Chân dung tỷ phú Trần Thành"vua bột ngọt" Sài Gòn xưa một thời

10:38 17/09/2021

Nghị lực và ý chí đã giúp Trần Thành vượt qua mọi trở ngại. Bên cạnh đó sự cố gắng học hỏi đã giúp Trần Thành có những thành công nhất định.Để rồi sau đó, Trần Thành đã cho ra đời một loại bột ngọt của riêng mình, độc chiếm thị trường Việt Nam trong thời gian dài. Sản phẩm của ông được gọi là "vua bột ngọt" một thời, có mặt hầu hết trên những sạp hàng, trong mỗi bữa ăn của các giai đình người Việt ngày đó.

Ông Trần Thành. Hình lấy từ tư liệu VTV
Ông Trần Thành. Hình lấy từ tư liệu VTV.

Ông chủ của bột ngọt Vị Hương Tố là Trần Thành, một người Việt gốc Hoa. Thuở niên thiếu, ông di cư đến Việt Nam trong một gia đình nghèo khó. Thời hàn vi, ông vào làm công trong một xưởng ép dầu đậu nành và đậu phộng để sản xuất dầu ăn. Ngày ấy, các xưởng sản xuất loại này hoàn toàn làm thủ công, chỉ có duy nhất một chiếc máy nổ dùng kéo trục ép.

Công việc đầu tiên của Trần Thành trong cơ xưởng sản xuất này là cọ rửa các thùng rác, một công việc nặng nhọc, dơ bẩn và đồng lương cũng rất khiêm tốn. Thế nhưng Trần Thành làm việc một cách cần mẫn, siêng năng, không nề hà công sức. Ngoài công việc của mình, ông còn giúp đỡ những người khác dọn dẹp vệ sinh, thu nhặt vật liệu sản xuất rơi vãi trong xưởng, khiến chủ nhân của xưởng chú ý và quý mến. Chẳng bao lâu ông được chủ cất nhắc phụ trách toàn bộ khâu làm vệ sinh các thùng chứa dầu. Với cơ chế khoán gọn, Trần Thành có thể nhận thầu rồi chia việc lại cho công nhân và hưởng một phần lợi nhuận, nhưng anh không làm thế. Trần Thành vẫn trực tiếp lao động như một công nhân và hưởng phần lương trên chính công sức của mình.

Việc làm này của Trần Thành càng làm chủ xưởng qui mến và tin dùng, ông giao cho Trần Thành nhiệm vụ đi thu mua đậu nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây. Được tin dùng, Trần Thành càng cố hết sức mình trong công việc mới. Và ở đây, đức tín trung thực trong con người Trần Thành càng có cơ hội bộc lộ. Không như những người làm nhiệm vụ thu mua khác, Trần Thành không bao giờ lợi dụng tình trạng giá nguyên liệu thu mua được rẻ để kê giá kiếm lời. Ông luôn báo cáo trung thực với chủ giá gốc để được hưởng hoa hồng, tiền thưởng chính đáng. Vì thế, bao giờ nguyên liệu do Trần Thành thu mua cũng tốt hơn và rẻ hơn những người thu mua khác. Ông chủ cơ xưởng sản xuất dầu ăn bèn quyết định giao cho Trần Thành  phụ trách toàn bộ công việc thu mua nguyên liệu, không chỉ ở khu vực miền Tây mà cả miền Đông, miền Trung và cả Cao Miên, một thị trường cung cấp nguyên liệu chính yếu của xưởng. Với sự phụ trách của Trần Thành, nguyên liệu được cung cấp đều đặn, ổn định giá rẻ, ngoài ra còn bán sang những cơ sở sản xuất khác. Từ đó, việc làm ăn của xưởng trở nên phát đạt, dần dần trang bị được những máy móc tiên tiến, thu nhận thêm nhiều công nhân, mở mang thêm hệ thống đại lý bán hàng đi các tỉnh.

Đến lúc Trần Thành đã có một số vốn kha khá, đã lập gia đình và có một cơ ngơi khá ổn định, người chủ xưởng quyết định giúp đỡ để Trần Thành độc lập gây dựng cơ nghiệp, cũng là cách ông trả công cho những đóng góp của anh cho sự làm ăn phát đạt của xưởng, bằng cách cho Trần Thành vay một số vốn và giao trọn cho anh thầu cung cấp toàn bộ nguyên liệu sản xuất cho xưởng. Thế là toàn hệ thống công việc mà Trần Thành đang phụ trách, trước kia là của chủ xưởng, đã nghiễm nhiên trở thành nguồn lợi của chính anh.

Thế là Trần Thành bắt tay cải tiến toàn bộ hệ thống thu mua, vận chuyển, sao cho sản phẩm của người nông dân trồng ra mau chóng tới được xưởng sản xuất một cách thuận tiện và ít tốn kém nhất. Với hệ thống này, chẳng những Trần Thành cung cấp cho cơ xưởng nói trên mà còn cung cấp cho cả các hãng sản xuất dầu ăn khu vực Chợ Lớn và Sài Gòn. Chẳng bao lâu Trần Thành trở thành ông trùm của ngành cung cấp mễ cốc, chủ yếu là các loại hạt có dầu ở Miền Nam. Mặt hàng này lúc bấy giờ không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn là mặt hàng xuất cảng quan trọng. 

Trần Thành thời trẻ và không ít những bóng hồng bên cạnh
Trần Thành thời trẻ và không ít những bóng hồng bên cạnh.

Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành cứ thế tăng từng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc. Chẳng những ông đã trả hết món nợ vay ban đầu, mà còn tích luỹ được cho mình số vốn lớn, đủ sức nắm trọn nguồn hàng của ngành này.

Nắm được nguồn hàng trong tay, Trần Thành lại nghĩa tiếp đến chuyện phải có một cơ sở sản xuất. Thế là anh lại đầu tư số vốn lớn để thành lập một hãng sản xuất dầu ăn vào loại lớn và hiện đại nhất Miền Nam thời đó. Ngoài ra, với sự nhạy bén đặc biệt trên thương trường, Trần Thành còn đầu tư vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau. Lợi nhuận từ các cuộc đầu tư, hợp tác làm ăn cứ ào ạt đổ vào két bạc của Trần Thành, chẳng bao lâu ông đã trở thành một trong những tỷ phú đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

Mặc dù đã trở nên giàu có, Trần Thành không quên nguồn gốc xuất thân của mình từ một người lao động nghèo khổ. Phòng khách nhà Trần Thành không lúc nào vắng người và ai cũng được ông tiếp đón ân cần. Khách có thể là một nhà doanh nghiệp Đài Loan cần hùn hạp đầu tư làm ăn lớn, cũng có thể là đại diện một hội từ thiện, ban quản trị của một trường học, bệnh viện cần ông ủng hộ không chỉ tiền bạc mà còn cả sự kêu gọi lôi cuốn những người hảo tâm khác. Bởi vì chữ ký ủng hộ của Trần Thành có ý nghĩa như một lời hiệu triệu đóng góp. Đôi khi khách đến chỉ để nhận được một lời khuyên, một sự chỉ bảo tận tình của anh. Những năm ấy, ở tuổi mới xấp xỉ bốn mươi, Trần Thành đã được những người đồng hương Triều Châu ở Chợ Lớn, một khu vực có cộng đồng người Hoa lớn nhất nước ta, tín nhiệm bầu làm bang trưởng, một trường hợp trước đó chưa hề có.

Cùng với việc mở mang làm ăn, Trần Thành cũng nhiều lần đi đến các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hongkong, Singapore để tham quan học hỏi. Năm 1960 anh quyết định  xây dựng một nhà máy sản xuất bột ngọt – một mặt hàng cho đến lúc này ở miền Nam còn phải nhập cảng toàn bộ từ Nhật Bản và Đài Loan – có thương hiệu là Vị Hương Tố. Đây là nhà máy sản xuất bột ngọt đầu tiên ở miền Nam và trang bị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Uy tín của ông bang trưởng Trần Thành lên cao đến nỗi chính quyền Sài Gòn cũng phải kiêng dè. Nhiều lần Trần Thành đã thương thuyết tay đôi với cố vấn Ngô Đình Nhu khi có sự tranh chấp giữa chính sách của chính quyền với việc kinh thương của người Hoa. Đại sứ Đài Loan và đại diện của TQ cũng đã nhiều lần tìm đến Trần Thành mong tìm cách gây ảnh hưởng của mình đến cộng đồng người Hoa ở miền Nam.

Có thể nói, nguyên nhân sự thành đạt của Trần Thành bắt đầu từ một chữ, đó là chữ “tín”.

Bao nhiêu năm chí thú làm ăn, gây dựng sự nghiệp, ông chủ Trần Thành luôn tâm niệm đã là một nhà kinh doanh thì không cờ bạc, rượu chè, trai gái. Với Trần Thành, kinh doanh cũng giống như đi tu, không có chỗ cho những sa ngã.

Đáng tiếc, vốn dĩ là người cuồng công việc, đam mê phát triển kinh doanh, chinh phục thị trường, đến cuối cùng khi đã đi được hơn nửa đời người ông lại gục ngã trước diễn viên Đài Loan Thang Lan Hoa sắc nước hương trời từ Đài Loan sang Việt Nam giúp vui văn nghệ cho giới tài phiệt Chợ Lớn. 

Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến trái tim của ông chủ Trần Thành loạn nhịp, triết lý “Kinh doanh cũng giống như đi tu” lâu nay phút chốc bị dẹp qua một bên. Cả hai nhanh chóng đến với nhau, người vì nhan sắc, người vì vật chất. Chiều chuộng người đẹp hết lòng, của cải của ông chủ Trần Thành cũng lần lượt đội nón ra đi. Rồi họ chia tay, Trần Thành trượt dốc, sự nghiệp buông xuôi… 

Sau năm 1975, Trần Thành đi định cư nước ngoài. Nhà máy Thiên Hương trở thành nhà máy quốc doanh. Ngoài bột ngọt, nhà máy còn làm thêm sản phẩm bột canh nhưng dần dần chỉ còn tập trung vào mì ăn liền. Việc тнιếu đầu tư công nghệ mới đã khiến sản phẩm bột ngọt – vốn từng rất thành công trở nên ì ạch, mất dần thị phần vào tay bột ngọt ngoại nhập và cuối cùng không còn sản xuất nữa...

My An (tổng hợp)