Charles Koch: Để tồn tại, một doanh nghiệp phải đóng góp giá trị của họ cho cộng đồng, nếu không còn ai muốn sản phẩm của họ nữa?

09:04 22/07/2021

Trong 4 thập kỷ qua, nhờ sự chăm chỉ và óc phán đoán dưới cương vị Chủ tịch và CEO, Charles Koch đã đưa Koch Industries từ một tập đoàn ít tên tuổi lên tầm vóc mới, trở thành công ty tư nhân lớn thứ 2 nước Mỹ.

Charles Koch sinh ngày 01/11/1935 tại Wichita, Kansas, Hoa Kỳ, trong một gia đình giàu có và quyền lực. Ông nội Harry Koch của ông là người sáng lập tờ báo Quanah Tribune-Chief và là cổ đông sáng lập của Quanah, Acme và Pacific Railway. Ông bà cố của Charles Koch có người từng làm giám mục, chính trị gia  nhà văn nổi tiếng.

Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả Warren Cassell Jr. hồi năm 2016, ông tiết lộ không được sống sung sướng khi còn nhỏ dù lớn lên trong gia đình giàu có. “Cha tôi muốn tôi làm việc như thể tôi là người nghèo nhất thế giới”, ông Koch kể lại. 

Anh em nhà Koch (từ trái qua) là Charles, David, Fred, Mary, Bill và Frederick. Ảnh: Wichita State University Libraries
Anh em nhà Koch (từ trái qua) là Charles, David, Fred, Mary, Bill và Frederick. Ảnh: Wichita State University Libraries.

Koch đã được học tại Viện Công nghệ Massachusetts và nhận 1 bằng Thạc sĩ Khoa học (MS) vào năm 1958, và 1 MS thứ hai trong kỹ thuật hóa học vào năm 1960. Sau đại học, Koch bắt đầu làm việc tại Arthur D. Little.

Năm 1961, cha ông (Fred Koch), do bệnh tim ngày càng nặng, cứ luôn thúc giục ông quay về quê nhà Wichita (bang Kansas) để điều hành cơ nghiệp. Ban đầu, cha ông chỉ giao cho ông điều hành mảng kỹ thuật lọc dầu. Sau đó, nhận thấy năng lực của Charles, cha ông đã dần tin tưởng và giao nhiều trách nhiệm hơn.

Được tạo điều kiện, Charles đã mở rộng hệ thống dẫn dầu Rock Island (bang Illinois) sang những bang khác. Thậm chí, ông mua lại các công ty vận chuyển xe tải để thu gom dầu một cách hiệu quả hơn từ các giếng dầu mới khoan. Qua thời gian, ông đã học được cách mạo hiểm có tính toán bằng cách đầu tư vào các tài sản sinh lợi qua thời gian.

Cha của Charles đã mất trong một chuyến đi săn năm 1967, không lâu sau khi giao cho ông toàn quyền điều hành Koch Industries. Và điều đó đã mở đường cho 2 bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử của Tập đoàn. Năm 1968, Charles đã nhảy vào canh bạc rủi ro nhất nhưng cũng sinh lợi nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Gia đình ông sở hữu 35% cơ sở lọc dầu Pine Bend bên ngoài Minneapolis, với Union Oil of California (Unocal) giữ 40% và J. Howard Marshall giữ 15%.

Charles muốn mua đứt số cổ phần của Unocal nhưng công ty này đã ra giá quá cao. Vì thế, Charles thuyết phục Marshall, một doanh nhân có tiếng tại Mỹ, sáp nhập 15% cổ phần của ông ta với 35% của Koch nhằm ngăn cản Unocal thu gom cổ phần với tỉ lệ chi phối để bán ra cho người ngoài.

Bước đi này cuối cùng đã đơm hoa kết trái: Số cổ phần của Marshall (Marshall đã qua đời năm 1995, những người thừa kế đang nắm số cổ phần này) tại Koch Industries hiện trị giá ít nhất 10 tỷ USD.

Charles Koch cho rằng: Để tồn tại một doanh nghiệp phải đóng góp giá trị của họ cho cộng đồng, nếu không còn ai muốn sản phẩm của họ nữa?

Bước ngoặt thứ hai là một hệ quả sau thành công của Charles. Cảm thấy bị Charles gạt ra rìa, William và người anh cả Frederick đã tìm cách giành quyền kiểm soát Koch Industries vào năm 1980. David đã đứng về phía Charles Koch và cả hai một lần nữa thuyết phục J. Howard Marshall sát cánh bên họ. 

Charles Koch: Để tồn tại một doanh nghiệp phải đóng góp giá trị của họ cho cộng đồng, nếu không còn ai muốn sản phẩm của họ nữa?. Nguồn: Internet
Charles Koch: Để tồn tại một doanh nghiệp phải đóng góp giá trị của họ cho cộng đồng, nếu không còn ai muốn sản phẩm của họ nữa?. Nguồn: Internet.

Các vụ kiện tụng đã diễn ra sau đó. Charles và David đã chiến thắng trong cuộc chiến quyền lực với 2 anh em của mình. Cuối cùng họ đã mua cổ phần của William và Frederick và các cổ đông khác với giá 1,3 tỷ USD vào năm 1983. 

Điều này đã khiến cho 4 anh em rơi vào mối thù hằn và kiện tụng kéo dài suốt 1 thập kỷ khi William và Frederick liên tục kiện cáo Charles và tố cáo Koch Industries đã vi phạm các quy định về môi trường và pháp luật (Koch Industries là một tập đoàn thải khí nhà kính lớn, vì thế cũng dễ bị xăm soi).

Không chỉ vậy, rất nhiều người đã chỉ trích Charles, trong số ấy có cả Tổng thống Mỹ. Họ chỉ trích ông đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và dùng nó để làm lợi cho cá nhân.

Tuy nhiên, Charles chối bỏ điều này. “Quyền lực thực sự chính là quyền lực có thể buộc con người ta phải làm một điều gì họ không muốn. Chúng tôi không có thứ quyền lực ấy”, ông nói.

Mặc cho những vụ lùm xùm, Charles vẫn không bận tâm và đang nuôi giấc mộng thâu tóm các công ty khác để mở rộng đế chế Koch Industries. Trong những năm qua, Charles đã tiến hành nhiều thương vụ lớn. Không chỉ nuốt chửng Georgia-Pacific, Charles còn thâu tóm một công ty phân bón, hàng ngàn km đường ống dẫn dầu, ngành sợi của DuPont (năm 2004) và mua lại cả Guardian Industries, nhà sản xuất kính ôtô.

Tuy sở hữu khối tài sản lớn ông Koch lại vô cùng giản dị và có phong thái giống như một giáo sư Đại học. Một ngày ông làm việc 9 tiếng hoặc hơn tại công ty và ăn trưa ở căng tin như mọi người. Ông sống ở một trong những thành phố buồn tẻ nhất của nước Mỹ. Dường như ông thờ ơ với vạn vật xung quanh, niềm đam mê lớn chỉ là sách vở và các ý tưởng.

Tình yêu với tri thức của ông bắt nguồn từ những năm tháng dùi mài kinh sử tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào thập niên 1950. Tại đây, ông luôn trăn trở tại sao có những tổ chức thì phát triển rực rỡ còn đâu lại trì trệ. Ông đọc ngấu nghiến các sách của những tác giả thuộc trường phái kinh tế học Áo như Hayek, Schumpeter và Mises. Quyển sách ông chia sẻ đã thay đổi cuộc đời ông là của tác giả F.A Harper với tựa đề “Vì sao lương tăng?”

Nhờ đọc nhiều ông Koch đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Ông đặc biệt tâm đắc với ý tưởng “trật tự tự phát” của thị trường tự do. Theo đó cách tốt nhất để các hệ thống vận hành là để nó tự điều chỉnh, không cần con người can thiệp. Cơ chế giá sẽ điều phối nguồn lực đến nơi có hiệu quả nhất. Ông Koch cho rằng, ý tưởng “trật tự tự phát” của các tổ chức còn người kì diệu không kém trật tự tự nhiên của vũ trụ.

Ở tuổi 86, sự học của Charles Koch vẫn không ngừng nghỉ. Giá sách trong phòng làm việc của ông vẫn ngồn ngộn sách lịch sử, tự truyện và các quyển sách về những ý tưởng lớn.

TH