Chỉ số cải cách hành chính của Nghệ An năm 2020 tăng 6 bậc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành

11:18 25/06/2021

Theo kết quả vừa được Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố, năm 2020 Nghệ An đạt 85,28 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019.

Theo đó, vào chiều qua (24/6), Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS). Căn cứ vào kết quả được công bố, Chỉ số CCHC năm 2020 của Nghệ An đạt 85,28 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019 và Chỉ số SIPAS của Nghệ An đứng thứ 48/63 (năm 2019 đứng thứ 53/63). 

  Lãnh đạo tỉnh Nghệ An bấm nút khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh vào ngày 14/10/2020.

Được biết, đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2020 bao gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ của Trung ương (trong đó, có 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.

So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80% (trong khi đó, năm 2019 chỉ có 44 đơn vị, năm 2018 chỉ có 09 đơn vị thuộc nhóm này) và không địa phương nào có kết quả dưới 70%.

Năm 2020, có 58 tỉnh, thành có kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019. Theo đó, địa phương tăng điểm cao nhất là Bến Tre (+9.42%), còn địa phương tăng thấp nhất là Thái Bình (+0.70%). Bên cạnh đó, có 05 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm so với năm 2019 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bắc Cạn, Kiên Giang, trong đó Phú Yên là địa phương giảm nhiều nhất (-3.94%). Đáng chú ý, Quảng Ninh là địa phương tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, với kết quả đạt 91,04%, cao hơn 0,53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90,51%. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, với kết quả đạt 73,25%. Theo thống kê, trong 8 chỉ số thành phần đánh giá thì Quảng Ngãi có đến 6 chỉ số nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước. 

  Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC và Chỉ số SIPAS năm 2020 tại điểm cầu Nghệ An.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm, cụ thể: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 02 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh và Hải Phòng; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố; Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 05 tỉnh, thành phố.

Phương pháp đánh giá của Chỉ số CCHC năm 2020 tương tự với các năm trước. Đó là kết hợp tự đánh giá của các Bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (dùng cho cấp tỉnh). Việc triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội. Đây là một cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Văn Cương – Hoàng Lan