữ ngoài hối: Dự trữ ngoại hối là công cụ quan trọng để ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động đầu tư, được tính bằng giá trị tuyệt đối (thường là Đô la Mỹ và vàng), hoặc quy đổi ra số tháng đảm bảo cho hoạt động nhập khẩu. Các nước có tỷ lệ dự trữ ngoại hối tương đối thấp bao gồm Việt Nam, Myanmar, Pakistan, Mexico, Nam Phi và Indonesia. Các nước có tỷ lệ rất cao bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Các chỉ số khác: Bên cạnh các chỉ số trên, các nhà đầu tư quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến sự minh bạch và sức khỏe của hệ thống ngân hàng, mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn, cấu trúc nợ nước ngoài của một quốc gia, mức độ độc lập của ngân hàng trung ương; sự ổn định và độ tin cậy của chính phủ.

Các nhà đầu tư, tùy theo nguyên tắc và phương pháp đầu tư của họ, sẽ lựa chọn ưu tiên cho các chỉ số trên. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là phản ứng của các quốc gia trước tác động của cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ tác động đến các chỉ số này và định hình chuỗi cung ứng cũng như dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian tới.

Đinh Linh