Châu Âu trở nên lo lắng trầm trọng về việc Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt

17:45 24/06/2022

Việc siết chặt nguồn cung khí đốt đã làm gia tăng lo ngại rằng EU có thể sắp phải đối mặt với một thời kỳ kinh tế khó khăn. Các nhà phân tích tại Berenberg trong tuần này cho biết việc cắt giảm khí đốt mới nhất có nghĩa là châu Âu đang đối diện với suy thoái.

Các nhân viên đi qua bên dưới các đường ống dẫn đến các bể chứa dầu tại nhà máy chế biến dầu khí trung tâm tại các mỏ dầu của Công ty Phát triển Dầu khí Salym gần hệ thống đá phiến Bazhenov ở Salym, Nga.

Các nhân viên bên dưới các đường ống dẫn đến các bể chứa dầu tại nhà máy chế biến dầu khí trung tâm tại các mỏ dầu của Công ty Phát triển Dầu khí Salym ở Salym, Nga..

Nỗi lo từ các nước châu Âu

Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng lo ngại về khả năng ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn từ Nga, với việc Ý yêu cầu tổ chức một cuộc họp mới để tranh luận về vấn đề này.

Gazprom, nhà cung cấp năng lượng được nhà nước hậu thuẫn của Nga, đã giảm lượng khí đốt đến châu Âu khoảng 60% trong vài tuần qua, khiến Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều cho biết họ có thể phải quay trở lại sử dụng than một lần nữa.

Điều tương tự đang diễn ra khi châu Âu - nơi nhận khoảng 40% lượng khí đốt thông qua các đường ống của Nga đang cố gắng giảm nhanh sự phụ thuộc vào các hydrocacbon của Nga để đối phó với cuộc tấn công kéo dài gần 4 tháng của Nga ở Ukraine .

Josep Borrel, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, nói với CNBC hôm thứ Sáu (24/6) rằng: “Nga đang giảm dần nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia gần như 100%; đối với các quốc gia khác cắt giảm 10, 15%”.

“Tôi không nghĩ rằng họ sẽ cắt giảm khí đốt trong một đêm, đặc biệt là khi chúng ta đang bước vào mùa hè và trong mùa hè, khí đốt không phải là vũ khí chiến lược. Nhưng tới mùa Đông có thể chúng tôi sẽ gặp khó khăn và chúng tôi phải chuẩn bị trước ở châu Âu", Josep Borrel nói thêm. 

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại rằng Nga có thể cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt hay không, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nói với CNBC: “Tôi hoàn toàn biết rằng họ có thể. Điều này xuất phát từ sự lựa chọn của họ. Họ có thể đóng hoặc mở”.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhất trí về cách tiếp cận của mình đối với vấn đề này. ″Nga có thể tự quyết định cắt giảm năng lượng cho châu Âu", ông nói. 

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết hôm thứ Năm (23/6) rằng, tình hình đang rất đáng lo ngại.

Bà nói: “Chúng tôi đã có những lo ngại từ trước. Không chỉ về ngắn hạn và trung hạn, chúng tôi cần tìm giải pháp cho điều đó”.

Trong khi đó, Ý đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp ở cấp EU vào tháng tới để thảo luận thêm về tình hình năng lượng và kinh tế, theo ba quan chức EU không muốn nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

Lo ngại về suy thoái 

Việc siết chặt nguồn cung khí đốt đã làm gia tăng lo ngại rằng EU có thể sắp phải đối mặt với một thời kỳ kinh tế khó khăn. Các nhà phân tích tại Berenberg trong tuần này cho biết, việc cắt giảm khí đốt mới nhất có nghĩa là châu Âu đang đối diện với suy thoái.

Các nhà phân tích tại Berenberg cho biết trong một ghi chú hôm thứ Ba: “Châu Âu gặp khó khăn hơn Mỹ bởi ảnh hưởng bởi giá năng lượng, chúng tôi dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ bước vào suy thoái trước Mỹ”.

Các nhà lãnh đạo EU cho đến nay vẫn từ chối nói về khả năng xảy ra suy thoái hoặc một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, nhưng họ thừa nhận rằng mùa đông tới sẽ rất phức tạp.

Phát biểu với CNBC sáng thứ Sáu, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, bà sẵn sàng để các nhà lãnh đạo gặp lại vào tháng tới, với điều kiện khối có thể công bố các bước để giải quyết áp lực kinh tế.

Bà nói: “Chúng tôi chắc chắn đang ở trong tình trạng kinh tế khó khăn với lạm phát và tình trạng thiếu khí đốt và điện.

Metsola của Nghị viện châu Âu đã đồng ý. “Vài tháng tới sẽ rất khó khăn và chúng tôi lo ngại rằng chúng tôi đang phải đối mặt với một mùa đông tốn kém và khó khăn từ góc độ năng lượng".

Bảo Bảo